Aa

Thu hồi dự án bê trễ: Không dễ!

Thứ Tư, 17/07/2019 - 07:02

Thời gian gần đây, Hà Nội đã có hàng loạt động thái mạnh tay với những dự án chậm tiến độ trên địa bàn, nhưng để thu hồi các dự án này không phải chuyện đơn giản.

Dự án xây dựng trụ sở văn phòng làm việc và cho thuê tại số 19 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng) do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Ba Đình làm chủ đầu tư đã bị thu hồi. Ảnh: Nhất Nam

Dự án xây dựng trụ sở văn phòng làm việc và cho thuê tại số 19 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng) do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Ba Đình làm chủ đầu tư đã bị thu hồi. Ảnh: Nhất Nam

Nhiều dự án vào “danh sách đen”...

Vấn đề dự án chậm tiến độ lại là tâm điểm quan tâm tại Thủ đô, khi ngày 9/7 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 9, Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội khóa XV, nhiều đại biểu đặt câu hỏi vì sao Hà Nội có hàng loạt văn bản, thậm chí thanh kiểm tra về dự án chậm tiến độ và có các quyết định thu hồi, nhưng vẫn chưa thực hiện triệt để, sát sao.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, đơn vị này đã rà soát 47 dự án theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, trong đó có 8 dự án ở huyện Mê Linh thuộc thẩm quyền Sở Tài nguyên và Môi trường, 39 dự án còn lại thuộc thẩm quyền Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Đến nay, đã có 33 dự án được rà soát và chấm dứt hoạt động. Sáu dự án còn lại, liên ngành sau khi rà soát đã báo cáo Thành phố cho phép điều chỉnh quy hoạch và tiếp tục triển khai với 1 dự án. Còn lại 5 dự án chưa được xử lý, trong đó có 1 dự án đang chờ kết luận cơ quan cảnh sát điều tra và 3 dự án còn lại là đối ứng quỹ đất các dự án BT.

Tại kỳ họp, khẳng định tiến độ xử lý còn chậm, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, Thành phố sẽ tập trung mục tiêu cao nhất là đưa các diện tích đất mà Nhà nước đã phê duyệt vào sử dụng, đảm bảo cao nhất quyền lợi của nhân dân, doanh nghiệp, Nhà nước. TP. Hà Nội cũng xử lý theo hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp, nhưng cũng quyết liệt xử lý các vi phạm.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội, việc giải quyết tồn tại của những dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm pháp luật thời gian qua đã được thực hiện khá quyết liệt. Theo đó, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo rà soát mọi dự án ngoài ngân sách trên địa bàn, thanh tra 379 dự án mà HĐND TP. Hà Nội đã kiến nghị; đã rà soát, ra quyết định chấm dứt ngay 48 dự án có vi phạm, đến nay thời điểm này đã chấm dứt 33 dự án. Từ khi HĐND thực hiện giám sát, UBND TP. Hà Nội đã thu hồi trên thực địa 20/38 dự án đã có quyết định, đưa ra khỏi danh sách những dự án vi phạm với 81/379 dự án, đạt 22%; xác định nghĩa vụ tài chính, bổ sung cho 23/26 dự án mà HĐND Thành phố kiến nghị…

Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ Cửu Long ở 201 Trường Chinh hiện đang được cho thuê làm quán nhậu. Ảnh: Nhất Nam

Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ Cửu Long ở 201 Trường Chinh hiện đang được cho thuê làm quán nhậu. Ảnh: Nhất Nam

Bà Ngọc cũng nhấn mạnh, theo kế hoạch của UBND TP. Hà Nội, đến quý III/2019 cần hoàn thành thu hồi thực địa 18 dự án, nên UBND TP. Hà Nội cần họp bàn ngay, làm rõ trách nhiệm thuộc về đâu, không để tình trạng sở ngành và quận huyện đùn đẩy trách nhiệm.

Đặc biệt, bà Ngọc đề nghị UBND TP. Hà Nội đẩy mạnh lãnh đạo chỉ đạo, tăng cường phối hợp giữa các ngành, giải quyết khó khăn của từng doanh nghiệp có những loại hình dự án khác nhau.

“Trên tinh thần hỗ trợ, tạo điều kiện mà các doanh nghiệp vẫn không thay đổi thì kiên quyết xử lý thu hồi, xử lý chủ đầu tư cố tình vi phạm, không để vi phạm mới phát sinh”, bà Ngọc nêu rõ.

...Nhưng khó thu hồi

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ thu hồi dự án. Trước tiên là do trong quá trình rà soát, UBND quận, huyện báo cáo chưa đầy đủ về thông tin, tính pháp lý của dự án. Đồng thời, còn một số ngành, quận huyện, chủ đầu tư chưa nghiêm túc trong công tác giám sát đầu tư, có chủ đầu tư chây ỳ không báo cáo... Đặc biệt, việc thiếu chế tài xử phạt, các chủ đầu tư không hợp tác, cũng làm chậm tiến độ thu hồi các dự án vi phạm.

Ngoài ra, việc xử lý chậm tiến độ phải thực hiện đúng trình tự, xác định đúng nguyên nhân khách quan, chủ quan, song xác định nguyên nhân gặp nhiều khó khăn do kéo dài, thay đổi chính sách đất đai, quy hoạch, chính sách giải phóng mặt bằng. Để chấm dứt hoạt động của dự án cũng cần phải cân nhắc, đối chiếu sai phạm, phù hợp quy định pháp luật để có cơ sở thu hồi, bởi một số dự án đang trong quá trình thanh tra, chờ kết luận thanh tra, có dự án chờ điều chỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên vẫn phải chờ kết quả cuối cùng.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề quy hoạch treo, dự án treo, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, Luật Đất đai từ 1993, 2003, 2013 đều quy định nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít.

Theo ông Hà, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ như chủ đầu tư không đủ năng lực (tài chính, kinh nghiệm); thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng... kéo dài; thị trường thay đổi, nếu cứ theo phương án đầu tư cũ trước khi giao đất thì thua lỗ; đặc biệt là do vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng...

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trước tình trạng trên, thời gian qua, cơ quan này đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành và các quận, huyện, tổ chức rà soát, hậu kiểm, tiến hành thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý, sử dụng đất đai, xử lý vi phạm pháp luật đất đai đối với các dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời, làm rõ nguyên nhân, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và có phương án xử lý phù hợp, tạo điều kiện cho chủ đầu tư có phương án, thời gian khắc phục khả thi.

Tuy nhiên, cơ quan này cho biết, công tác trên gặp không ít khó khăn do nhiều đối tượng không hợp tác khi đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ, như: Không có mặt tại buổi công bố quyết định thanh tra, chậm thực hiện các nội dung báo cáo hoặc báo cáo không theo các nội dung đề cương của đoàn thanh tra yêu cầu, chậm cung cấp tài liệu hồ sơ sử dụng đất và các tài liệu liên quan đến diện tích đất bị thanh tra.

Ngoài ra, đối tượng thanh tra không cử người đại diện theo quy định của pháp luật, cử người đại diện không ủy quyền làm việc với đoàn thanh tra, ký biên bản làm việc, biên bản thanh tra, biên bản kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính…, dẫn tới kết luận thanh tra, kiểm tra thiếu cơ sở pháp lý.

Trên thực tế, nhiều dự án chậm tiến độ trên địa bàn TP. Hà Nội đã “biến tướng” thành các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, bãi gửi xe… Chẳng hạn, 23 dự án trụ sở các tổng công ty tại Khu đô thị mới Cầu Giấy; Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ Cửu Long ở 201 Trường Chinh, chủ đầu tư là Hợp tác xã thương mại dịch vụ Cửu Long, nhưng do Công ty Cổ phần Đầu tư TSG Việt Nam nắm giữ cổ phần chi phối.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top