Công viên Tuổi Trẻ Thủ Đô nằm trên khu đất vàng ở quận Hai Bà Trưng, được UBND TP. Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ năm 2002 với quy mô 26,4ha, tổng mức đầu tư 280 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2002 - 2006. Nhưng đến nay Công viên Tuổi trẻ Thủ đô đang dần xuống cấp và trở thành “điểm đen” về hàng loạt sai phạm không được cương quyết xử lý và chấn chỉnh.
Đến năm 2010, TP. Hà Nội quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết Công viên Tuổi Trẻ theo hướng trở thành Trung tâm Thanh thiếu niên Hà Nội. Mục tiêu của TP. Hà Nội là Công viên Tuổi Trẻ trở thành công viên chuyên đề với 6 khu chức năng (tổng diện tích gần 13ha) như cung thiếu nhi, khu vực cây xanh, hồ nước và khu đa năng. Đặc biệt, TP. Hà Nội quyết định không xây dựng khách sạn cao tầng trong công viên, thay vào đó là trung tâm văn hoá, thể thao. Những điều chỉnh nêu trên được xem là giải pháp tháo gỡ, nhưng thực tế sau điều chỉnh quy hoạch, dự án Công viên Tuổi Trẻ vẫn không được thực hiện.
Liên quan đến công tác quản lý quy hoạch và xử lý vi phạm quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, năm 2020 Thanh tra TP. Hà Nội đã công bố Kết luận thanh tra toàn diện về dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Kết luận thanh tra cho biết, có 14 hạng mục công trình sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng, công trình được cấp phép khi chưa được giao đất, vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng.
Theo đó, 14 hạng mục công trình sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng như: Nhà hàng Queen Bee, khu nhà văn phòng công ty, khu văn phòng trung tâm hợp tác lao động quốc tế, hai sân tennis ngoài trời, sân bóng đá mini, nhà dịch vụ sân bóng đá mini, các điểm trông giữ xe ngày đêm, mái che sân tennnis, nhà hát ngoài trời có mái che Cung Xuân, bể bơi ngoài trời...
Thời điểm hiện nay tháng 12/2022, theo ghi nhận tại Công viên Tuổi Trẻ, nhiều hạng mục trong công viên bị xuống cấp thiếu sự chăm sóc. Các công trình vòng quay mặt trời, máng trượt nước, xích đu... đã hoen rỉ, hoang phế.
Một số hạng mục từng bị lực lượng chức năng của TP. Hà Nội chỉ rõ là sai phạm hoặc không phù hợp trong công viên như nhà hàng, bãi xe vẫn tồn tại trong công viên. Công trình trái phép như sân bóng, sân tennis đã được xử lý nhưng vật liệu xây dựng vẫn vứt ngổn ngang. Khu nhà nổi giữa hồ dù không sử dụng nhưng là khối bê tông gây mất cảnh quan đô thị. Rất nhiều điểm bên trong công viên trở thành điểm đỗ xe, bán trà đá.
Còn hơn 8ha chưa được giải phóng mặt bằng với khoảng 1.000 hộ dân nằm trong quy hoạch “treo” ở phía Đông, phía Bắc Công viên Tuổi Trẻ. Những hộ dân này còn sống trong cảnh bất ổn trên phần diện tích được quy hoạch treo của công viên suốt cả chục năm trời, không được cấp phép xây dựng.
Gia đình ông Tuấn, sống trong ngõ 213 phố Lạc Nghiệp (cạnh công viên Tuổi Trẻ) từ đầu những năm 1970, đến nay vẫn không được cấp phép xây dựng, do thuộc diện giải phóng mặt bằng làm Công viên Tuổi Trẻ, nhưng dự án này chưa biết đến bao giờ mới thực hiện. Có đất, có nhà nhưng nhiều năm nay, ông Tuấn và con cháu của mình sống trong cảnh tạm cư do không được nhập hộ khẩu, con cháu phải đi học trái tuyến. Rất nhiều hộ dân sống trong ngõ 213 này phải cùng chung công tơ điện, đồng hồ nước...