Theo Báo Dân trí, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án lắp đặt bổ sung các hạng mục phòng cháy, chữa cháy trên tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông.
Dự án nhằm nâng cao mức độ an toàn phòng cháy, chữa cháy cho tuyến metro 2A, đảm bảo khả năng xử lý kịp thời các sự cố cháy nổ và hỗ trợ thoát nạn, tuân thủ quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
Theo kế hoạch, hệ thống chữa cháy tự động sẽ được lắp đặt tại toàn bộ 12 nhà ga và khu depot.
Ngoài ra, hệ thống hút khói sẽ được bổ sung tại các phòng ắc quy, phòng điện, đồng thời đảm bảo mỗi nhà ga có hai hệ thống hút khói độc lập.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Nguồn ảnh: Báo Lao Động
Tổng mức đầu tư của dự án hơn 30 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2025-2026, tại 12 nhà ga trên cao và khu depot của tuyến Cát Linh - Hà Đông.
UBND TP. Hà Nội giao Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm lập dự án và phối hợp với các sở, ngành để triển khai, đảm bảo tiến độ, tiết kiệm và tuân thủ đúng quy định. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND thành phố về tính pháp lý và chính xác của hồ sơ thẩm định.
Trước đó, sau sự cố hành khách phải che ô trên tàu do mái che bị dột, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiểm tra hiện trường tuyến metro Cát Linh - Hà Đông vào ngày 26/5.
Kết quả kiểm tra đã được Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Viết Hải báo cáo gửi UBND TP. Hà Nội.
Theo báo cáo, tại thời điểm kiểm tra, mái che tại ga Yên Nghĩa bị hư hỏng, tốc mái nhưng chưa được sửa chữa. Nguyên nhân được xác định là do ảnh hưởng của bão Yagi xảy ra trước đó.
Sở Xây dựng đánh giá, tiến độ sửa chữa chậm trễ xuất phát từ việc Công ty HMC chưa chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan cũng như chưa kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để triển khai biện pháp khắc phục một cách hiệu quả.
Được biết, Tuyến metro Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Hà Nội, có chiều dài 13,1km gồm 12 ga trên cao, nối từ ga Cát Linh (Ba Đình) đến ga Yên Nghĩa (Hà Đông). Tuyến chính thức khai thác thương mại từ ngày 6/11/2021, sau 10 năm thi công.
Tuyến do Tập đoàn EPC Cục 6 đường sắt Trung Quốc làm tổng thầu, sử dụng vốn vay ODA từ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước, với tổng mức đầu tư hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng). Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, vận chuyển được 1.362 hành khách, tốc độ trung bình 35km/h và tốc độ tối đa 80km/h.
Sự kết nối trực tiếp với tuyến metro, cộng hưởng cùng điều chỉnh quy hoạch mở rộng trung tâm thương mại, kỳ vọng sẽ tạo ra sức bật mạnh mẽ cho khu vực Yên Nghĩa - nơi đang trở thành tâm điểm phát triển mới của phía Tây Hà Nội.