Đảng ủy UBND TP. Hà Nội vừa có báo cáo Thường trực Thành ủy về việc triển khai nghiên cứu quy hoạch, đầu tư cải tạo chỉnh trang một số khu vực quảng trường, không gian công cộng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Trong đó, có dự án đầu tư xây dựng quảng trường - công viên khu vực phía Đông hồ Hoàn Kiếm, quy mô diện tích khoảng 2,14ha.
UBND TP. Hà Nội cho biết, các dự án đầu tư xây dựng này thuộc nhóm dự án cải tạo chỉnh trang đô thị tại khu vực trung tâm thành phố, góp phần nâng cao giá trị của khu Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm… Các dự án sẽ triển khai với tiến độ rất gấp, nhằm hướng tới chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc.
Đến nay, việc triển khai dự án được các tổ chức có trụ sở nằm trong khu vực tích cực ủng hộ. Tuy nhiên, việc triển khai có ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống của một số tổ chức, hộ gia đình thuộc diện phải di dời, giải phóng mặt bằng, đồng thời có khó khăn phức tạp liên quan đến cơ chế, chính sách áp dụng nên chắc chắn sẽ phát sinh những vướng mắc.

Khách sạn Điện lực trên phố Lý Thái Tổ cũng nằm trong số các đơn vị phải di dời để phục vụ dự án cải tạo phía Đông hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Tùng Dương/Reatimes)
Cụ thể, theo báo cáo của quận Hoàn Kiếm, trong khu vực thực hiện dự án có 47 chủ sử dụng nhà đất, bao gồm 12 tổ chức, cơ quan và 35 hộ dân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở; 2 hộ dân có hợp đồng thuê nhà với Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội; 2 hộ dân nằm trong số quản lý nhưng không có hợp đồng thuê nhà.
Ngoài ra, trong phạm vi khu đất có một số công trình có giá trị gồm: Viện Văn học; Điện lực Hà Nội; Sở Văn hóa - Thể thao, công trình "nhà đèn" và tượng Bác Hồ trong khuôn viên khu đất Điện lực Hà Nội.
Do vậy, Đảng ủy UBND TP. Hà Nội đề nghị Thường trực Thành ủy thống nhất về chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng quảng trường - công viên phía Đông hồ Hoàn Kiếm và dự án cải tạo, chỉnh trang, tái thiết không gian quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục.
UBND TP. Hà Nội xác định, dự án đầu tư xây dựng quảng trường - công viên gồm 2 phân kỳ. Trong đó phân kỳ 1 đầu tư xây dựng phần nổi của quảng trường - công viên theo hình thức đầu tư công; phân kỳ 2 đầu tư xây dựng công trình ngầm dưới quảng trường - công viên (3 tầng) cùng với công trình ngầm nhà ga C9.
Trong đó, phân kỳ 1 sẽ hoàn thành vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9. Hiện TP. Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhằm tạo "làn xanh" đặc biệt cho dự án, bảo đảm cho dự án không bị ngừng trệ bởi bất kỳ khó khăn, vướng mắc thường gặp đối với một dự án đầu tư công, có sử dụng đất, thực hiện trong thời gian ngắn nhất.
Vì vậy, trước 16/4, Hà Nội sẽ thực hiện đồng thời việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị H1-1B và lập phương án kiến trúc, phê duyệt phương án. Đồng thời, tiến độ giải tỏa tòa nhà Hàm cá mập sẽ xong trước ngày 30/4.
Thành phố cũng đã có phương án bố trí trụ sở các cơ quan, đơn vị trong diện di dời để thực hiện dự án. Theo đó, UBND TP. Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất theo hướng bố trí trụ sở Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Du lịch thành liên cơ quan tại 38 phố Hai Bà Trưng; đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư tăng quy mô đủ cho 2 cơ quan.
Trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng, cải tạo khu trụ sở 38 phố Hai Bà Trưng, bố trí tạm cư tại Khu liên cơ Võ Chí Công hoặc khu vực gần trụ sở UBND thành phố.
Về trụ sở Điện lực Hoàn Kiếm, thống nhất báo cáo, đề xuất của UBND quận Hoàn Kiếm về việc bố trí tại số 13 phố Đường Thành - Trụ sở Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà Hoàn Kiếm.
Đối với khu trụ sở Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Khách sạn Điện lực, Công ty vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu, đề xuất vị trí làm trụ sở mới tại khu vực trụ sở các Tổng công ty - Khu đô thị mới Cầu Giấy.

Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia dự kiến di dời trụ sở về Khu đô thị mới Cầu Giấy. (Ảnh: Tùng Dương/Reatimes)
Giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Tài chính rà soát quỹ nhà đất của thành phố để bố trí trụ sở Viện Văn học - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hội Người mù Hà Nội, Chi cục Dân số Hà Nội.
Đối với trụ sở Ban Tiếp công dân thành phố, Sở Xây dựng nghiên cứu địa điểm tại 102 phố Hai Bà Trưng để bố trí trụ sở làm việc của Ban Tiếp công dân thành phố.
Trụ sở Kho bạc Nhà nước đã có quyết định bàn giao lại cho thành phố do không còn nhu cầu sử dụng. Sở Tài chính sớm tham mưu UBND thành phố việc nhận chuyển giao cơ sở nhà đất nêu trên và giao cho UBND quận Hoàn Kiếm để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
UBND Thành phố cũng giao Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Văn phòng UBND thành phố làm việc với Thành đoàn Hà Nội về việc quản lý, sử dụng Cung Thiếu nhi (số 36 - 38 Lý Thái Tổ), đề xuất bố trí cho các đơn vị sử dụng tạm trong thời gian chờ di chuyển đến vị trí chính thức và phương án khai thác sử dụng lâu dài Cung Thiếu nhi trong tổng thể khu vực./.