Dài gần 1km, những vòm cầu kéo từ Phùng Hưng tới ga Long Biên được tạo thành từ các trụ móng cầu cạn đường sắt do người Pháp xây dựng bằng đá hộc vào hơn 100 năm trước. Hiện tại, ngoài 4 vòm cầu vẫn được giữ làm đường giao thông, 127 vòm còn lại đã bị bịt kín bằng xi măng từ thập niên 1980.
Đoạn phố đục thông 6 vòm cầu nói trên nằm liền kề với khu vực đầu phố Phùng Hưng, nơi có 17 vòm cầu đã được trang trí bằng các bức bích họa theo một dự án phối hợp giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Như vậy, sau khi hoàn thành, 2 đoạn phố này sẽ có sự kết nối để tạo ra một không gian văn hóa công cộng mới cho Hà Nội.
Phó Trưởng ban thường trực Ban Quản lý phố cổ Hà Nội Đặng Đình Bằng cho biết, Phố Bích họa Phùng Hưng mặc dù là điểm đến hấp dẫn nhiều du khách nhưng thiếu tính kết nối với khu vực tuyến phố đi bộ từ Hàng Đào đến Hàng Giấy.
Do vậy, việc đục thông 6 vòm cầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi để kết nối 2 không gian. Quận Hoàn Kiếm mong muốn, đoạn đường phố Bích họa có thể cấm các phương tiện trong ngày thường, không cần chờ đến các sự kiện. Trước đó, vào những dịp tổ chức sự kiện như chợ hoa tết và các sự kiện văn hóa việc cấm đường không ảnh hưởng lớn đến giao thông.
Đầu tháng 7/2018, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri bày tỏ quan điểm 131 vòm cầu đá dưới đường sắt dẫn lên cầu Long Biên là di sản đô thị cần được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch của TP. Chính vì vậy, Hà Nội đã xin ý kiến các cơ quan liên quan cải tạo không gian công cộng tại các vòm cầu này để tổ chức hoạt động nghệ thuật. Việc đục thông 6 vòm cầu này là giai đoạn thí điểm, trước khi được áp dụng trên toàn bộ các vòm cầu kéo dài từ Phùng Hưng tới ga Long Biên.
Bên cạnh đó, cũng vì để khắc phục tình trạng nhếch nhác tại Phố Gầm Cầu, đề án khai thác, sử dụng vòm cầu sau khi đục thông có thể được sử dụng để làm không gian giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ, không gian văn hóa cộng đồng, không gian văn hóa ẩm thực, thương mại, làm văn phòng.