Aa

Hà Nội giải quyết hàng loạt "điểm nghẽn" giao thông để xây dựng thành phố thông minh

Thứ Ba, 18/04/2017 - 03:01

Hà Nội ưu tiên đầu tư, phát triển 4 lĩnh vực để triển khai xây dựng thành phố thông minh là giáo dục, y tế, giao thông và du lịch. Bên cạnh đó, Hà Nội đang dần hoàn thiện các thành phần cơ bản của Chính quyền điện tử Thủ đô.

Tại tọa đàm chủ đề “Tầm nhìn và giải pháp phát triển mô hình thành phố thông minh” diễn ra mới đây, Giám đốc Sở TT&TT Phan Lan Tú cho rằng, mỗi địa phương sẽ có cách tiếp cận khác nhau khi triển khai xây dựng thành phố thông minh. Quan điểm của Hà Nội là tập trung vào những cái đang cần cho người dân.

Theo đó, hiện nay 4 hệ thống đang được Hà Nội lựa chọn tập trung triển khai là giáo dục thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh và du lịch thông minh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Theo lãnh đạo sở TT&TT Hà Nội, hai lĩnh vực giáo dục, y tế được làm tốt sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Riêng với lĩnh vực giao thông, hiện nay giao thông Hà Nội đang gặp phải rất nhiều vấn đề bất cập như: ùn tắc, số lượng phương tiện quá nhiều (thống kê cho thấy Hà Nội có trên 500.000 xe ô tô và hơn 1,7 triệu xe máy) trong khi đó cơ sở hạ tầng không đảm bảo… Vì vậy, xây dựng hệ thống giao thông thông minh cho Hà Nội cũng là một vấn đề Thành phố lựa chọn tập trung triển khai

Trong lĩnh vực GD&ĐT, trong năm ngoái, phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2016 - 2017 đã được ứng dụng tại 2.620 đơn vị trường học với hơn 250.000 gia đình học sinh tham gia, tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến qua mạng đạt 84,87% đối với mầm non, đạt 51,11% đối với tuyển sinh lớp 1 và 58,18% tuyển sinh lớp 6.

Trong lĩnh vực y tế, giải pháp tổng thể về ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế của Hà Nội được triển khai dựa trên Cơ sở dữ liệu dân cư với 9 cấu phần chính gồm: Kết nối và khai thác CSDL dân cư trong công tác khám, thiết lập hồ sơ sức khỏe toàn dân; Xây dựng hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, cấp mã y tế cá nhân, tiến tới sử dụng 1 thẻ khám chữa bệnh thống nhất cho tất cả các cơ sở y tế; Quản lý, lưu trữ toàn bộ hồ sơ sức khỏe và lịch sử khám chữa bệnh của người dân; Kết nối với các bệnh viện để trao đổi thông tin y tế; Triển khai giải pháp tổng thể hệ thống y tế thông minh; Tầm soát ung thư cho các đối tượng có nguy cơ cao trên toàn địa bàn thành phố; Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lĩnh vực y tế; Xây dựng các CSDL y tế tích hợp vào hệ thống chính quyền điện tử của thành phố như CSDL dược, CSDL vệ sinh an toàn thực phẩm…; hướng tới xây dựng nền y tế thông minh.

Theo kế hoạch, dự kiến trong tháng 4/2017, hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân trên 584 xã/phường của Hà Nội sẽ được triển khai, với khoảng 7 triệu người dân được lập sổ theo dõi sức khỏe điện tử.

Với lĩnh vực giao thông, Thành phố đang chỉ đạo triển khai thí điểm hệ thống giao thông thông minh, với các hạng mục cụ thể gồm: cải tạo, nâng cấp hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi TP.Hà Nội - giai đoạn 2; bổ sung trang thiết bị và cơ sở dữ liệu nâng cao hiệu quả hệ thống giám sát hành trình GPS; tăng cường năng lực kiểm tra giám sát hoạt động xe buýt trên địa bàn Hà Nội; triển khai đề án nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025; dự án bãi đỗ xe thông minh…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top