Dù đang sinh sống trong một khu đô thị hiện đại bậc nhất Thủ đô, song anh Nguyễn Trọng Hùng (42 tuổi, An Khánh, Hoài Đức) lại cảm thấy lo sợ mỗi khi xảy ra mưa lớn. Mỗi lần như thế, đường phố và hầm nhà nơi anh ở lại biến thành sông, lụt lội khủng khiếp.
Anh Hùng hài hước chia sẻ, từ khi chuyển về sinh sống ở Khu đô thị An Khánh, năm nào anh cũng được ‘đào tạo kỹ năng bơi lội’ miễn phí. Nguyên nhân bởi, hệ thống thoát nước ở tầng hầm trước đây không được xây dựng tốt. Chỉ cần mưa to một chút, phía dưới hầm lại ngập sâu, trở thành một chiếc ao mini.
Anh Hùng cho biết, mấy hôm trước trời mưa quá to, nước tràn vào nhanh nên anh mới chỉ chuyển được ô tô và xe máy. Sáng hôm sau anh phải dùng máy bơm nước, hút hết nước để chuyển nốt những đồ còn sót lại.
Theo ghi nhận của Lao Động, nhiều căn nhà liền kề ở mặt đường Lê Trọng Tấn (huyện Hoài Đức) dù nằm trong khu đô thị mới được quy hoạch đồng bộ nhưng lại thường xuyên bị ngập nước sau những cơn mưa lớn. Đặc biệt, dù đã 3 ngày tính từ trận mưa ngày 28/9 vừa qua, nhiều căn liền kề ở mặt đường Lê Trọng Tấn vẫn đang trong tình trạng ngập tầng hầm. Sau khi nước được hút ra, nhiều chủ nhà ngao ngán bởi hầu hết đồ đạc đều đã hỏng hóc.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu. Tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra ở khu vực này trong khoảng thời gian gần đây. Người dân sinh sống xung quanh Khu đô thị Nam An Khánh, Khu đô thị Bảo Sơn cho biết, khu vực trước cổng đô thị Nam An Khánh Sudico, Khu đô thị Lê Trọng Tấn - Geleximco và khu đường gom Láng Hòa Lạc..., do nước mưa đổ dồn và không tiêu thoát kịp, dẫn đến xảy ra ngập úng nghiêm trọng.
Việc mưa lớn kéo dài dẫn đến ngập úng cục bộ, nước tràn vào nhà đã khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn. Dân Trí dẫn lại lời của các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch - đô thị về tình trạng ngập úng ở các khu đô thị phía Tây Hà Nội cho biết, tình trạng ngập úng diễn ra là do việc phát triển đô thị một cách tùy tiện, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được quan tâm đúng mức.
Liên quan đến vấn đề này, KTS Phạm Thanh Tùng - Hội Kiến trúc sư Việt Nam - nhấn mạnh, đầu tiên là quy hoạch nào cũng đều có cốt nền khu vực, song điều này lại chưa được quan tâm vào lúc thực hiện. Thứ hai, chủ đầu tư khi xây dựng phải làm hệ thống cấp - thoát nước, xác định lượng nước thải một ngày để tính toán lượng nước mưa. Trừ những đô thị xen kẽ trong nội đô, hầu hết những khu đô thị mới đều là đất ruộng.
Vì thế, ông Tùng cho rằng, việc xác định cốt nền và tính toán xây dựng hạ tầng kỹ thuật cần phải được làm trước và có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn, sau đó mới tiến hành xây dựng nhà. Thực tế, các chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc bán nhà sao cho thật nhanh. Việc giám sát thiếu chặt chẽ, thế nên việc các đô thị bị ngập trong thời gian qua là một điều tất yếu.
Giá rao giảm sâu vẫn khó bán
Theo tìm hiểu, nhiều nhà liền kề ở dọc đường Lê Trọng Tấn đang dán biển cho thuê, bán từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa tìm được chủ. Giá của những căn liền kề này trên thị trường dao động trong khoảng 10-20 tỷ đồng. Theo một số môi giới bất động sản, thanh khoản khá yếu dù giá đã giảm sâu. Thậm chí, lượt khách quan tâm đi xem nhà và hỏi thông tin sâu về sản phẩm vô cùng ít ỏi.
Cụ thể, theo anh Nguyễn Trọng Tùng (35 tuổi, ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức) cho biết, căn nhà liền kề có diện tích 60m2, xây 4 tầng và có mặt tiền hướng tây, rộng 5m ở khu B Geleximco có giá rao bán chỉ 6,7 tỷ đồng. Ngoài ra, cả dãy liền kề có gần 10 căn tương tự và chủ nhà đang muốn bán, giá trên dưới 7 tỷ đồng.
Theo anh Tùng giới thiệu, một số căn liền kề khác với diện tích 100m2 tại các khu đô thị A, B, C, D Geleximco có giá bán hơn 8 tỷ đồng; diện tích 120m2 sẽ giá khoảng 10 tỷ đồng; rộng 130m2 giá khoảng gần 11 tỷ đồng; biệt thự song lập trên 200m2 khoảng 15 tỷ đồng… Người này cho biết: “Mức giá hiện tại là đã giảm khoảng 20 - 35% so với thời điểm sốt giá nhà đất hồi năm 2020 - 2021. Như căn liền kề 60m2, hồi trong dịch COVID-19, giá bán không dưới 8,5 - 9 tỷ đồng; căn liền kề 100m2 bán cũng không dưới 9,5 - 10 tỷ đồng…”. Theo anh Tùng, nhiều khách tiếp tục ép chủ nhà xuống giá sau những thông tin về liền kề bị ngập hầm.
Xét ở góc nhìn chuyên gia, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao, Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội cho biết, giá biệt thự và liền kề trong thời gian qua đã có xu hướng giảm nhưng không đáng kể. Đây là thách thức không nhỏ với cả chủ đầu tư và các nhà đầu tư cá nhân.
Thời điểm hiện tại, mặt bằng biệt thự trong khoảng 10-30 tỷ đồng ở Hà Nội chiếm đến 55% tỷ trọng, mức giá trên 30 tỷ đồng chiếm 20%, dưới 10 tỷ đồng chiếm khoảng 22%. Bà Hằng còn phân tích: “Đối với chủ đầu tư, chi phí đầu tư ban đầu của dự án đang rất cao. Tại thị trường thứ cấp, các nhà đầu tư đã trải qua nhiều lần mua qua bán lại khiến giá bị đẩy lên cao, khiến việc quyết định điều chỉnh giá càng thêm khó khăn”.
Còn theo ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội, thị trường bất động sản trong giai đoạn này đang hướng đến những phân khúc đáp ứng nhu cầu thực. Những phân khúc với tính năng đầu cơ cao như đất nền tỉnh hoặc biệt thự, nhà liền kề đang bước vào quá trình thanh lọc.