Năm 2016, sau 1 năm khánh thành Đại lộ Võ Nguyên Giáp và cầu Nhật Tân, Hà Nội chính thức công bố đồ án quy hoạch trục Nhật Tân - Nội Bài, đánh dấu cho việc "xoay trục" phát triển đô thị Thủ đô từ Tây sang Bắc.
Một trong số những dự án nhận được sự quan tâm của xã hội là dự án Công viên Kim Quy tại xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội, được kỳ vọng trở thành biểu tượng mới của Thủ đô. Nhiều năm qua, TP. Hà Nội vẫn đương đầu với thực trạng thiếu những công viên vui chơi quy mô lớn, những tổ hợp vui chơi hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhất là mỗi dịp hè, nhiều phụ huynh trên địa bàn Hà Nội lại đau đầu tìm điểm vui chơi, thư giãn cho con em mình.
Theo tiết lộ của đại diện Tập đoàn Sun Group tại thời điểm đó, Công viên Kim Quy sẽ là một tổ hợp vui chơi giải trí và sự kiện đẳng cấp quốc tế, quy tụ các công viên chủ đề và công viên giải trí tầm cỡ khu vực với ý tưởng hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay. Dự án quy mô hơn 100ha, tổng vốn khoảng 4.600 tỷ đồng, khởi công từ tháng 9/2016 và cam kết cuối năm 2018 đưa vào sử dụng giai đoạn 1.
Tuy nhiên đến nay, dự án "tầm cỡ" này vẫn chỉ là một khu đất trống đầy cỏ mọc được quây tôn kín xung quanh. Dư luận đặt câu hỏi vì lý do gì mà khởi công cuối năm 2016, đến nay Công viên Kim Quy vẫn chưa thể triển khai?
Cũng tại huyện Đông Anh, Dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội (North Hanoi Smart City) có diện tích 272ha, tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ (huyện Đông Anh), do BRG và đối tác nước ngoài làm chủ đầu tư. Dự án này là tổ hợp chung cư cao cấp, căn hộ dịch vụ và shophouse thương mại được đầu tư với nguồn vốn lên tới 4,2 tỷ USD. Trong đó, trọng tâm khu vực là tháp tài chính thương mại với chiều cao dự kiến tối đa khoảng 108 tầng. Vị trí dự án nằm ven đường đê tả sông Hồng, giữa hai cầu là Nhật Tân và Thăng Long. Dự án này được lập dựa trên quy hoạch đô thị thông minh dọc trục Nhật Tân - Nội Bài. Được động thổ từ tháng 10/2019, tuy nhiên đến nay dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng để triển khai xây dựng.
Trong khi đó, ở phía Đông, bắt đầu từ năm 2018, một cuộc "cách mạng" đã diễn ra với cột mốc là Vinhomes - nhà phát triển bất động sản số 1 Việt Nam, khởi công dự án lớn nhất lịch sử tập đoàn này tính đến thời điểm đó, mang tên Vinhomes Ocean Park (hơn 400ha) tại huyện Gia Lâm. Đây không chỉ là "bom tấn" của Vinhomes mà còn là dự án tạo ra sự thay đổi trong cục diện thị trường nhà ở Hà Nội. Lần đầu tiên trong lịch sử, khu Đông vươn lên trở thành nguồn cung lớn, quan trọng hàng đầu Thủ đô.
Nhìn vào sự phát triển của khu Đông (Gia Lâm), không thể không ngậm ngùi cho khu Bắc (Đông Anh). Cùng chung điểm xuất phát, thậm chí khu Bắc có điểm xuất phát còn cao hơn khu Đông, nhưng con đường phát triển bất động sản đô thị của khu Bắc rất chậm chạp, rơi vào tình cảnh đi trước nhưng không biết bao giờ mới về.
Nhiều năm đã qua kể từ lễ động thổ của BRG, Sun Group (2016) với biết bao kỳ vọng, bất động sản khu Bắc gần như bất động. Dọc Đại lộ Võ Nguyên Giáp, dọc Đường 5 kéo dài, đất trống miên man, các dự án của Sun Group hay BRG chỉ là bãi đất hoang chăn thả gia súc, cỏ dại mọc đầy.
Trong khi Vinhomes Ocean Park Gia Lâm hiện đại, đẹp đẽ thì Dự án Thành phố thông minh tại Đông Anh vẫn chỉ là đồng ruộng.
Vinhomes Ocean Park (hơn 400ha) tại huyện Gia Lâm với bãi biển nhân tạo đã đưa vào sử dụng từ lâu trong khi Dự án Công viên Kim Quy (101ha) tại Đông Anh vẫn đang quây tôn, mặc dù theo công bố ban đầu là hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2018.
Theo tiết lộ của đại diện Tập đoàn Sun Group tại thời điểm đó, Công viên Kim Quy sẽ là một tổ hợp vui chơi giải trí và sự kiện đẳng cấp quốc tế, quy tụ các công viên chủ đề và công viên giải trí tầm cỡ khu vực với ý tưởng hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay.