Tình trạng vi phạm pháp luật đê điều, đất đai, xây dựng diễn biến phức tạp
Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí phản ánh về tình trạng đổ phế thải xây dựng trái phép ra khu vực bãi sông, lấn chiếm bãi sông trên địa bàn một số phường của quận Tây Hồ. Đặc biệt, tình trạng đổ phế thải xây dựng với khối lượng lớn, xây dựng công trình trái phép tại một số khu vực bãi sông Hồng.
Liên quan đến việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đề điều trên địa bàn quận Tây Hồ, trước đó, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo số 277/UBND-KTN ngày 6/2/2023 nhằm xử lý vấn đề trên.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay trên địa bàn quận Tây Hồ còn tồn tại một số hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, đặc biệt là các hành vi vi phạm như lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê, bờ bãi sông, bãi giữa gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều và khả năng thoát lũ, gây bức xúc dư luận.
Có thể kể đến một số khu vực vi phạm như tại phường Yên Phụ, với hàng loạt công trình kiên cố, quy mô lớn tại khu vực cuối ngõ 1,5,9,11 khu tập thể F361 An Dương, thuộc phường Yên Phụ. Trên địa bàn một số phường, nhiều khu vực xảy ra tình trạng đổ đất, phế thải xây dựng dựng lều lán, công trình tạm ở bãi sông, san gạt bãi sông, đắp bờ bao, trồng cây lâu năm,…
Đáng chú ý, tại khu vực bãi giữa sông Hồng, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, đất đai, trật tự xây dựng diễn biến phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng cả về quy mô và mức độ, tình trạng các hộ dân tự ý dựng lều lán tạm, hàng rào, vật kiến trúc, với kết cấu khung cột thép, tre, mái lá, vách kính, liếp, diện tích từ 15-25m2. Một số lều lán có tính chất xây dựng kiên cố như nhà cấp 4 bằng gạch, nhà khung thép, mái và vách lợp tôn,… Nghiêm trọng hơn là đã và đang xảy ra tình trạng mua bán đất trái pháp luật tại khu vực này.
Kiên quyết ngăn chặn không để phát sinh vi phạm mới
Để đảm bảo an toàn đê điều, thoát lũ của tuyến sông Hồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị UBND quận Tây Hồ quan tâm, chỉ đạo các phòng ban chuyên môn của Quận, UBND các phường ven đê kiểm tra, rà soát, lập kế hoạch, kiên quyết xử lý dứt điểm, triệt để các trường hợp vi phạm trả lại mặt bằng hiện trạng ban đầu, không gian thoát lũ tuyến sông Hồng, tuyệt đối không sử dụng hình thức san gạt tại chỗ ra bờ sông, bãi sông.
Đồng thời, tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều,… tổ chức kiểm tra, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, dứt điểm các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình trái phép, không phép, sai phép, các trường hợp đổ, chôn lấp rác thải, mất vệ sinh môi trường ở bãi sông, lòng sông,…
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, rà soát về tình hình, hiện trạng sử dụng đất, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kiên quyết, dứt điểm các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng. Rà soát, kiên quyết thu hồi theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với khu vực diện tích bãi sông, trong hành lang bảo vệ đê điều sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị UBND quận Tây Hồ chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của quận, UBND các phường ven đê phối hợp chặt chẽ với Hạt Quản lý đê bốn quận nội đô tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai và các văn bản pháp luật có liên quan tới các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, bám sát địa bàn quản lý, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ việc vi phạm ngay từ khi mới phát sinh theo đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật và có biện pháp ngăn chặn không để phát sinh vi phạm mới.
Có thể nói, vấn đề vi phạm pháp luật về đê điều, đất đai, trật tự xây dựng và môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội mà điển hình là quận Tây Hồ đã được nhiều cơ quan báo chí, dư luận nhắc đến suốt một thời gian dài. Mặc dù có rất nhiều quy định pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, đồng thời Thành ủy, UBND TP. Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo,... thế nhưng tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, đất đai, xây dựng, môi trường trên địa bàn quận Tây Hồ vẫn diễn ra. Thậm chí, công trình vi phạm cũ chưa xử lý thì công trình mới đã phát sinh, núp bóng các công trình tạm hay cải tạo, sửa chữa. Vì vậy rất cần sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp chính quyền Hà Nội trong công tác quản lý, xử lý và ngăn chặn những hành vi vi phạm diễn ra.
Bên cạnh đó, các tổ chức cá nhân phải ý thức được việc chấp hành các quy định pháp luật và chủ động khắc phục những hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.