Aa

Hà Nội quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư

Thứ Tư, 06/07/2022 - 06:21

Trong 6 tháng cuối năm, Hà Nội đặt nhiệm vụ thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; đôn đốc quyết liệt tiến độ công trình trọng điểm, thiết yếu.

Kinh tế phục hồi mạnh mẽ

Báo cáo tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP. Hà Nội khoá XVI sáng 5/7, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân Thủ đô, thành phố đã thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bức tranh kinh tế - xã hội có một số điểm nổi bật: Kiểm soát tốt dịch COVID-19. Đến nay, hầu hết (99,9%) người trên 18 tuổi và trẻ em 12 - 17 đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 2, mũi nhắc lại tỷ lệ đạt cao (95,4% với người trên 18 tuổi). Triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 69,2% số trẻ thuộc đối tượng tiêm. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn được mở cửa trở lại đã tạo đà cho sự phục hồi phát triển kinh tế.

Kinh tế phục hồi mạnh mẽ, GRDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 7,79% (trong đó riêng quý II tăng là 9,49%), gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,08 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019 khi chưa xảy ra dịch COVID-19. Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 234 nghìn lượt, tăng 232% (cùng kỳ năm 2021 giảm 86,2%); khách trong nước đạt 665 nghìn lượt, tăng 142% (cùng kỳ giảm 17,7%).

Xuất khẩu phục hồi mạnh. Kim ngạch ước tăng 19,5% - gấp gần 5 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (4,5%). Nhập khẩu duy trì mức tăng cao tương đương cùng kỳ (22,5%). Một số chỉ tiêu thay đổi tích cực như thu ngân sách đạt trên 267.200 tỷ đồng. Thành phố thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và các chính sách miễn, giảm thuế, lệ phí.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, thành phố thực hiện giảm VAT 2% đối với 41.797 doanh nghiệp, đạt 43% kế hoạch; tổng giá trị thuế VAT được giảm trừ 2% là 1.734 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch; đã hỗ trợ giảm 88 tỷ đồng đối với cơ sở, hộ, cá nhân kinh doanh; giảm lệ phí trước bạ khoảng 450 tỷ đồng (lũy kế là 1.350 tỷ đồng, đạt 75% KH); đã huy động xã hội hóa để hỗ trợ tiền mặt và cho vay cho trên 5,69 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí 7.243,6 tỷ đồng; hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021 - 2022 do ảnh hưởng COVID-19 dự kiến là 892,993 tỷ đồng.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, trong 6 tháng qua, hoạt động bán lẻ, vận tải, du lịch phục hồi mạnh. Tổng mức bán lẻ ước tăng 21,8% - gấp 3 lần mức tăng cùng kỳ (7,2%). Khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 30,8% (cùng kỳ giảm 10,7%), doanh thu tăng 18,6% (cùng kỳ tăng 11,3%).

Đại hội Thể thao Đông Nam Á thu hút nhiều đoàn vận động viên và khách du lịch góp phần thúc đẩy ngành dịch vụ tăng đột biến. Khách du lịch quốc tế tăng 79,5% (cùng kỳ giảm 86,2%); khách du lịch trong nước tăng 25,9% (cùng kỳ giảm 17,7%).

Cùng với đó, công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ. Nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội được đẩy mạnh: Đã trình Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; triển khai đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo.

Đẩy mạnh kích cầu đầu tư

Tuy nhiên, một số vấn đề còn tồn tại được UBND TP. Hà Nội thẳng thắn nhận định, đó là bên cạnh sự cải thiện xếp hạng của Chỉ số PAPI và Chỉ số SIPAS, các chỉ số PCI giảm 1 bậc, PAR Index giảm 2 bậc so với năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã có lúc thiếu chặt chẽ, chưa thật sự hiệu quả; Thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân còn phiền hà.

CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 3,04% - cao hơn khá nhiều mức tăng cùng kỳ (tăng 0,97%) gây áp lực lên mục tiêu năm 2022 là kiểm soát lạm phát dưới 4%; Trong đó nhóm hàng giao thông tăng cao nhất - 15,3%.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải báo cáo tại kỳ họp

Công nghiệp tăng thấp hơn cùng kỳ: IIP 5 tháng đầu năm tăng 6,4% (cùng kỳ tăng 9,4%); GRDP công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tăng 6,31% (cùng kỳ tăng 7,95%). Nguyên nhân khách quan chủ yếu là do các doanh nghiệp gặp khó khăn do bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 trong thời gian dài; Ngoài ra, việc mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn về mặt bằng, về vốn đầu tư…

Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành mức cao nhất mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2022 đã đề ra, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, UBND TP xác định tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trong những tháng cuối năm.

Cụ thể, thành phố tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022 - 2023) của Chính phủ; theo tiến độ cấp vắc xin của Bộ Y tế, hoàn thành tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ 5 - 12 tuổi trước tháng 9/2022; tuyên truyền, vận động người dân tiêm vắc xin mũi 4; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của UBND thành phố gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, TP. Hà Nội đặt nhiệm vụ thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu.

Theo đó, thành phố phát huy cao nhất hiệu quả của 6 tổ công tác của thành phố về giải ngân vốn đầu tư công; xác định đây là những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Ngoài ra, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch của UBND TP đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo; tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư.

Thành phố cũng theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa và cả tình hình thời tiết để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành bình ổn giá phù hợp; đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy thương mại, xất nhập khẩu bền vững và các cân đối về điện, xăng dầu, nhất là bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định cho sản xuất và sinh hoạt trong mùa cao điểm nắng nóng; phấn đấu kiểm soát chỉ số giá dưới 4%.

Hà Nội tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế, phát triển các mô hình kinh tế mới; đẩy nhanh phát triển các lĩnh vực dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, vận tải, logistics... Thúc đẩy doanh nghiệp logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3, mức độ 4, hướng đến mức độ 5, logistics điện tử; hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật 5 cụm công nghiệp đã khởi công, đồng thời khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 39 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập; xem xét thành lập các cụm công nghiệp mới theo quy hoạch; hỗ trợ khoảng 30 doanh nghiệp tham gia lập hồ sơ xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực; đẩy nhanh tiến độ thực hiện “Số hóa cơ sở dữ liệu hệ thống điện thành phố Hà Nội - thí điểm trên địa bàn quận Ba Đình và huyện Gia Lâm”…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top