Đang trong tâm trạng phấn khởi khi biết được thông tin Hà Nội sẽ thu gom rác thải đô thị theo mô hình của Hàn Quốc, thì đùng một cái, Hà Nội lại tràn ngập rác, ứ đọng mấy ngày liền, công nhân vệ sinh môi trường làm việc đến kiệt sức mà rác vẫn chồng chất. Mùa hè, nắng nóng đỉnh điểm, nhìn những đống rác chình ình bốc mùi ở nhiều con phố giữa Thủ đô, không mấy ai tin nổi.
Còn nhớ, cũng vào mùa hè cách đây 3 năm, tại thị xã Sơn Tây, một đô thị vệ tinh xinh xắn cách Hà Nội chừng 40km cũng tràn ngập rác thải sinh hoạt. Rác ngồn ngộn khắp nơi, ven hào quanh thành cổ, ven đường, trong vườn hoa, cạnh trường học... Có những bãi rác tự phát dài đến 200m, mùi hôi thối xông lên nồng nặc, tựa như một tai họa từ trên trời rơi xuống với những người dân xung quanh.
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng “giọt nước tràn ly” của cả hai “cuộc khủng hoảng rác” này đều khởi đầu giống nhau, đó là sự phẫn nộ và phản ứng của những người dân sống xung quanh địa phương được bố trí là nơi xử lý rác. Ở đó, ô nhiễm môi trường nặng nề và việc bố trí giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân này không thỏa đáng. Để bảo vệ sức khỏe và tương lai của gia đình mình, họ đã ngăn chặn, không cho các xe chở rác hoạt động.
Rác thải ùn ứ tràn ngập Thủ đô, bốc mùi hôi thối vì người dân chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn. (Ảnh: Sông Lam)
Một câu hỏi được đặt ra, chẳng lẽ những bài học đắt giá về quản lý rác thải đô thị ở Hà Nội từ nhiều năm qua không thể khắc phục và lâm vào tình trạng bất lực?
Cách đây ít lâu, nhân dịp Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến thì được biết, Hà Nội sẽ thu gom rác giống Seoul của Hàn Quốc. Tức là người dân Thủ đô Hà Nội và các đô thị lớn sẽ phải mua bao bì đựng rác chuyên dụng do chính quyền bán ra. Giá bán túi gồm cả phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Hộ gia đình không dùng túi chuyên dụng sẽ không được thu gom rác.
Dù biết đây chỉ là khâu bước đầu trong toàn bộ quy trình quản lý rác thải của một đô thị nhưng nhiều người cũng đã thấy vui rồi. Tuy nhiên, khi nghĩ đến các khâu tiếp theo thì lại thấy niềm vui ấy cũng chẳng tồn tại được bao lâu, tựa như sắm được miếng vải đẹp để may áo rồi nhưng lại phải trao vào tay những người thợ vụng về vậy.
Chẳng nói đâu xa, cách đây ít lâu, một tờ báo chuyên về môi trường đã chụp một seri ảnh về rác thải bừa bãi ven đại lộ Thăng Long mà không có ai chịu trách nhiệm thu gom.
Khi cho phóng viên đi điều tra thì mới lộ ra những điều “cười ra nước mắt” trong hệ thống quản lý này.
Chẳng là kể từ ngày 1/3/2017, Sở Tài chính Hà Nội đã tiến hành các thủ tục đấu thầu các gói vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố. Theo đó, đơn vị trúng gói thầu vệ sinh môi trường các phường thuộc quận Nam Từ Liêm (trong đó có đoạn đường chứa đầy rác trên đại lộ Thăng Long) là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ cao Minh Quân. Tuy nhiên, khi hỏi tiếp thì được biết, riêng phần đại lộ Thăng Long lại nằm trong một gói thầu khác, đó là gói thầu số 25 (thực hiện duy trì đại lộ Thăng Long) do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, Chi nhánh Cầu Diễn (Urenco 7) đảm nhiệm.
Rác thải chất đống, gây ô nhiễm trên đại lộ Thăng Long nhưng không ai chịu trách nhiệm thu gom. (Ảnh: Internet)
Tưởng như thế là đã rõ người chịu trách nhiệm, nhưng không phải. Lãnh đạo Urenco 7 cho hay, theo phân cấp trong Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 của UBND thành phố Hà Nội, các đơn vị trực thuộc thành phố chỉ có trách nhiệm quản lý lòng đường, lề đường (không bao gồm hè đường) các tuyến đường do UBND thành phố đầu tư. Còn UBND các quận, huyện có trách nhiệm quản lý đối với phần hè các tuyến đường, cũng như các ngõ, ngách theo địa giới hành chính các quận, huyện.
Như vậy, cả hai bên đều đã hoàn thành hợp đồng trong gói thầu của mình, và những đống rác trên hè đường đại lộ Thăng Long kia chỉ có thể được dọn đi bởi một “gói thầu” khác (!?).
Đấy mới là một chuyện nhỏ trong khâu thu gom rác, đến công đoạn xử lý rác của Thủ đô Hà Nội còn đau đầu nữa mà không có điều kiện nói ra trong bài viết này.
Nhân đây, tôi xin nêu một câu hỏi dành cho các nhà quản lý môi trường đô thị của thành phố: Tại sao kinh nghiệm quản lý lĩnh vực này đã có rất nhiều ở các quốc gia trên thế giới mà Hà Nội mình cứ lúng túng mãi?
Xin nhắc lại một sự kiện hy hữu nhưng đã xảy ra tại nước Mỹ khi “Vua rác gốc Việt” đã thắng thầu hợp đồng 2,7 tỷ USD tại thành phố Oakland. Công ty CWS của ông David Dương đã giành trọn quyền khai thác cả 4 lĩnh vực (thu gom phế liệu tái chế, thu gom rác, cây xanh và compost - làm phân bón hữu cơ) trong thời gian 20 năm trên địa bàn toàn thành phố.
Đối thủ trực tiếp của ông David Dương chính là Công ty Waste Management (WM) lớn nhất Hoa Kỳ, có thể nói là mạnh nhất thế giới về lĩnh vực môi trường, đại bản doanh đặt tại tiểu bang Texas, có chi nhánh trên 50 tiểu bang Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới.
Qua những thông tin trên đây, ta có thể học họ được điều gì? Thôi thì Việt Nam chưa “có cửa” để hình thành một tập đoàn thu gom và xử lý rác khổng lồ như WM, nhưng không có lẽ lại không học được điều gì từ doanh nhân David Dương, cùng với đó là cách quản lý và khai thác nguồn lực xã hội của chính quyền thành phố Oakland?
Đó chính là hình thành một gói thầu “trọn gói” cả 4 lĩnh vực (thu gom phế liệu tái chế, thu gom rác, cây xanh và compost - làm phân bón hữu cơ) trong một thời gian dài.
Chứ còn theo cách quản lý của Hà Nội như hiện nay, chỉ có một đoạn đường trên đại lộ Thăng Long mà cần đến 3 gói thầu mới giải quyết nổi một đống rác thì nếu ai đó có nhận xét “bất lực” cũng là còn nhẹ!