Quyết định do ông Nguyễn Trọng Đông - Phó Chủ tịch UBND Thành phố nêu rõ, thu hồi 30.677,9m2 đất tại các ô đất TH-III.15.2, NT-II,7.3, ĐX.1.2.1 thuộc Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp quận Hoàng Mai do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị quản lý theo quyết định 7461/QĐ-UB ngày 1/11/2002 và 1112/QĐ-UB ngày 20/2/2003 của UBND thành phố.
Quyết định của UBND thành phố Hà Nội nêu rõ lý do thu hồi:
Ngày 16/6/2023, Bộ Xây dựng có văn bản số 2526/BXD-KHTC về việc bàn giao lô đất công cộng, trường học tại các dự án Khu đô thị mới do Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị làm chủ đầu tư trên địa bàn quận Hoàng Mai;
Ngày 5/6/2023, Văn phòng UBND thành phố có thông báo số 262/TB-CP về việc kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn tại cuộc họp xem xét về bàn giao các ô đất trường học, công cộng tại các khu đô thị do Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị làm chủ đầu tư trên địa bàn quận Hoàng Mai.
Giao diện tích đất thu hồi cho UBND quận Hoàng Mai quản lý, chống lấn chiếm và lập phương án sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.
Quyết định cũng nêu rõ, UBND quận Hoàng Mai có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng để nhận bàn giao khu đất; Khẩn trương lập phương án sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, đảm bảo sử dụng đất hiệu quả, kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp thiết về trường học và công trình công cộng tại địa phương theo quy định.
Trước đó, trong loạt bài phản án về tình trạng thiếu trường học trầm trọng tại các khu đô thị tại Hà Nội trên Reatimes cũng đã chỉ ra tại Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị - HUD thuộc Bộ Xây dựng đầu tư) sau gần 20 năm thì đến nay dự án mới chỉ có 1 trường mẫu giáo được hoành thành và đưa vào sử dụng, các ô đất xây trường còn lại đang để hoang hóa, làm bãi đỗ xe trái quy định.
KĐT Tây Nam hồ Linh Đàm cũng do HUD triển khai, quy hoạch 6 ô đất xây dựng trường học, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 1 công trình trường tiểu học được đưa vào sử dụng, 5 lô đất còn lại quy hoạch xây dựng trường học chưa triển khai, trong đó 2 ô đất (NT1 và TH1) đã chuyển cho nhà đầu tư thứ phát; 2 ô đất (NT2, TH2) đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch; 1 ô đất (TH4) chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Cũng chính HUD là đơn vị triển khai dự án Khu đô thị Việt Hưng (Gia Lâm, Hà Nội) từ 2005, sau khi hoàn thành và bán cho dân về ở thì cho tới nay chỉ có 1 trường tiểu học hoàn thành, nhiều ô đất khác để xây trường học đã chuyển cho nhà đầu tư thứ phát và vẫn không xây trường.
Trao đổi với Reatimes, ông Lê Như Tiến – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội (ĐBQH khóa XII, XIII), cho biết: “Tôi đã từng đi khảo sát thực địa ở nhiều nơi thì chỉ có những khu mà Vingroup xây dựng là làm tốt, còn lại hầu hết đều không quan tâm tới xây dựng trường học và không gian văn hóa chung. Khi phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, tôi đã nhiều lần đề cập tới vấn đề quy hoạch Hà Nội, chủ đầu tư triển khai các dự án xây KĐT nhưng không làm trường học, chỉ chú trọng tới việc xây nhà để bán.
Đây là khiếm khuyết rất lớn đối với các khu đô thị ở Hà Nội, cho thấy lãnh đạo thành phố cho tới lãnh đạo chính quyền các cấp, các sở ngành chưa làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình. Tôi mong rằng các đồng chí khi phê duyệt dự án phải thật sự chú trọng tới vấn đề xây trường học, đừng ký xong rồi bỏ mặc cho chủ đầu tư muốn làm gì thì làm, như vậy là thiếu trách nhiệm với đời sống của nhân dân và tương lai của đất nước.
Ở tầm cao hơn, tôi mong Chính phủ sẽ có những chỉ đạo quyết liệt để giải quyết triệt để tình trạng này, bởi vì giáo dục là câu chuyện của quốc gia, không thể để kéo dài tình trạng này mãi. Về phía Quốc hội, tôi cũng mong các đại biểu tăng cường giám sát, góp phần giúp cho Chính phủ, Bộ Xây dựng, các địa phương sớm giải quyết vấn đề này”.