Aa

Hà Nội tổ chức đối thoại với doanh nghiệp: Kỳ vọng nhiều khó khăn sẽ được tháo gỡ

Thứ Bảy, 06/11/2021 - 15:56

Sáng ngày 6/11, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn, nhằm tháo gỡ khó khăn, cùng doanh nghiệp đưa Thủ đô trở lại trạng thái bình thường mới.

Đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy một tháng, Hà Nội tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, trước đó ngày 19/10, Thành phố đã tổ chức hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP. Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Sự kiện có sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo thành phố Hà Nội; các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn…

TP. Hà Nội cam kết đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp

“Chính quyền TP. Hà Nội cam kết sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, lắng nghe và giải quyết thấu đáo kiến nghị của doanh nghiệp; tiếp tục bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, không kể quy mô lớn nhỏ hay ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực hoạt động”, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định tại hội nghị. 

Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhìn nhận đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của Thủ đô. Tổng sản phẩm GRDP của Thành phố 9 tháng đầu năm 2021 tuy vẫn tăng trưởng dương 1,28% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn so với kế hoạch đề ra; mặc dù, trong 10 tháng năm 2021, số lượng doanh nghiệp hoạt động trở tăng 76%, nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lại giảm 10%, doanh nghiệp giải thể tăng 26%, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. 

Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, một số chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ bị gián đoạn; việc giao thương hàng hóa, đi lại của các doanh nhân, các chuyên gia, người lao động cũng gặp nhiều khó khăn và bị xáo trộn…

Ông Đinh Tiến Dũng
Ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành uỷ Hà Nội tại Hội nghị Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19” (Ảnh: Báo tin tức)

Chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp, với phương châm sức khỏe của doanh nghiệp là sức khỏe của nền kinh tế, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, chính quyền Thành phố đã và đang nỗ lực hết mình, thực hiện đồng bộ các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực do dịch Covid-19.

Hà Nội, với vị thế là Thủ đô, là trái tim của cả nước, là trung tâm chính trị hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam; và là trung tâm của Vùng Thủ đô.

Thành phố đặt mục tiêu xây dựng Thủ đô trở thành Thành phố “Xanh, Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”, xây dựng thành phố thông minh, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực, giữ vững danh hiệu Thành phố vì hòa bình, duy trì tốc độ phát triển nhanh, bền vững và toàn diện.

TP. Hà Nội quyết tâm đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Phát triển hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

“Với phương châm lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ; Thành phố đã và đang tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn, bất cập về cơ chế chính sách, về thủ tục hành chính để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Hội nghị đối thoại doanh nghiệp Hà Nội
Các đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: Kinh tế đô thị)

Doanh nghiệp kiến nghị gỡ khó từ chính sách

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị tập trung vào 6 nhóm vấn đề, liên quan đến: Miễn, giảm tiền thuê đất năm 2021; hỗ trợ tiếp cận tài chính để phục vụ sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động; cho phép giãn nợ vay đối với khoản nợ phát sinh trong năm 2020 - 2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021; hỗ trợ chi phí chống dịch (xét nghiệm, phun khử khuẩn khi thực hiện giao hàng hóa tại các tỉnh, thành khác) và sớm tiêm phòng vắc-xin (đủ 2 mũi) cho đầy đủ người lao động. Doanh nghiệp cũng đề nghị cơ quan Bảo hiểm Xã hội cho tạm hoãn đóng BHXH hết năm 2021.

Bên cạnh đó, do chi phí logistics ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các mắt xích logistics và có giải pháp ổn định chi phí này, đồng thời tạo điều kiện lưu thông hàng hóa thuận lợi; thống nhất trên toàn quốc về việc kiểm soát lưu thông hàng hoá, kiểm soát người đi lại trong mùa dịch.

Doanh nghiệp cũng kiến nghị chính sách phải có tính chất dài hơi để hỗ trợ doanh nghiệp như giảm, giãn, gia hạn thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí sản xuất, kinh doanh; chính sách phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước, hình thành các chuỗi liên kết Việt.

Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực kiến nghị Thành phố cần nhanh chóng có giải pháp cụ thể hoá Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ; tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin; thu xếp nguồn lực để hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn; có chính sách miễn giảm, giãn, hoãn thuế. Thành phố cũng cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Khi xét duyệt sản phẩm công nghiệp chủ lực cần đề cao tiêu chí công nghệ để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh của mỗi đơn vị.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG đề nghị, Thành phố tiếp tục đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính, qua đó giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án, công trình trọng điểm; tạo điều kiện đưa du lịch là ngành mũi nhọn và có chính sách hỗ trợ giảm giá điện…

Sau khi lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh giao các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung, chủ động tổ chức khảo sát, nắm bắt, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp với hình thức phù hợp; tập trung giải quyết và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngay các kiến nghị liên quan.

Trong đó, cần chú ý vừa thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch, đồng thời đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác của Thành phố năm 2021 và giai đoạn đến năm 2025, nhất là các nội dung liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp ở các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên môi trường, điều kiện kinh doanh các ngành nghề có điều kiện trong các lĩnh vực (thông tin truyền thông, y tế, giáo dục, xuất bản, văn hóa, hoá chất…), đăng ký doanh nghiệp, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội,... nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top