Với số lượng dự án BT trọng điểm đang triển khai, có thể thấy, Hà Nội đã xác định biện pháp xử lý nhu cầu bức thiết về hạ tầng là dựa vào nguồn vốn xã hội hóa. Thế nhưng, việc ban hành một số cơ chế, chính sách chưa chặt chẽ đã gây lỗ hổng cho nhà đầu tư lợi dụng để nhận đất phân lô, bán nền, gây bức xúc trong dư luận và tạo ra những điểm nghẽn khi triển khai các dự án trọng điểm của Thành phố.
Tại Hội nghị trực tuyến do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã “than” rằng, việc tạm dừng thanh toán quỹ đất cho các dự án đổi đất lấy hạ tầng đang khiến các địa phương này gặp khó. Trước tình trạng đó, hai thành phố này đang chờ hướng dẫn từ Chính phủ để sớm triển khai các dự án BT còn dang dở.
Đề cập thực trạng dự án BT trên địa bàn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, việc dừng thanh toán quỹ đất cho các dự án BT đang gây nhiều khó khăn cho Thành phố.
“Hà Nội muốn được sớm giao đất cho nhà đầu tư tại các dự án BT, dừng ngày nào thì các chủ đầu tư tính lãi ngày đó. Chúng tôi chuẩn bị đất đai rồi, nếu giao sớm ngang giá thì giảm lãi suất, tăng hiệu quả đầu tư", ông Toản nói thêm.
Đồng quan điểm với lãnh đạo TP. Hà Nội, lãnh đạo TP.HCM cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm giao đất cho nhà đầu tư ở dự án BT. “TP.HCM đã là chiếc áo quá chật, cần có cơ chế để phát triển các vùng ven hiện đại và đúng quy hoạch hơn", ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết.
Chia sẻ khó khăn này với TP. Hà Nội, ông Sử Ngọc Anh đánh giá, phương thức đối tác công - tư (PPP) vẫn là một trong những kênh huy động vốn đầu tư hiệu quả.
Còn theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hữu Nghĩa, có nhiều cách để đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó, đổi đất lấy đường có thể được xem là cách thức thuận lợi, ngắn, tiết kiệm nhất, nên Hà Nội lựa chọn.
Thực tế triển khai dự án BT
Hà Nội từng có nhiều dự án đổi đất lấy hạ tầng làm thay đổi bộ mặt thành phố theo hướng tích cực, song cũng có những dự án triển khai chậm tiến độ, thậm chí đội vốn khi triển khai.
Điển hình, Dự án nút giao thông Long Biên với hạng mục chính là cầu vượt gồm 6 làn xe do CTCP Him Lam đầu tư 2.847 tỷ đồng hiện đã đi vào hoạt động, góp phần hoàn thiện hệ thống tuyến vành đai 2 phía Đông Bắc Hà Nội.
Để thu hồi vốn cho dự án trên, TP. Hà Nội đã giao nhà đầu tư khai thác quỹ đất đối ứng bao gồm 20ha tại xã Dương Xá (Gia Lâm), 320ha tại các phường Long Biên, Cự Khối (Long Biên) và bổ sung 135ha ngoài bãi sông Hồng.
Một dự án khác là tuyến đường dài 3,8 km từ Ngọc Thụy đến Khu đô thị mới Thượng Thanh do Công ty cổ phần Khai Sơn làm chủ đầu tư được phê duyệt từ năm 2013, với tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn năm 2013 - 2016.
Hiện tại, dự án này vẫn còn ngổn ngang, chưa giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, tại 180ha đất đối ứng, chủ đầu tư đang triển khai các khu biệt thự, nhà liền kề để bán, trong đó có khu biệt thự Khai Sơn Hill.
Trong báo cáo tình hình triển khai các dự án theo hình thức PPP mà Sở Kế hoạch Đầu tư vừa trình lên TP. Hà Nội, bên cạnh những vướng mắc về quy định pháp luật chưa rõ ràng, thì việc thu xếp quỹ đất thanh toán cho các dự án cũng đang là bài toán nan giải.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, tổng diện tích đất đối ứng dự kiến là 8.858,5ha, tiền sử dụng đất tạm tính xấp xỉ 119.000 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở các khu vực ngoại thành như huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Thanh Oai. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết, những con số trên mới đáp ứng 44% nhu cầu.
Việc đa số dự án PPP trên địa bàn Thành phố được triển khai theo hình thức BT đang làm quỹ đất khó đáp ứng, đặc biệt với nhóm dự án ưu tiên. Việc này có thể dẫn đến tình trạng kéo dài quá trình triển khai thủ tục đầu tư, không đảm bảo tiến độ của các dự án, không giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc dân sinh.
Hà Nội và TP.HCM đã lên tiếng ủng hộ việc duy trì loại hình đầu tư theo hình thức BT. Nhiều chuyên gia kỳ vọng, Dự thảo Luật Đầu tư công theo hình thức PPP được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ và Quốc hội trong thời gian tới sẽ gỡ nút thắt này.