Aa

Bất cập dự án BT: Bảng giá đất chỉ bằng 30 - 50% giá thị trường

Thứ Năm, 20/09/2018 - 14:01

Bất cập dự án BT: Bảng giá đất chỉ bằng 30-50% giá thị trường; Hình dung về thành phố thông minh; Ai là ông chủ thực sự của dự án Hanoi Aqua Central vừa bị thanh tra?... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Bất cập dự án BT: Bảng giá đất chỉ bằng 30 - 50% giá thị trường

HoREA vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Tài chính góp ý kiến dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT).

Nêu tại văn bản góp ý này, Hiệp hội bất động sản HCM (HoREA) cho rằng, cách tính giá trị quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư BT theo nội dung dự thảo Nghị định có điểm chưa phù hợp.

Cụ thể, về phương thức tính giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán tương đương với giá trị dự án BT được duyệt. Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, căn cứ Luật Đất đai 2013, phương pháp tính giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán cho dự án BT theo điều khoản trên chỉ đúng trong trường hợp thửa đất thanh toán có giá trị nhỏ (chiếm số ít), trong khi đó đa phần các thửa đất, khu đất thanh toán cho dự án BT có giá trị rất cao.

Dự án BT xây dựng tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến Khu đô thị mới Thượng Thanh (quận Long Biên) dài hơn 3,7km, Hà Nội đã giao 180ha đất đối ứng cho Công ty cổ phần Khai Sơn xây dựng khu đô thị mới Khai Son City. (Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng/ TP).

Dự án BT xây dựng tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến Khu đô thị mới Thượng Thanh (quận Long Biên) dài hơn 3,7km, Hà Nội đã giao 180ha đất đối ứng cho Công ty cổ phần Khai Sơn xây dựng khu đô thị mới Khai Son City. (Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng/ TP).

Theo ông Châu, trên thực tế “Bảng giá đất” của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hiện nay đều chỉ bằng khoảng 30-50% giá thị trường.

“Do vậy, nội dung này của dự thảo nếu được thông qua và áp dụng cho mọi thửa đất, khu đất như cách làm hiện nay để thanh toán cho dự án BT thì có thể làm thất thoát ngân sách nhà nước” – văn bản của Hiệp hội nêu.

Bên cạnh đó, theo công tác thực thi pháp luật về quy trình, thủ tục định “Giá đất cụ thể” của các dự án hiện nay còn rất nhiều bất cập, không minh bạch, tạo ra tệ “xin – cho”, nhũng nhiễu, tiêu cực, “cưa đôi, cưa ba”, làm thất thoát ngân sách.

Từ đó, HoREA cho rằng cần sửa nội dung này của dự thảo nghị định theo hướng, giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán tương đương với giá trị dự án BT hoặc giá trị dự án BT được thỏa thuận thanh toán theo giai đoạn được duyệt. Trong đó, giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán tương đương được xác định tại thời điểm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi bằng phương pháp xác định giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật đất đai.

Hình dung về thành phố thông minh

Thành phố thông minh thực sự chưa hiện hữu ở Việt Nam, nhưng theo ghi nhận của phóng viên từ các quan điểm của nhiều chuyên gia, một thành phố thông minh thực sự phải là một hệ thống hữu cơ tổng thể được kết nối từ nhiều hệ thống thành phần với hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể hành xử thông minh như con người,

Gồm mạng viễn thông số (dây thần kinh), hệ thống nhúng thông minh (não bộ), các cảm biến (giác quan) và phần mềm (tinh thần và nhận thức) để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Theo TS. Lê Văn Hoạt, Nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội:

Thành phố thông minh đang là đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn

Thành phố thông minh đang là đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn

“Sự hình thành không gian sống văn minh, nhất là ở đô thị phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố: nhân tố kinh tế - kỹ thuật (đầu tư xây dựng nhà cửa, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội), nhân tố văn hóa – xã hội (phong tục, tập quán, các thiết chế văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng cư dân), nhân tố tổ chức - hành chính - pháp lý (tổ chức các đơn vị dân cư, quản lý dân cư, các thiết chế hành chính, pháp lý).

Trong đó, nhân tố kinh tế - kỹ thuật có vai trò rất quan trọng và là tiền đề cho việc tạo dựng một không gian sống văn minh”.

Trong hội thảo về phát triển thành phố thông minh tại Hà Nội, ông NG LYE HOCK, LARY, Giám đốc Phát triển Kiến trúc và Thiết kế đô thị, Cục Tái thiết Phát triển đô thị, Bộ Phát triển Quốc gia Singapore cho biết:

“Kinh nghiệm của chúng tôi là đảm bảo không để xảy ra tắc nghẽn giao thông, phi tập trung hóa dân số và trải đều ở các khu vực trong cả nước. Mặt khác, dành những diện tích nhất định để tạo ra các không gian cho ý tưởng kiến trúc, các khu vực để phát triển công nghệ thông tin, giáo dục…”.

Đặc biệt, theo ông NG LYE HOCK, LARY, phải tạo sự kết nối giữa các khu vực.

Xem chi tiết tại đây.

Đoạn trường thu hồi nợ thuế đất

Thống kê từ Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến hết tháng 8/2018, tổng số tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày vẫn là hơn 48.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 58% tổng số tiền thuế nợ, bao gồm các khoản thuế, phí, nợ liên quan về đất và các khoản phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp thuế.

Đáng chú ý trong đó, riêng các khoản nợ liên quan đến đất đai là 8.856 tỷ đồng (đứng thứ hai, chiếm tỷ trọng 10,7% tổng số tiền thuế nợ).

Ngoài ra, nhóm nợ không có khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh) là hơn 34.800 tỷ đồng.

Số nợ này chiếm tỷ trọng đến 42% tổng số tiền thuế nợ, tăng 3.349 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2017 và tăng 409 tỷ đồng so với thời điểm 31/7/2018.

Chỉ tính riêng Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội là một trong những đơn vị có số nợ thuế đứng đầu cả nước. Tám tháng đầu năm, đơn vị này đã “chỉ mặt điểm tên” hơn 1.000 đơn vị nợ tiền thuế, phí, các khoản thu liên quan đến đất với tổng số tiền nợ đã đăng công khai là 3.960 tỷ đồng.

Trong danh sách công khai này, nhiều cái tên được hé lộ với số nợ “khủng” và chây ỳ từ năm này qua năm khác mà cơ quan chức năng phải “bó tay” không có cách nào thu hồi.

Điển hình phải kể đến Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 với số nợ tiền sử dụng đất hơn 342 tỷ đồng tại Dự án khu chức năng đô thị Ao Sào - Lexington Etaste (Hoàng Mai - Hà Nội).

Theo Cục Thuế Hà Nội, đơn vị này đã nợ thuế từ năm 2015 và cơ quan thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định như trích tiền từ tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng nhưng Lũng Lô 5  vẫn chưa nộp đủ số tiền còn nợ vào ngân sách.

Ngoài ra, có không ít doanh nghiệp đã nợ dai dẳng đến vài năm và trong đó có những dự án được cơ quan thuế nhận định là có khả năng thu nhưng thực tế khó thu.

Cần sớm có biện pháp hữu hiệu cưỡng chế nợ thuế để đảm bảo công bằng xã hội.

Cần sớm có biện pháp hữu hiệu cưỡng chế nợ thuế để đảm bảo công bằng xã hội.

Có thể điểm những cái tên cụ thể như: Dự án văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở 52 Lĩnh Nam của Công ty Cổ phần Lilama với số tiền nợ 65 tỷ đồng; Dự án Khu nhà ở bán cho cán bộ chiến sỹ Công an quận Hoàng Mai của Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà với số nợ 14 tỷ đồng;

Dự án nhà ở Công an quận Hoàng Mai của Công ty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà với 140 tỷ đồng; Khu nhà ở cán bộ chiến sỹ Vụ tổ chức cán bộ - Tổng cục III - Bộ Công an chủ đầu tư chủ là Công ty cổ phần Quốc tế CT Việt Nam, số tiền nợ 117 tỷ đồng…

Tương tự, tại TP.HCM, trong 8 tháng vừa qua, Cục thuế Thành phố đã 3 lần công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế với gần 2.000 doanh nghiệp nằm trong diện yêu cầu có biện pháp mạnh mẽ nhằm thu hồi nợ thuế.

Đặc biệt, rất nhiều doanh nghiệp có số nợ lên đến hàng chục tỷ đồng đã bị Cục Thuế TP.HCM áp dụng các biện pháp cưỡng chế như thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, trích tiền từ tài khoản ngân hàng để nộp thuế, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Xem chi tiết tại đây.

Ai là ông chủ thực sự của dự án Hanoi Aqua Central vừa bị thanh tra?

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Hanoi Aqua Cetral được ra mắt rầm rộ trong năm 2016 với giá bán từ 73 - 90 triệu đồng/m2 – một mức giá khá cao trên thị trường bất động sản cao cấp thời điểm bấy giờ.

Trao đổi riêng với phóng viên mới đây, một đơn vị phân phối thừa nhận tính thanh khoản của dự án đang èo uột do tác động không tốt từ thị trường, đặc biệt là do dư thừa nguồn cung căn hộ cao cấp.

Về phía chủ đầu tư - Công ty CP Tháp nước Hà Nội gồm 4 cổ đông sáng lập: Công ty CP bất động sản An Bình (đã chuyển nhượng hết cổ phần), Công ty CP Picenza Việt Nam, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội và Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội.

Trong đó, CTCP Đầu tư và Thương mại Hà Nội lại là công ty thành viên của Tập đoàn Đồng Lực. Ngoài dự án Hanoi Aqua Central, Đồng Lực còn giới thiệu là nhà đầu tư vào nhiều dự án bất động sản khác tại Hà Nội như Diamond Flower, dự án 671 Hoàng Hoa Thám, Dự án bán đảo hồ Đống Đa, Dự án BOT quốc lộ 6 Hòa Lạc-Hòa Bình...

Cổ đông thứ hai là Picenza Việt Nam hiện đang nắm giữ 8% cổ phần, là một công ty trong lĩnh vực nội thất với thương hiệu bình nước nóng Picenza và là ông chủ của chuỗi nội thất Hùng Túy nổi tiếng trên phố Cát Linh, Hà Nội.

Hiện Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội đang nắm giữ 30% cổ phần.

Xem chi tiết tại đây.

Hà Nội đã sẵn sàng cho đô thị thông minh?

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, một trong những thách thức lớn khi phát triển đô thị thông minh là nguồn vốn. Ngoài nguồn lực từ ngân sách thành phố, Hà Nội sẽ huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Hà Nội cũng sẽ phân loại các dịch vụ công trong phát triển đô thị thông minh. Theo đó, dịch vụ công nào mà tư nhân có thể đảm nhiệm thì chuyển cho tư nhân làm. Thành phố cũng chủ trương xã hội hóa các hình thức thuê dịch vụ liên quan, phần mềm, đường truyền, hạ tầng của các doanh nghiệp… 

Ông Trần Quốc Thái - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng được giao là cơ quan thường trực của Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng là phối hợp cùng các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung, nhiệm vụ của Đề án. Có 7 quan điểm và nguyên tắc xuyên suốt trong việc phát triển đô thị thông minh trong giai đoạn hiện nay. Đáng chú ý, các quan điểm và nguyên tắc đều lấy người dân làm trung tâm, mọi công dân đều có thể hưởng thụ lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh.

Cũng theo ông Thái, hiện Bộ đang tập trung xây dựng các cơ sở pháp lý cho phát triển đô thị thông minh. Bộ sẽ tiến hành đầu tư triển khai thí điểm ở cấp khu đô thị và đô thị. Cả nước đã có hơn 20/63 tỉnh, thành phố xây dựng đề án, kế hoạch tổng thể phát triển đô thị thông minh.

Ở lĩnh vực giao thông, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, Sở đang hợp tác với các tập đoàn công nghệ như Viettel, FPT… xây dựng ứng dụng phần mềm về giao thông thông minh. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang triển khai 6 nhóm giải pháp đồng bộ. Giải pháp nổi bật trong đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông nhằm giảm tải tình trạng ùn tắc của thành phố. 

Về phía ngành thông tin truyền thông, ông Đặng Vũ Tuấn - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, trong tương lai, các công nghệ ICT sẽ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống như giáo dục, giao thông, y tế, cung cấp dịch vụ công…

Xem chi tiết tại đây.

Đầu tư bất động sản, không phải sinh lời cao, đây mới là thứ "vũ khí" quan trọng nhất

Theo ông Phạm Lâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP DKRA Việt Nam, người mua bất động sản thường có tâm lý chuộng sản phẩm giá rẻ nhưng là nhà đầu tư (NĐT) thì đừng ham giá rẻ bởi hầu hết các sản phẩm giá rẻ đều ở vị trí xấu. Khi thị trường đi xuống, loại hình này khó ra hàng.

Sản phẩm tốt là sản phẩm có vị trí đẹp mặc dù giá cao hơn. Những NĐT thông minh nên tìm mua loại hình này vì khi thị trường đi xuống sản phẩm này sẽ dễ bán và ra hàng nhanh, cơ hội sinh lợi an toàn hơn.

"Đừng dại gì bỏ tiền vào những sản phẩm giá rẻ nhưng ai cũng chê về vị trí. Đã là NĐT thì phải mua sản phẩm đẹp. Giả sử khi thị trường hạ nhiệt, bán ra không lời nhiều nhưng it ra là dễ bán để thu lại dòng tiền", ông Lâm nhấn mạnh.

Vị Tổng giám đốc này cho rằng, an toàn là tiêu chí quan trọng nhất trong đầu tư bất động sản chứ không phải yếu tố sinh lời. "Đa phần NĐT hiện nay khi đầu tư vào bất động sản chỉ nghĩ đến lời nhiều hay ít chứ không mấy người nghĩ đến yếu tố an toàn trong đầu tư. Đó là lý do nảy sinh những rủi ro trong dẫn đến kiện tụng hoặc mất tiền…", ông Lâm cho hay.

Xem chi tiết tại đây.

Vạn Hưng Phát trả lại tiền cho người mua nhà "trên giấy"

Ngày 19/9, một số khách hàng mua căn hộ tại dự án Vạn Hưng Phát (đường Tạ Quang Bửu, quận 8, TP HCM) của Công ty TNHH Thương mại- Xây dựng Vạn Hưng Phát (Công ty Vạn Hưng Phát) đã đến Chi Cục Thi hành án Dân sự quận 8 để nhận lại tiền mà họ đã đóng từ 7-8 năm trước.

Đợt này có 11 khách hàng ký nhận lại tiền, mỗi người từ vài trăm triệu đến 1 tỉ đồng từ phía công ty Vạn Hưng Phát. Đây là những khách hàng được nhận lại tiền sớm nhất vì họ chấp thuận không nhận tiền lãi theo bản án mà toà án dân sự đưa ra trong vụ kiện Công ty Vạn Phát Hưng. Số còn lại sẽ được tính toán và giải quyết dần.

Theo đại diện Chi cục Thi hành án quận 8, hiện dự án vẫn chưa được giải tỏa, vì trước đó đơn vị này đã có công văn ngăn chặn chuyển nhượng dự án do có nhiều bản án có hiệu lực nhưng chưa được thi hành.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top