Dự án chợ Phúc Lý (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được khởi công từ tháng 10/2010, tuy nhiên quá trình thực hiện có vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, do đó đến năm 2014, dự án mới hoàn thành công tác xây dựng.
Theo tìm hiểu Dự án đầu tư công trình xây dựng chợ Phúc Lý được phê duyệt tại Quyết định số 5117/QĐ-UBND ngày 17/11/2008 về việc phê duyệt Dự án đầu tư công trình xây dựng chợ Phúc Lý xã Minh Khai (nay là phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội).
Sau khi hoàn thành công trình, UBND quận Bắc Từ Liêm đã có Quyết định số 8120/QĐ-UBND ngày 30/10/2017, giao cho Ban quản lý chợ quận Bắc Từ Liêm quản lý và xây dựng phương án quản lý kinh doanh khai thác theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, những tiểu thương sau khi ký hợp đồng thấy việc buôn bán không hiệu quả đã bỏ chợ, dẫn đến chợ Phúc Lý bỏ hoang đến hiện tại.
Theo quy hoạch, chợ Phúc Lý được xây dựng mới trên diện tích hơn 3.900m2. Trong đó, 3.000m2 được sử dụng để xây dựng một nhà chợ chính (2 tầng) và khu bán hàng ngoài trời, khoảng 900m2. Mặt bằng còn lại được quy hoạch làm chỗ trông giữ xe và đường vào chợ. Tầng 2 nhà chợ sẽ dành cho các tiểu thương kinh doanh vải, các mặt hàng thời trang; tầng dưới phục vụ kinh doanh hàng khô, đồ gia dụng, văn phòng phẩm…
Đại diện UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, nguyên nhân chợ Phúc Lý vẫn chưa đi vào hoạt động là do việc thu hút tiểu thương, kêu gọi doanh nghiệp chuyển đổi chợ còn nhiều khó khăn vì giao thông tuy đã dần hoàn thiện nhưng số lượng phương tiện giao thông và dân cư vẫn thưa thớt.
Hiện nay, ngoài mô hình kinh doanh trong chợ dân sinh thì còn rất nhiều hình thức kinh doanh khác như: Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện ích, kinh doanh qua mạng… Điều này làm cho một số mặt hàng truyền thống như quần áo, giày dép gặp khó khăn, ế ẩm dẫn đến nhiều tiểu thương bỏ vị trí kinh doanh...
Được biết UBND quận Bắc Từ Liêm đã phê duyệt xong phương án quản lý chợ như: Nội quy, quy chế, sắp xếp ngành hàng, phương án an ninh trật tự - phòng cháy chữa cháy, giá dịch vụ chỗ ngồi từ 110.000 đồng/m2/tháng đến 140.000 đồng/m2/tháng. Quận tiếp tục chỉ đạo Ban quản lý chợ quận Bắc Từ Liêm, phòng Kinh tế xây dựng phương án đấu giá, sắp xếp điểm kinh doanh tại chợ và dự kiến đưa chợ vào hoạt động trong năm 2019, nhưng đến nay chợ vẫn để không.
Qua quan sát thực tế, chợ Phúc Lý nằm gần khu vực tổ dân phố Phúc Lý 1, trên một vị trí khá thưa vắng dân cư. Do lâu ngày không được đưa vào sử dụng nên một số hạng mục của chợ như rào chắn, cột, nền nhà… đã có hiện tượng hoen gỉ, nứt nẻ.
Theo nhiều người dân thuộc tổ dân phố Phúc Lý, việc chậm đưa chợ vào hoạt động ngoài việc khiến hạ tầng nhanh xuống cấp còn khiến hoạt động trao đổi hàng hóa của họ gặp nhiều khó khăn, nảy sinh nhiều chợ tạm, chợ cóc trên địa bàn. Để trao đổi, hàng hóa nông sản trên 1.250 hộ dân thuộc các tổ dân phố Phúc Lý 1, 2, 3, 4 phải qua chợ Tây Tựu cách đó hơn 1km.
Từ khi chợ hoàn thành, người dân nơi đây cũng vài lần nghe thông tin từ lãnh đạo quận cho biết, chợ sắp đi vào hoạt động. Thế nhưng, sau bao lần ngóng đợi, tất cả vẫn chỉ là chợ để không. Vậy nên, chợ Phúc Lý được đầu tư xây dựng với kinh phí nhiều tỷ đồng vẫn chỉ là nơi gửi xe ô tô của một số người trong khu vực.
Một số hình ảnh khác được ghi nhận tại chợ Phúc Lý tháng 7/2024: