Hà Nội: Xuất hiện những căn biệt thự cắt lỗ đến cả chục tỷ đồng
Chỉ 2 năm trước, giá biệt thự tại Hà Nội đã chứng kiến pha tăng phi mã. Nhưng đến thời điểm hiện tại, trong bối cảnh thị trường trầm lắng, dòng sản phẩm này bắt đầu ghi nhận hiện tượng cắt lỗ, thậm chí một số căn biệt thự giảm tới chục tỷ đồng.
Năm 2019, chị L.T (Hà Nội) mua một căn biệt thự rộng hơn 300m2 tại khu đô thị Sài Đồng (Long Biên) với giá 21 tỷ đồng. Chủ nhà của căn biệt thự là đôi vợ chồng hơn 40 tuổi. Họ dự tính bán căn biệt thự để chuyển sang mua căn chung cao cấp và dành khoản tiền đầu tư cho con đi du học. So với mặt bằng thị trường, chị L.T cho biết, mức giá chị mua "mềm" hơn.
Đến năm 2020, cơn sốt giá biệt thự bắt đầu bùng nổ tại Hà Nội. Năm 2021, chị L.T cho biết, nhiều môi giới liên hệ và sẵn sàng trả gia đình 35 tỷ đồng. Ở thời điểm "đỉnh" của cơn sốt giá biệt thự, căn biệt thự của gia đình chị L.T được định giá lên tới 38 tỷ đồng.
Từ năm 2022, chị L.T cho thuê căn biệt thự. Đến đầu năm 2023, vợ chồng chị dự tính bán căn biệt thự để đầu tư vào khu nghỉ dưỡng trên Hoà Bình. Tuy nhiên, sau khi khảo sát về mức giá trên thị trường thông qua sàn môi giới, chị L.T biết được, hiện tại, giá của căn biệt thự chỉ khoảng 30 - 32 tỷ đồng, giảm từ 6 - 8 tỷ đồng so thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022. Trước đó, một căn biệt thự tại khu vực này cũng được chào bán và chốt với mức giá giảm tới 20%.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nhiều địa phương Đông Nam Bộ khan hiếm nguồn cung căn hộ
Theo một khảo sát và dự báo của DKRA Group vừa được công bố ngày 23/2 về thị trường bất động sản TP.HCM và vùng phụ cận năm 2023 cho thấy, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền trong năm 2023 giảm nhẹ so với năm trước. Nguyên nhân là do các địa phương mạnh tay trong việc siết chặt quản lý phân lô bán nền. Nguồn cung mới dao động khoảng 6.200 nền, tập trung chủ yếu tại Long An và Bình Dương. Mặt bằng giá đất nền duy trì mức ổn định, khó tăng giá đột biến trong năm 2023.
Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới dự báo giảm mạnh, bằng khoảng 75% so với năm 2022, tương đương 20.000 căn; tập trung chủ yếu tại TP.HCM khoảng 12.000 căn và Bình Dương khoảng 7.000 căn, các tỉnh, thành khác khan hiếm nguồn cung mới. Sức cầu chung tiếp tục duy trì đà giảm từ giữa năm 2022 và dự báo sẽ có những khởi sắc nhất định vào cuối quý IV/2023 khi những vướng mắc về pháp lý, tín dụng vào bất động sản được tháo gỡ. Phân khúc căn hộ hạng A duy trì vị thế chủ đạo, căn hộ hạng C và nhà ở xã hội sẽ gia tăng đáng kể trong năm 2023. Mặt bằng giá bán sơ cấp khó có sự tăng giá đột biến trong năm 2023, trong khi giá bán thứ cấp tiếp tục đà giảm.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Xoay xở vượt khó, nhà đầu tư tìm về bất động sản cho thuê
Không mặn mà với các sản phẩm đất nền như mọi năm, thời điểm cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nhiều nhà đầu tư bất động sản đang tìm kiếm cơ hội ở phân khúc bất động sản cho thuê như căn hộ chung cư, nhà phố...
Trong bối cảnh thị trường khó khăn, bất kỳ nhà đầu tư nào khi bỏ tiền ra cũng hết sức thận trọng, đặc biệt là các nhà đầu tư bất động sản - những người vẫn luôn nỗ lực tìm kiếm những kênh đầu tư hiệu quả (dù lãi suất không quá cao) và an toàn. Một trong những cơ hội hiếm hoi đang được đánh giá khả quan là khai thác thương mại của tài sản, vừa giữ vốn an toàn, vừa mang lại dòng tiền ổn định, do vậy mà nhu cầu đầu tư vào bất động sản cho thuê ngày càng tăng cao.
Ghi nhận thực tế từ Batdongsan.com.vn, thị trường bất động sản cho thuê tại Hà Nội ở quý IV/2022 đã có sự tăng tốc khá nhanh so với quý I/2022. Cụ thể, với phân khúc căn hộ chung cư cho thuê tại quận Cầu Giấy tăng 25% về giá, mức độ quan tâm tăng 34%; giá thuê chung cư quận Tây Hồ tăng 40%, mức độ quan tâm tăng 8%; giá thuê chung cư quận Đống Đa tăng 23%, mức độ quan tâm tăng 25% và tỷ lệ tương tự tại quận Thanh Xuân là 29% và 15%.
Cùng thời điểm đó, phân khúc nhà phố cho thuê, thị trường Hà Nội cũng ghi nhận mức tăng nhanh về độ quan tâm và giá. Đơn cử, tại quận Cầu Giấy, giá thuê tăng 14%, mức độ quan tâm tăng 53%. Giá thuê nhà phố quận Ba Đình tăng 7%, mức độ quan tâm tăng 140%. Nhà phố cho thuê quận Đống Đa ghi nhận giá thuê tăng 33%, mức độ quan tâm tăng 48%. Các con số tương ứng tại quận Hai Bà Trưng là 42% và 26%.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thanh Hóa: Bất động sản giảm giá sâu chờ cơ hội phục hồi cuối năm 2023
Thị trường bất động sản Thanh Hóa hiện đang trong giai đoạn khó khăn, nhiều văn phòng giao dịch bất động sản đóng cửa, nhà đầu tư "đau đầu" vì không thể "thoát hàng" dù đã giảm giá sâu.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, thị trường bất động sản cả nước đang gặp những thách thức bởi các yếu tố như: Tích lũy thu nhập dân cư thấp, áp lực từ trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất cho vay cao, kiểm soát room tín dụng bất động sản…
Nằm trong xu hướng chung của thị trường cả nước, hiện nay thị trường bất động sản Thanh Hóa đang rơi vào cảnh trầm lắng, số lượng giao dịch giảm, nhiều nhà đầu tư đã trót "ôm hàng" dù đã giảm giá từ 20 - 30% nhưng không thể bán được. Trong khi đó, nguồn cung sản phẩm từ các dự án có uy tín, pháp lý đầy đủ trở nên khan hiếm…
Theo ông Nguyễn Thuấn, một nhà đầu tư bất động sản lâu năm tại Thanh Hóa cho biết, hiện thị trường bất động sản Thanh Hóa đang vô cùng trầm lắng, các giao dịch bất động sản hầu như không có, cá biệt có những lô đất đã giảm đến 50% giá trị nhưng vẫn không có người mua, nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa. Nhìn chung, thị trường bất động sản Thanh Hóa hiện nay đang bị tác động bởi nhiều yếu tố.
Xem thông tin chi tiết tại đây
"Thỏi nam châm" của thị trường bất động sản phía Đông Hà Nội
Các dự án ở phía Đông đang chiếm phần lớn trong tổng nguồn cung nhà ở của Hà Nội. Trong đó, dự án nằm kế cận các trục đường vành đai, hệ thống tiện ích vượt trội chính là đích đến nhắm tới của mọi khách hàng.
Theo tính toán, dân số 4 quận trung tâm là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng hiện đã vượt quá quy hoạch, gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng. Từ nay tới năm 2030, thành phố đang có kế hoạch chuyển cư khoảng 500 nghìn người ra khỏi khu vực này.
Trong bối cảnh này, phía Đông được coi là điểm đến tiềm năng với cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ. Đặc biệt, khu vực này đang ngày càng trở thành điểm nóng với các nhà đầu tư sau hàng loạt thông tin tích cực gần đây.
Cụ thể, đường Vành đai 2 trên cao đoạn từ cầu Vĩnh Tuy tới Ngã Tư Sở đã chính thức thông xe. Tiếp đó sẽ là đường Vành đai 3,5 dài hơn 45km, với tổng mức vốn đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng. Đặc biệt, công trình trọng điểm quốc gia là đường Vành đai 4 đã được Quốc hội thông qua với mức kinh phí lên tới hơn 85.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng để khởi công vào tháng 6/2024.
Cùng với các tuyến đường Vành đai, khu Đông còn đón nhận những cây cầu nghìn tỷ đang dần thành hình như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (dự kiến hoàn thành trong năm 2023), cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên, cầu Mễ Sở...