Aa

Hà Nội: Yêu cầu chấm dứt cho thuê, mượn nhà đất công sai quy định

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Bảy, 11/11/2017 - 14:31

UBND TP. Hà Nội mới đây đã có yêu cầu các đơn vị thuộc thành phố phải chấm dứt ngay việc cho thuê, cho mượn, hợp tác, liên doanh, liên kết không đúng quy định của pháp luật đối với các cơ sở nhà, đất công.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 về Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị.

Bên cạnh đó, thành phố yêu cầu các đơn vị thực hiện nộp toàn bộ số tiền thu được từ các hoạt động nêu trên vào ngân sách nhà nước. Đặc biệt, các đơn vị phải tạm dừng các thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất khi triển khai Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg trên địa bàn thành phố theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng hồi tháng 3/2017.

Trong thời hạn chờ, các trường hợp bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đang xử lý theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Mục IV Thông báo số 440/TB-VPCP ngày 19/9/2017 của Văn phòng Chính phủ.

Các đơn vị phải tạm dừng các thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất ...

Các đơn vị phải tạm dừng các thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất...

Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu khai thác hiệu quả quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; đảm bảo việc quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm, cơ sở tập trung đông người trong đô thị, đúng mục đích, hiệu quả, thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch và không để thất thoát tài sản nhà nước.

Thành phố giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện trước ngày 30/11/2017 để gửi Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trước đó, tại Thông báo số 440/TB-VPCP ngày 19/9/2017 của Văn phòng Chính phủ đã chỉ ra nhiều vấn đề khi thực hiện Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg trong đó chưa nghiêm túc chấp hành chấm dứt việc sử dụng nhà, đất cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết chưa đúng quy định; công tác hậu kiểm tra tình hình thực hiện phương án chưa được quy định ở chính sách và tổ chức thực hiện còn hạn chế, thất thoát về đất đai, tài sản nhà nước đã xảy ra ở một số đơn vị.

Việc thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị theo Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg cũng còn nhiều bất cập: việc ban hành danh mục di dời của các địa phương còn rất chậm; việc đầu tư cơ sở hạ tầng của địa phương tại vị trí mới chưa đáp ứng kịp thời dẫn đến khó khăn cho các cơ sở khi di dời đến nơi mới trong việc đầu tư xây dựng dự án; chưa thực sự khuyến khích được các cơ sở trong việc thực hiện di dời; chưa có chế tài xử lý đối với việc chậm thực hiện di dời.

Trong cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, nhà, đất và các trụ sở công chiếm tới hơn 90% giá trị, khoảng 950 nghìn tỷ đồng. Với số lượng cũng như giá trị lớn, việc quản lý nhà, đất, trụ sở công hiện nay đang gặp nhiều khó khăn khi cơ quan quản lý thì có hạn và việc vi phạm các quy định ngày càng phổ biến.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, cả nước hiện có 2.585 triệu m2 đất thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Số đất này phần lớn được giao cho khối đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) quản lý, sử dụng với tỷ lệ lên đến 91,65%. Còn lại 7,8% do khối cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng; 0,54% do khối các tổ chức quản lý, sử dụng và khối các Ban quản lý dự án quản lý, sử dụng 0,01%. Việc giao đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, thời gian qua, những sai phạm về sử dụng đất công lại không ngừng phát sinh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top