Ở các nước xứ lạnh, cây thường thay lá đồng loạt vào mùa thu và tạo nên một “mùa thu vàng” như trong bức tranh nổi tiếng của danh họa Lêvitan, hay ở bất cứ đâu cũng rực lên một sắc vàng của cỏ cây mà nổi bật nhất có lẽ là những hàng phong hay cả cánh rừng phong, làm ta nhớ lại câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du: “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”.
Ở xứ ta, không phải tất cả các loài cây đều thay lá vào mùa thu, cũng không phải cây nào thay lá cũng chuyển sắc vàng, nên không có một mùa thu vàng hoàn hảo, nhưng điều đó cũng lại có cái hay vì không phải chỉ có mùa thu mới vàng. Phải, như ở đất Hà thành chẳng hạn, lá đổ vàng bắt đầu từ thu, kéo suốt qua đông và đến tận mùa xuân…
Đầu tiên có lẽ phải kể đến lá ban. Nghe nói cây ban ở vùng Tây Bắc đến cuối đông thì trút lá rồi sang xuân đồng loạt hoa bung nở trắng xóa cả núi rừng, phố phường. Nhưng ban ở Hà Nội lại khác. Lá cây cứ lẳng lặng sậm màu lại rồi chuyển sang hanh vàng, cái sắc vàng như lặn sâu trong lá mà chỉ khi có ánh nắng mặt trời chiếu vào nhìn ngược sáng mới thấy rực lên sắc vàng non của màu mơ chín.
Rồi kế đến là bàng và bằng lăng.
Nói đến Hà Nội, chẳng mấy ai không từng nghe ca từ:
Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng
Cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau
Phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu…
(Nhớ mùa thu Hà Nội – Trịnh Công Sơn)
Nhưng có lẽ, đó chỉ là một lối nói ước lệ. Đúng là mùa thu cũng đã có cây bàng chuyển lá đỏ thật, nhưng thực ra chỉ đến mùa đông và phải là cuối đông, bàng mới thực sự đổ màu lá đỏ. Và, cũng lại thực ra, có cây bàng chuyển lá đỏ, nhưng cũng có cây chuyển lá vàng. Nói thế không phải là để bắt bẻ, mà chỉ muốn để mọi người biết rằng, nếu thu sang mà chưa thấy cây bàng lá đỏ thì cũng đừng vội trách xứ kinh kỳ; và rằng, muốn ngắm bàng lá đỏ thì hãy chờ đến tiết đông chí… Lại nữa, có cây bàng chuyển lá vàng, lá đỏ, nhưng cũng có cây lá cứ se sắt lại rồi héo khô trút xuống, chứ hầu như không chuyển màu.
Bằng lăng cũng thế, cây đổ vàng từ giữa đông tới đầu xuân và cũng có cả cây lá vàng và cây lá đỏ. Lại nữa, tôi để ý thấy, cả bàng và bằng lăng, cây nào đổ lá đỏ thì khi nẩy lộc búp non cũng ánh đỏ màu đồng hun, còn cây nào đổ lá vàng thì búp non lại ánh sắc hanh vàng… Rồi những cây sưa đỏ cũng đổ lá vàng nổi bật một góc vườn hoa hay trên các con phố… Nói lan man thế để thấy, ngay trong sắc lá khi sắp rời cành, thiên nhiên cũng phong phú và tinh tế đến như thế nào.
Nhưng rộ nhất có lẽ phải đến lúc lộc vừng thay lá, thường là vào xuân phân. Mới hôm trước lá cây còn xen lẫn màu xanh và vàng chanh, vài ba hôm sau đã rực lên sắc vàng và đỏ. Thường thì lộc vừng chuyển lá màu vàng, nhưng thi thoảng cũng có cây chuyển lá màu đỏ sậm. Mà thường lộc vừng đã chuyển lá là chuyển đồng loạt, làm cho cả vòm cây cứ vàng rực lên, sáng cả một góc phố. Lộc vừng ở Hà Nội trồng rất nhiều nơi, trong các con phố cổ đều thấp thoáng bóng dáng lộc vừng; nhưng thu hút người chech-in nhiều có lẽ là cây lộc vừng ở bốt Hàng Đậu và góc đường Đinh Tiên Hoàng chếch trước cửa Bưu điện Hà Nội.
Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là cây lộc vừng ở bờ hồ Hoàn Kiếm phía phố Đinh Tiên Hoàng, chỗ trước cửa trụ sở UBND thành phố. Ở đây có hai cây lộc vừng đều nổi tiếng, một là cây lộc vừng chín nhánh và một là cây lộc vừng cổ thụ trên bờ. Cây lộc vừng chín nhánh mọc ngay sát mép nước, có 5 nhánh ngả xuống hồ và 4 nhánh mọc thẳng tạo thành thế quần thụ vừa có dáng huyền, vừa có dáng trực tạo thành khung cảnh rất đẹp. Tuy nhiên, nổi tiếng hơn là cây lộc vừng trên bờ lùi vào đường phố Đinh Tiên Hoàng. Cây vừa có dáng đẹp, tán đều, đặc biệt khi thay lá là vàng rực lên sáng cả một góc hồ… nên thường thu hút rất đông các tay máy và chị em đến chụp hình.
Điểm xuyết giữa hai cây lộc vừng nói trên, ở Bờ Hồ còn có một cây nổi tiếng khác là cây mõ. Sở dĩ có cái tên kỳ dị này có lẽ bởi quả của nó có hình hạt đậu, khi chín lại mở tách ra nhìn rất giống chiếc mõ nhỏ. Cây này thân cao, vươn thẳng lên, tuy cũng có tán xòa ra phía hồ nhưng cũng ít ai để ý vì không có gì đặc biệt. Chỉ đến khi cả tán cây, vòm lá vàng xuộm lại thì mọi người mới ồ lên kinh ngạc…
Trong công viên Thống Nhất còn có một loài cây cũng thay lá vàng rực mà không phải nhiều người đã biết, đó là cây bồ hòn. Lá vàng rực trên cây, lá trải vàng trên thảm cỏ xanh. Chỉ tiếc là người ta đã chặt bớt ngọn cây để hạ chiều cao nên tán cây mất vẻ tự nhiên, nhưng dù thế thì sắc lá vàng của nó vẫn đủ để mê hoặc lòng người.
Bây giờ bắt đầu tháng Tư, lại là mùa của sấu và xà cừ thay lá. Lá sấu chuyển màu vàng tươi, còn lá xà cừ vàng dịu, thậm chí hơi xỉn nên nhìn từng chiếc lá không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, chỉ cần một cơn gió mạnh, cả tán cây rào rào chuyển động rắc xuống một trận mưa sao… và trải một lớp thảm vàng trên mặt đất thì người ta không khỏi ngạc nhiên vì sự bất ngờ của loài cây vốn rất khiêm nhường này. Còn với sấu, Hà Nội cũng nổi tiếng bởi hàng sấu trên phố Phan Đình Phùng và phố Trần Hưng Đạo, đây cũng thường là điểm check-in lý tưởng cho các thiếu nữ vào mùa hoa loa kèn…
Đều là mùa thay lá, đều là lá chuyển vàng, nhưng có điều khác biệt là ở xứ lạnh cây đổ vàng vào mùa thu để bước vào mùa đông giá lạnh với cành cây trơ trụi khẳng khiu thì ở xứ nhiệt đới như nước ta, cây thay lá vào mùa đông và mùa xuân… Vì vậy, sau khi trút lá thì chỉ thời gian ngắn, trên những cành cây trơ trụi khẳng khiu ấy đã bừng lên những lộc non, chồi biếc. Vì vậy, màu lá vàng không phải là sự báo hiệu của mùa đông giá rét mà là tín hiệu của một mùa sự sống sinh sôi và càng tôn lên vẻ đẹp của khúc giao mùa…