Aa

Hà Tĩnh: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Phương Nam
Phương Nam
Chủ Nhật, 26/11/2023 - 15:56

Hà Tĩnh phấn đấu, năm 2024 giải quyết việc làm 23.000 người, trong đó, giải quyết việc làm trong nước ước đạt 12.000 lao động, đi xuất khẩu lao động ước đạt 11.000 người và tỷ lệ lao động qua đào tạo 76%.

Sáng 26/12, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc điều hành tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội- Ảnh 1.

Chủ trì điều hành hội nghị (Ảnh: hatinh.gov.vn)

Năm 2023, ngành LĐ-TB&XH đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Theo đó, năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên cả nước đạt 68%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27 - 27,5%; lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155.000 người, đạt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ cấp thường xuyên cho 1.138.816 đối tượng với kinh phí thực hiện cả năm khoảng 29.000 tỷ đồng; trợ cấp một lần cho 2.332 người với tổng kinh phí 100 tỷ đồng. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống người có công với cách mạng được đẩy mạnh. Đời sống người có công và thân nhân người có công tiếp tục được cải thiện, nâng cao hơn.

Trong năm, cả nước thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng cho 3,356 triệu người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và 349.000 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hằng tháng; ngân sách nhà nước chi trợ giúp xã hội hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ước đạt trên 27.000 tỷ đồng.

Các chính sách, chương trình giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện và tương đối đầy đủ, đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao, an sinh xã hội luôn được đảm bảo. Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1% so với cuối năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt mục tiêu đề ra.

Triển khai nhiệm vụ năm 2024, Bộ LĐ-TB&XH phấn đấu đạt chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao như: Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28-28,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%.

Hà Tĩnh: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh: hatinh.gov.vn)

Cùng với đó, ngành LĐ-TB&XH tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng chính sách, pháp luật về lao động, người có công và xã hội; phát triển thị trường lao động đầy đủ, hiện đại, vận hành theo đúng cơ chế kinh tế thị trường, đảm bảo đồng bộ, liên thông đa tầng, đa ngành, đa lĩnh vực, đa vùng và hội nhập quốc tế; phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đồng thời, thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đời sống người có công với cách mạng và thân nhân; tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án, chính sách về trợ giúp xã hội.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà biểu dương, ghi nhận những kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023 của ngành LĐ-TB&XH.

Triển khai nhiệm vụ năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị, ngành LĐ-TB&XH hoàn thiện thể chế, xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật về lao động, người có công và xã hội đảm bảo hiệu quả, hiệu lực, góp phần hoàn thiện thể chế chung, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; tập trung xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Việc làm (sửa đổi).

Hà Tĩnh: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo hội nghị (Ảnh: hatinh.gov.vn)

Tập trung triển khai tốt các chính sách, ổn định thị trường lao động, tạo công ăn việc làm, đảm bảo an ninh trật tự, an ninh con người, an sinh và an dân. Phát triển thị trường lao động đầy đủ, hiện đại, vận hành linh hoạt, đảm bảo đồng bộ, liên thông đa tầng, đa ngành, đa lĩnh vực, đa vùng và hội nhập quốc tế.

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Hoàn thiện, phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế và người dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt chương trình, đề án, chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo, bảo đảm các đối tượng yếu thế được trợ giúp ổn định cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đề nghị Sở LĐ-TB&XH, các địa phương tập trung công tác lao động, việc làm, đào tạo nguồn nhân lực làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt các chính sách pháp luật lao động; nâng cao đời sống cho người có công, người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; quan tâm phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới.

Hà Tĩnh: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội- Ảnh 4.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hà Tĩnh (Ảnh: Cổng TTĐT/BHT)

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đảm bảo đạt các tiêu chí tỉnh nông thôn mới năm 2025.

Năm 2023, Hà Tĩnh giải quyết việc làm cho 23.125 người, tăng 100,56% so với năm 2022, đạt 102,7% kế hoạch. Trong đó: Giải quyết việc làm trong nước đạt 10.920 người; đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động đạt 12.205 người.

Phê duyệt hỗ trợ xây dựng 853 nhà ở người có công, trị giá mỗi căn 70 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa.

Hà Tĩnh đã kịp thời chi trả trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng cho 837.892 lượt đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định với tổng kinh phí gần 460 tỷ đồng (đạt 102% so với cùng kỳ năm 2022).

Toàn tỉnh có 66.699 người đang hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên và đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng.

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 11.572 hộ nghèo (giảm 2.955 hộ), chiếm tỷ lệ 3,02% (giảm 0,77%); có 12.947 hộ cận nghèo (giảm 2.539 hộ), chiếm tỷ lệ 3,37% (giảm 0,67%) so với cuối năm 2022.

Chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024: Hà Tĩnh sẽ giải quyết việc làm 23.000 người. Trong đó: giải quyết việc làm trong nước khoảng 12.000 lao động, đi xuất khẩu lao động khoảng 11.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 76%.

Thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách giảm nghèo của Trung ương; tiếp tục triển khai các chính sách giảm nghèo đặc thù của địa phương, dự kiến tỷ lệ hộ nghèo năm 2024 giảm từ 0,6 - 1,0%.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người có công, chính sách bảo trợ xã hội; 98% xã phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh - liệt sỹ; 100% đối tượng người có công có mức sống trên mức trung bình so với cộng đồng dân cư nơi cư trú.

100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp dưới các hình thức; giảm số trẻ em bị xâm hại so với năm 2023

Chủ đề bạn có thể quan tâm

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top