Hải Phòng sẽ là thị trường màu mỡ cho Airbnb
Theo Cục thống kê thành phố Hải Phòng, năm 2018, Hải Phòng đã đón 7,8 triệu lượt khách du lịch, tăng 12% theo năm. Trong số này, khách du lịch công tác nắm vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình hình hoạt động của phân khúc khách sạn và duy trì sự ổn định của phân khúc căn hộ dịch vụ.
Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Phó giám đốc, Trưởng bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội, khách hàng chính của phân khúc khách sạn tại Hải Phòng là khách du lịch công tác.
“Hải Phòng không phải là một địa phương phát triển du lịch mũi nhọn nên nhu câu nghỉ dưỡng không nhiều. Trái lại, khách du lịch công tác đến Hải Phòng tăng trưởng bền vững trong nhiều năm qua do tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng và công nghiệp cảng".
Theo bà Đỗ Thu Hằng, căn hộ dịch vụ là phân khúc có tình hình hoạt động luôn ổn định ở mức tốt với công suất cao. Nguồn cầu lớn nhất đến từ khách thuê người châu Á, cụ thể là Nhật Bản & Hàn Quốc, hai quốc gia có luồng vốn FDI lớn vào Hải Phòng. Đây cũng là những đối tượng khách thuê thích sống theo cộng đồng nên sản phẩm căn hộ dịch vụ với thiết kế và tiện ích theo phong cách đặc trưng của một quốc gia sẽ thu hút khách thuê đến từ nước đó.
Đô thị thông minh và câu chuyện bản sắc đô thị
Xây dựng đô thị thông minh đang là giải pháp được nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam kỳ vọng sẽ giải quyết được những vấn đề đô thị đang tồn tại, hướng đến sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo nhận định của KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam là một vấn đề phức tạp, cần phải nghiên cứu cặn kẽ để tìm ra hướng đi phù hợp, nếu không sẽ trở thành sự rập khuôn, mất bản sắc.
Theo ông Tùng, việc xây dựng đô thị thông minh là đúng, là xu thế tất yếu nhưng phải hiểu cặn kẽ vấn đề để tìm ra hướng đi phù hợp, còn hiện tại chúng ta đang thiếu quy chuẩn chung, mỗi nơi thực hiện theo một hình thức khác nhau dẫn đến việc xây dựng đô thị thông minh vẫn là một bài toán khó.
"Những mô hình đô thị của nước ngoài rất đáng học hỏi nhưng nó chỉ phù hợp với điều kiện, con người ở nước đó, chưa chắc đã phù hợp với Việt Nam. Cho nên, lúc này làm đô thị thông minh phải nghĩ đến cả bản sắc từng dân tộc, từng đô thị. Nếu chúng ta trở thành thứ rập khuôn mất bản sắc, mà mất bản sắc thì dân tộc đó không tồn tại", ông Tùng nhận định.
Bất động sản Thái Nguyên: Điểm đến mới đang bứt tốc
Thái Nguyên được xem là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội của vùng trung du miền núi với Đồng bằng Bắc Bộ, là "đầu tàu" kinh tế của vùng Đông Bắc bao gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang.
Các chỉ số được đánh giá cao của Thái Nguyên luôn là bộ ba chỉ số được các nhà đầu tư dài hạn quan tâm nhất: sự an toàn từ các thiết chế pháp lý, vai trò tiên phong của lãnh đạo chính quyền và công tác đào tạo nguồn lao động. Điều này lý giải tại sao các tập đoàn hàng đầu trong nước và quốc tế như Samsung, Xuân Trường, Vingroup, TNG, Yên Bình... đã chọn Thái Nguyên để đầu tư nhiều dự án quy mô lớn.
Theo các chuyên gia bất động sản, với những tiềm năng của một địa phương mới nổi, bất động sản Thái Nguyên đang trên đà sôi động với sự dồi dào về nguồn cung, là vùng đất xứng đáng để các nhà đầu tư đặt cược.
Theo đó, lợi thế rõ nét nhất khiến các nhà đầu tư không ngần ngại “ôm tiền” về đầu tư ở Thái Nguyên là bởi dư địa tại đây còn rất lớn, giá còn "mềm", dù là thị trường khá non trẻ nhưng lại có tiềm năng tăng giá khủng do mức cầu thực tế tại khu vực đang cao hơn so với nguồn cung thị trường.
Hà Nội: Chỉ đạo "nóng" việc cấp sổ đỏ cho đất nông nghiệp tại quận Hà Đông
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND TP. Hà Nội kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh của báo chí liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ) đối với đất nông nghiệp tại một số phường thuộc quận Hà Đông, TP Hà Nội.
Thời gian vừa qua, một số báo điện tử có bài viết phản ánh tình trạng nhiều thửa đất nông nghiệp trên địa bàn một số phường thuộc quận Hà Đông, TP Hà Nội được người dân san lấp, xây dựng nhà ở; khi các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra thì họ xuất trình được "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở" do UBND huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cấp trước khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào TP Hà Nội hoặc "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất" do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp, giấy phép xây dựng do UBND quận Hà Đông cấp nhưng không có hồ sơ hợp pháp về đất ở lưu tại các cơ quan chức năng.
Về việc này, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh của báo chí, xử lý theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1.5.2019.
Trước đó, UBND Quận Hà Đông vừa ban hành kế hoạch tăng cường công tác quản lý đất đai, xử lý tồn tại liên quan đến các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp do UBND huyện Thanh Oai đã cấp trước đây trên địa bàn phường Phú La, Phú Lương, Phú Lãm, Đồng Mai, Biên Giang, quận Hà Đông, Hà Nội.
"Đại gia" muốn chuyển đổi 80ha đất nông nghiệp xây trường đua ngựa là ai?
Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa tại Sóc Sơn (TP. Hà Nội) có quy mô sử dụng đất của dự án dự kiến lên tới 125 ha, trong đó nhà đầu tư muốn chuyển đổi hơn 80ha đất nông nghiệp...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa tại huyện Sóc Sơn (gọi tắt là Dự án).
Theo tờ trình, 2 nhà đầu tư được đề xuất là Tổng công ty Du lịch Hà Nội và Global Consultant Network Co., Ltd (Hàn Quốc) để thực hiện Dự án. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới khoảng 9.557 tỷ đồng, tương đương 420 triệu USD. Trong đó, riêng hạng mục trường đua ngựa có vốn đầu tư khoảng 348 triệu USD.
Quy mô sử dụng đất của dự án dự kiến lên tới 125ha, trong đó sẽ làm trường đua ngựa - sân vận động phục vụ đua ngựa sức chứa 30.000 khán giả rộng 99,5ha, hồ điều hòa 22,5ha, khách sạn 3 sao 1,5ha, trung tâm hội nghị hội thảo 0,5ha và khu biệt thự nghỉ dưỡng 1ha.