Nửa đầu năm 2021, mặc dù ảnh hưởng dịch Covid -19 bùng phát, nhưng Đảng bộ và nhân dân TP. Hải Phòng vẫn đồng lòng quyết tâm vừa chống dịch, vừa tập trung kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 23,24% so với cùng kỳ; thu ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 37.000 tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ và bằng 41,5% dự toán HĐND thành phố giao; sản lượng hàng hóa qua Cảng ước đạt 54,59 triệu tấn, tăng 12,41% so với cùng kỳ…
Cùng với đó, TP. Hải Phòng tiếp tục đặt ra 9 nhiệm vụ trọng tâm đó là: Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các quy định, quy chế về phòng, chống dịch của Bộ Y tế; hoàn thiện hồ sơ, công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, khẩn trương phối hợp chuẩn bị để kiện toàn HĐND và UBND các cấp theo luật định; tập trung cao chỉ đạo quyết liệt cho công tác thu ngân sách Nhà nước; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để tạo động lực tăng trưởng kinh tế; thu hút đầu tư tạo nguồn lực cho phát triển; chỉ đạo quyết liệt, có giải pháp hiệu quả, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc nhằm kiềm chế tai nạn giao thông; đẩy mạnh các giải pháp thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2021, tập trung cải tạo chỉnh trang hè đường tại 06 tuyến đường trung tâm thành phố, triển khai thủ tục đầu tư xây dựng 21 công viên trong năm 2021; đẩy mạnh số hóa kết quả giải quyết TTHC, phấn đấu hoàn thành 100% việc số hóa kết quả giải quyết TTHC của năm 2021 và chủ động rà soát các chỉ tiêu nhiệm vụ đã thực hiện trong 6 tháng đầu năm theo kế hoạch được giao.
Mặc dù trong điều kiện dịch bệnh Covid -19 nhưng hoạt động thương mại trên địa bàn TP. Hải Phòng vẫn diễn ra ổn định, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TP. Hải Phòng ước tính đạt được hơn 61.000 tỷ đồng, tăng 12,6%, đạt 38,3% kế hoạch năm.
Song song với việc phát triển thương mại, TP. Hải Phòng cũng đã khởi công một số công trình, dự án lớn trong các lĩnh vực giao thông, đô thị góp phần nâng tầm vị thế và mở đường phát triển cho nhiều lĩnh vực. Các dự án được tập trung đầu tư và khởi động như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường bộ ven biển (Km1+00) đến ngã ba Vạn Bún (đường Lý Thái Tổ) quận Đồ Sơn; dự án đầu tư xây dựng 3 tòa nhà hỗn hợp Hoàng Huy Commerce tại phường Kênh Dương và phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân); dự án cải tạo, nâng cấp QL.10, đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền…
Nhằm giải quyết tình trạng ứ đọng và quá tải lượng hàng tại các cảng, kho bãi, TP. Hải Phòng đã kêu gọi đầu tư xây dựng Khu dịch vụ logistics và kho bãi container.
Theo đó, UBND TP. Hải Phòng đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây Khu dịch vụ logistics và kho bãi container có vị trí tại lô CN 119-12 thuộc phường Đông Hải 2, quận Hải An, TP. Hải Phòng. Dự án được TP. Hải Phòng mời gọi đầu tư với mục tiêu làm điểm trung chuyển các luồng hàng hóa nội địa, xuất nhập khẩu và quá cảnh. Đồng thời là điểm trung chuyển giữa các phương thức vận tải từ đường bộ sang đường biển và ngược lại nhằm nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics cũng như hoàn thiện chất lượng dịch vụ cảng biển.
Dự án được thực hiện trên phần đất có diện tích lên tới 79.357m2 tại lô CN 119-12 thuộc phường Đông Hải 2. Hiện trạng khu đất gồm 326,1m2 là nhà bán mái; 72.938,5 m2 là đầm, hồ nuôi trồng thủy sản và 6.092,4 m2 là sân, đường nội bộ và thời gian thực hiện dự án là 24 tháng với tổng mức chi phí đầu tư là 237,7 tỷ đồng.
Theo quyết định phê duyệt của UBND TP. Hải Phòng, tiền thuê đất tạm xác định của dự án đối với trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm là 1,768 tỷ đồng và trường hợp thuê đất trả tiền một lần là 126,289 tỷ đồng. Đồng thời, theo kế hoạch thì thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư từ quý II/2021 và dự án sẽ được lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.
Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự kiến là 13,596 tỷ đồng và chi phí thực hiện dự án sơ bộ khoảng 224,192 tỷ đồng. Đối với các nhà đầu tư được định mức thời gian đầu tư là 50 năm, tiến độ đầu tư 24 tháng (thời gian giải phóng mặt bằng là 6 tháng, thực hiện đầu tư dự án là 18 tháng). Và phương án huy động vốn đầu tư, vốn chủ sở hữu tối thiểu mà nhà đầu tư phải thu xếp để thực hiện dự án là 49,024 tỷ đồng (tương đương 20% sơ bộ tổng mức đầu tư), còn lại là vốn vay thương mại.