Aa

Hải Phòng: Tập trung thúc đẩy Thủy Nguyên lên thành phố vào năm 2025

Chủ Nhật, 18/07/2021 - 10:00

TP. Hải Phòng tập trung nguồn lực, tăng tốc hoàn thành các tiêu chí hạ tầng đô thị và những công trình trọng điểm, trung tâm hành chính, nhằm sẵn sàng đưa Thuỷ Nguyên lên thành phố vào năm 2025.

Với mục đích đưa Thuỷ Nguyên trở thành thành phố hiện đại, thông minh và bền vững, TP. Hải Phòng đã tập trung xây dựng các công trình trọng điểm tại Thuỷ Nguyên như: Trung tâm hành chính - chính trị; cầu Hoàng Văn Thụ; cầu Nguyễn Trãi; khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên; khu đô thị VSIP hơn 1.000ha theo tiêu chuẩn Singapore, xanh, sạch, gần gũi với thiên nhiên...

Cùng đó, là hệ thống tiện ích chất lượng cao, đẳng cấp mang tầm cỡ quốc tế như: Trung tâm thương mại quốc tế, trường học quốc tế, bệnh viện quốc tế, các trung tâm kinh tế, giải trí… Tổng mức kinh phí đầu tư đề án lên thành phố trước năm 2025 dự kiến khoảng 142 tỷ đồng.

Huyện Thuỷ Nguyên được TP. Hải Phòng đưa vào đề án xây dựng thành phố hoàn thành trước năm 2025 (Ảnh minh hoạ)

Trên thực tế, sự thay đổi từ đơn vị "huyện" lên "thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương" có ý nghĩa rất lớn. Không đơn giản chỉ là thay tên, mà còn là tiền đề vững mạnh giúp người dân và kinh tế nơi đây phát triển vượt bậc lên tầm cao mới.

Theo Sở Nội vụ Hải Phòng, trong 5 tiêu chuẩn để thành lập thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, huyện Thủy Nguyên cơ bản đạt được tiêu chuẩn về dân số, diện tích, số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế xã hội. Huyện có 18/37 (48,7%) xã đạt tiêu chuẩn phường thuộc thành phố. Theo dự kiến, TP. Thủy Nguyên sẽ có 18 phường và 27 xã.

Không chỉ vậy, về nguồn lực để triển khai đề án trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện Thủy Nguyên đã được đầu tư hơn 26.690 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư công là trên 14.841 tỷ đồng phục vụ cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, các dự án hạ tầng giao thông, chương trình nông thôn mới...

Phần còn lại là nguồn vốn ngoài ngân sách và FDI chiếm khoảng 11.849 tỷ đồng, đầu tư các dự án trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.

Dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ hướng đầu tư trên địa bàn huyện Thủy Nguyên khoảng 141.399 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư công là 33.261 tỷ đồng và nguồn vốn ngoài ngân sách (gồm cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) hơn 108.138 tỷ đồng.

Biểu tượng "nâng tầm" Thủy Nguyên.

Cầu Nguyễn Trãi là công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hải Phòng. Cầu Nguyễn Trãi sẽ kết nối giao thông khu vực trung tâm TP. Hải Phòng và huyện Thủy Nguyên thông qua 3 cây cầu bắc qua sông Cấm bao gồm: Cầu Kiền, cầu Bính và cầu Hoàng Văn Thụ.

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng nhanh, nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa như hiện nay, dự kiến đến năm 2025, lưu lượng giao thông qua 3 cây cầu này sẽ vượt quá giới hạn cho phép do sự phát triển khu vực đô thị mới ở phía Bắc… Do đó, việc xây dựng cầu Nguyễn Trãi có vai trò rất quan trọng, góp phần kết nối khu vực trung tâm hành chính - chính trị cũ tại quận Hồng Bàng với trung tâm hành chính - chính trị mới sẽ được xây dựng tại khu đô thị mới Bắc sông Cấm tại huyện Thủy Nguyên.

Phối cảnh dự án cầu Nguyễn Trãi
Phối cảnh dự án cầu Nguyễn Trãi 

Dự kiến, cầu Nguyễn Trãi có quy mô xây dựng với chiều dài khoảng 1.451m. Trong đó, cầu chính dự kiến kết cấu là dây văng kết hợp dây võng một mặt phẳng dây với chiều dài khoảng 500m, trụ tháp dạng kim cương, mặt cắt ngang cầu rộng 26,5m gồm 4 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 nhánh cầu xuống đường Lê Thánh Tông, nhánh A dài 423m, nhánh B dài 799m. Vận tốc thiết kế cầu chính là 80km/h. Tải trọng thiết kế HL93. Tĩnh không thông thuyền BxH=105x25m. Địa điểm thực hiện dự án gồm huyện Thủy Nguyên và quận Ngô Quyền. Tổng mức đầu tư dự án hơn 5.300 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện 2020 - 2024.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi có mục tiêu xây dựng trục kết nối khu đô thị hiện hữu với khu đô thị mới phía Bắc sông Cấm và các khu công nghiệp chính trên địa bàn thành phố như: VSIP, Phà Rừng, Minh Đức, Đình Vũ… Khi hoàn thành, cầu Nguyễn Trãi sẽ rút ngắn cự ly vận chuyển hàng hóa đến, đi Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, liên kết Cảng hàng không quốc tế Cát Bi với cực phát triển phía Bắc của TP. Hải Phòng tại khu vực Bắc Sông Cấm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực huyện Thủy Nguyên và TP. Hải Phòng. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố lân cận.

Theo UBND TP. Hải Phòng, việc thành lập đơn vị hành chính đô thị tại huyện Thủy Nguyên thực hiện trên cơ sở nguyên trạng 261,86km2 diện tích tự nhiên, dân số 333.900 người và 37 đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện đảm bảo đúng quy định và phù hợp với thực tiễn.

Sau khi thành lập TP. Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số cũng như số đơn vị hành chính cấp huyện. Riêng đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm, trong TP. Thủy Nguyên trực thuộc TP. Hải Phòng sẽ có cả xã và phường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top