Aa

Hai thương vụ The EverRich "cứu" Phát Đạt như thế nào?

Thứ Hai, 27/08/2018 - 13:35

Nguồn tiền từ hai nhà đầu tư non trẻ giúp Phát Đạt trả hết nợ và qua đó hạn chế "dính dáng" tới Đông Á Bank - tổ chức tín dụng duy nhất đồng hành với họ từ năm 2008 tới khi bị kiểm soát đặc biệt năm 2015.

Dự án The EverRich 2 nhìn từ cầu Phú Mỹ. Ảnh: Nghi Điền

Dự án The EverRich 2 nhìn từ cầu Phú Mỹ. Ảnh: Nghi Điền

"Bán" dự án trả nợ

Giữa năm 2017, thị trường địa ốc xôn xao trước thông tin CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) tiến hành thanh lý và bồi thường 20% giá trị hợp đồng cho khách hàng mua căn hộ tại dự án The EverRich 2 ở Quận 7, TP.HCM.

Nguyên do được đưa ra là bởi dự án có sự thay đổi, điều chỉnh. Dù vậy, việc Phát Đạt nhanh chóng chi hàng trăm tỷ đồng bồi hoàn cho khách hàng khiến lý do này không mấy thuyết phục và kéo theo nhiều đồn đoán.

Tới cuối năm, thông tin chính thức được đưa ra. Hội đồng quản trị Phát Đạt ngày 24/11/2017 có Quyết định chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án The EverRich 2 và The EverRich 3.

Tới đó, ngày 26/12, Phát Đạt ký đồng thời hai hợp đồng hợp tác đầu tư, với Công ty TNHH Đầu tư Big Gain ở dự án The EverRich 2 và với Công ty TNHH Dynamic Innovation ở dự án The EverRich 3. Theo điều khoản, hai đối tác này có thể mua tới 99% lợi ích dự án khi các khu đất trên được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sau khi ký hợp đồng, bộ đôi nhà đầu tư "bí ẩn" đã lập tức chuyển cho Phát Đạt hơn 6.000 tỷ đồng và chỉ trong vài ngày cuối năm, Phát Đạt đã phân bổ toàn bộ số tiền trên để trả nợ trái phiếu, lãi vay, góp vốn đầu tư, hợp tác kinh doanh...

Trên thực tế, từ thời điểm đầu năm 2017, đã xuất hiện thông tin Phát Đạt sẽ chuyển nhượng hai dự án The EverRich để lấy tiền trả nợ Đông Á Bank. Tin đồn này xuất hiện sau khi Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) cuối năm 2016 khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Phương Bình - cựu TGĐ Đông Á Bank, đồng thời khởi tố vụ án hình sự tại ngân hàng này.

Dòng sự kiện diễn ra cho thấy tin đồn đã nhanh chóng trở thành sự thật.

Quan hệ khăng khít

Đông Á Bank và Phát Đạt có mối quan hệ khá khăng khít. Suốt một giai đoạn dài (2008-2015), Đông Á là ngân hàng duy nhất cấp tín dụng cho Phát Đạt. Mức độ của mối quan hệ này được làm rõ hơn tại Kết luận điều tra trong vụ án Đông Á Bank, mà Nhadautu.vn đã đề cập ở bài trước.

Theo đó, Cơ quan CSĐT xác định Nhóm Phát Đạt có dư nợ tại Đông Á Bank tại thời điểm 31/7/2017 là 8.808 tỷ đồng, gồm 4.976 tỷ đồng nợ gốc là 3.832 tỷ đồng tiền lãi. Tài sản đảm bảo theo hợp đồng thế chấp có giá 9.484 tỷ đồng, theo kết quả định giá lại là 5.397 tỷ đồng.

"Đại diện nhóm Phát Đạt cam kết thực hiện tích cực để thu hồi nợ trong thời gian sớm nhất", Kết luận điều tra vụ án Đông Á Bank có đoạn. Lời cam kết này có thể giải thích tại sao doanh nghiệp của Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt nhanh chóng tìm kiếm nhà đầu tư và "sang tay" hai dự án lớn nhất của mình trong năm 2017.

Cần làm rõ một chi tiết, cho tới cuối tháng 6/2017, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt có hơn 2.000 tỷ đồng nợ trái phiếu và gần 2.000 tỷ đồng lãi vay phải trả Đông Á Bank. Do vậy, với kết luận của cơ quan điều tra, có thể hiểu rằng không chỉ Phát Đạt, mà nhiều cá nhân, pháp nhân liên quan tới doanh nghiệp này cũng là "con nợ" lâu năm của Đông Á Bank.

Giả thiết này được củng cố trong chính Quyết định của HĐQT Phát Đạt ngày 24/11/2017: "Hội đồng quản trị đã biểu quyết thông qua chủ trương đồng ý chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ Dự án The EverRich 2 và dự án The EverRich 3 cho các nhà đầu tư để thanh toán các khoản trái phiếu, nợ vay của Công ty Phát Đạt và các công ty, cá nhân có liên quan phát sinh tại Đông Á Bank. Các khoản nợ gốc, nợ vay sẽ được trả dứt điểm cho Đông Á Bank chậm nhất vào ngày 31/12/2017, các khoản lãi sẽ được thanh toán chậm nhất vào ngày 30/6/2018".

Lưu ý rằng nợ gốc của nhóm Phát Đạt lên tới 4.976 tỷ đồng, bằng xấp xỉ vốn cổ phần của Đông Á Bank (5.000 tỷ đồng). Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 quy định ngân hàng chỉ được phép cho vay một nhóm khách hàng tối đa 25% vốn tự có. Việc Đông Á cho Phát Đạt vay số tiền tương đương vốn cổ phần sẽ là một nội dung đáng chú ý trong vụ án tại ngân hàng này.

Dù sao, nguồn tiền từ Big Gain và Dynamic đã giúp doanh nghiệp của Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt trả được hết nợ cho Đông Á Bank và bởi vậy hạn chế "dính dáng" tới nhà băng tai tiếng này, ít nhất là trên sổ sách tài chính.

Big Gain và Dynamic Innovation của ai?

Cả Big Gain và Dynamic Innovation đều được thành lập vào tháng 3/2017, có cùng một cổ đông sáng lập là ông Trần Tài Khánh. Ông Khánh sinh năm 1983, dân tộc Hoa, là Giám đốc CTCP Four Corners - nơi ông Khánh cùng thể nhân Lâm Miêu Quyên là cổ đông sáng lập. Thể nhân Lâm Miêu Quyên cũng đồng thời là cổ đông lớn của CTCP Max Sky - doanh nghiệp do ông Ngô Văn An làm Tổng giám đốc.

Big Gain có một cổ đông sáng lập nữa là ông Trịnh Hoàng Minh, dân tộc Hoa. Ông Minh là cổ đông sáng lập, góp 30% vốn trong CTCP Phát triển Nông nghiệp CG. Doanh nghiệp này nay đổi tên thành CTCP Tập đoàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam, có Chủ tịch HĐQT là bà Ngô Thanh Nhã, Thành viên HĐQT là bà Trương Huệ Vân.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top