Báo chí thông tin, dư luận lại được biết thêm về những con số hàng ngàn tỷ đồng là số tiền có khả năng mất trắng trong các dự án đầu tư đủ loại của nhiều doanh nghiệp nhà nước.
Nguy cơ tăng nợ công
Chính phủ bảo lãnh vay vốn, dự án kém hiệu quả, sau đó phải ra tay giải cứu là một bài học quá đắt giá. Như dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II (TISCO II) thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương, Công ty Gang thép Thái Nguyên được giao làm chủ đầu tư, từng được Chính phủ bảo lãnh vay vốn. Dự án này sau 14 năm ra quyết định đầu tư lại trở thành bãi phế liệu biến thành nợ mất khả năng chi trả với số tiền khoảng 4.000 tỷ đồng, tổng số tiền đã thanh toán tính đến nay hơn 4.400 tỷ đồng và tổng dư nợ gốc lãi vay ngân hàng gần 3.900 tỷ đồng. Hiện lãi vay cho dự án TISCO II vẫn phải trả 40 tỷ đồng /tháng.
Trước đó, sau 7 năm đầu tư, dự án TISCO II vẫn chưa thể đi vào vận hành dù hưởng nhiều ưu đãi, Chính phủ phải giải cứu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan cấp 1.000 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương cho dự án này dưới dạng đầu tư mua cổ phần doanh nghiệp.
Mới đây, báo cáo tổng hợp tình hình bảo lãnh chính phủ trong năm 2018 được Bộ Tài chính cho biết nhiều dự án được Chính phủ bảo lãnh bởi khó khăn về tài chính đã không có khả năng trả nợ, đang phải thanh lý tài sản để thu hồi vốn hoặc tái cơ cấu do nợ quá hạn cao, hoặc Chính phủ dùng nguồn tiền từ Quỹ Tích lũy trả nợ quốc gia trả nợ thay.
Chỉ riêng trong năm 2018, Quỹ Tích lũy trả nợ vẫn phải ứng chi phí trả nợ đã bảo lãnh vay vốn cho các dự án thua lỗ, chủ đầu tư không có khả năng trả nợ. Như trả nợ cho dự án Nhà máy giấy Phương Nam với số tiền khoảng 8,13 triệu USD đã nâng tổng trị giá ứng trả lên 97 triệu USD, ứng cho dự án BT Đường cao tốc La Sơn - Túy Loan số tiền khoảng 44,1 triệu USD để tránh vi phạm nghĩa vụ của bên vay và bên bảo lãnh là Chính phủ.
Chưa kể, một loạt các dự án xi măng được Chính phủ bảo lãnh nợ vay vốn cũng đang gặp khó khăn, có nợ quá hạn cao, đang phải thực hiện tái cơ cấu tài chính với Quỹ Tích lũy trả nợ. Dự án Xi măng Hạ Long do Tổng công ty Sông Đà làm chủ đầu tư, không trả được nợ các kỳ từ năm 2012 - 2015, phải vay tạm ứng Quỹ Tích lũy để trả nợ nước ngoài với tổng số tiền nợ gốc hơn 52,2 triệu EUR. Dự án Xi măng Đồng Bành đã đi vào sản xuất nhưng vẫn phải vay 16,55 triệu USD để có tiền trả nợ, có nợ quá hạn với Quỹ Tích lũy. Dự án Xi măng Thái Nguyên khó khăn tài chính nên không trả được nợ các kỳ từ năm 2011, phải vay tạm ứng Quỹ Tích lũy với tổng số tiền gần 30,8 triệu EUR để trả nợ nước ngoài.
Nên hạn chế bảo lãnh
Thực tế nhiều dự án phục vụ phát triển ngành, địa phương được giao cho chủ đầu tư là doanh nghiệp nhà nước không có khả năng huy động vốn hoặc tự vay vốn vì thiếu khả thi, không hiệu quả nên hiếm có quỹ tín dụng hay ngân hàng nào dám mạo hiểm cho vay số tiền quá lớn… Dự án kiểu này nếu chủ đầu tư mang ra thu hút vốn bằng cách phát hành trái phiếu công trình, trái phiếu doanh nghiệp thì sẽ chẳng có quỹ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân nào dám mua vì nhận thấy sự rủi ro quá cao, không mang đến hiệu quả kinh tế.
Mọi sự sẽ khác, nếu Chính phủ đứng ra bảo lãnh vay vốn cho dự án, tổ chức tín dụng cho vay sẽ bớt lo và tất nhiên điều kiện cho vay dễ dàng hơn. Lúc này, nếu dự án không hiệu quả, chủ đầu tư không có khả năng trả nợ, Chính phủ sẽ là phải gánh trách nhiệm chi trả.
Dự án được Chính phủ bảo lãnh không chỉ dễ vay vốn mà còn giúp chủ đầu tư thuận lợi trình duyệt các thủ tục, thanh toán chi phí phát sinh có liên quan… Điều tai hại dễ thấy ở các dự án được Chính phủ bảo lãnh vay vốn thường hay trục trặc, chậm trễ, phát sinh chi phí, hoạt động kém hiệu quả… Nguyên nhân thì nhiều, tư vấn thiết kế tính sai, thi công thiếu năng lực, giám sát không kỹ… Trong đó có một điểm chung giống các dự án sử dụng vốn ngân sách, chủ đầu tư không có động cơ tính toán chi li và sử dụng hiệu quả đồng vốn bỏ ra như các dự án tư nhân đầu tư. Phải chăng vì đã có Chính phủ trả nợ thay?
Điển hình hàng loạt dự án giấy, xi măng, giao thông, Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, Đạm Ninh Bình, Xơ sợi Đình Vũ hay các nhà máy sản xuất xăng sinh học từ Bắc vào Nam được dư luận biết đến khi chủ đầu tư là doanh nghiệp nhà nước kêu cứu lên Chính phủ để xin ưu đãi đặc biệt, giúp duy trì hoạt động, thoát khỏi cảnh đóng cửa vì thua lỗ.
Chính phủ một khi đứng ra bảo lãnh vay vốn cho chủ đầu tư làm dự án vẫn thuộc phạm vi của nợ công, từ trước đến nay chưa từ bảo lãnh cho bất cứ đối tượng doanh nghiệp tư nhân nào. Dù chỉ là bảo lãnh vay vốn nhưng Chính phủ sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay nếu dự án thất bại, chủ đầu tư không có khả năng chi trả, kết quả nhãn tiền đã rõ ràng là như vậy.
Nếu duy trì những dự án thua lỗ, Chính phủ buộc phải tiếp tục trò chơi rủi ro và tốn kém hơn, tiếp tục bơm tiền nuôi dự án cho đến lúc có lợi nhuận hoặc chỉ để mua thời gian trong khi phải trả nợ cả gốc lẫn lãi theo tỷ giá mới vì chủ đầu tư là doanh nghiệp nhà nước vay vốn nước ngoài chủ yếu là nợ bằng ngoại tệ như đồng đô la Mỹ, EUR.
Cần thống kê chi tiết, kiểm soát hiệu quả sử dụng vốn vay có bảo lãnh của Chính phủ ở các dự án, xác định dự án nào không có khả năng trả nợ thì cơ cấu lại nợ, dự án nào dở dang không hiệu quả thì thà đau một lần để kết thúc chấp nhận gánh chịu những tổn thất.
Nên hạn chế bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhà nước làm dự án, đây còn là biện pháp an toàn và kiểm soát nợ công. Chỉ bảo lãnh vay vốn trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, bất khả kháng, dự án hết sức cấp thiết nhưng không có nhà đầu tư nào tham gia.
Trần Văn Tường, Chuyên gia giao thông