Aa

Hàng loạt cuộc "hôn nhân" đình đám và cơ hội rộng mở cho thị trường BĐS Việt Nam 2017

Thứ Ba, 10/01/2017 - 21:00

Thị trường BĐS Việt Nam trong năm 2016 đã chứng kiến hàng loạt các cuộc “hôn nhân” đầy hứa hẹn, đồng thời chào đón cuộc “đổ bộ” của các đại gia nước ngoài. Liệu có phải ngành công nghiệp BĐS đang chuẩn bị những “vũ trang” vững chắc cho một năm 2017 nhiều triển vọng?

Sóng ngầm M&A

Điều kiện kinh tế ổn định, môi trường pháp luật được cải thiện, trong đó phải kể đến chính sách nới lỏng quy định trong việc sở hữu và mua nhà ở cho người nước ngoài, và số lượng tầng lớp trung lưu tăng nhanh chóng đã giúp các hoạt động đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam có những bước tiến đáng kể thời gian qua.

Mặc dù, theo số liệu thống kê, trong năm 2016, tổng sản lượng đầu tư vào khu vực này là 130 tỷ USD, giảm gần 44% so với năm trước. Tuy nhiên, BĐS vẫn là ngành công nghiệp đứng thứ hai về thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời có tốc độ giải ngân nhanh hơn so với năm 2015. Bên cạnh đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore vẫn là những nhà đầu tư tích cực nhất trên thị trường.

Nhằm xây dựng một nên tảng vững chắc trên thị trường BĐS đầy rủi ro, rất nhiều ông lớn BĐS cả trong nước và nước ngoài đã

Nhằm xây dựng một nên tảng vững chắc trên thị trường BĐS đầy rủi ro, rất nhiều ông lớn BĐS cả trong nước và nước ngoài đã "dọn về sống chung" trong năm 2016

Điểm khác với xu hướng đầu tư trước đây, năm nay, các doanh nghiệp BĐS nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có xu hướng “bắt cặp vợ chồng”, chính điều này đã dẫn đến việc xuất hiện hàng loạt thương vụ M&A đình đám trên thị trường, hình thành nên các tập đoàn đầu tư lớn. Trong đó không thể không kể đến một số cái tên như: Liên doanh giữa Warburg Pincus và VinaCapital; Kajima và Indochina Capital; Sunwah và Saigon Asset Management hay quỹ đầu tư trị giá 500 triệu USD của CapitaLand. 

Ngoài ra, năm 2016, ngành công nghiệp BĐS Việt Nam còn trở thành mảnh đất màu mỡ giúp các tập đoàn BĐS lớn ở Châu Á như có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn thông qua các hoạt động M&A như Keppel Corporation, Mitsubishi, Frasers Centrepoint, CapitaLand, Chow Tai Fook, Mapletree và AON Holdings...

Nổi bật trong số đó phải kể đến vụ mua lại tòa nhà Landmark 72 – tòa nhà cao nhất Hà Nôi trị giá 382,5 triệu USD – của AON Holdings, cuộc “hôn nhân” 215 triệu đô của ông lớn Mapletree với Kumho Asiana Plaza hay lần ghi danh quan trọng của Chow Tai Fook trong dự án casino trị giá 4 tỷ USD.

Bên cạnh đó, trong tháng 3, gã khổng lồ Singapore, Keppel Land, đã bỏ ra 93,9 triệu USD để giành quyển sở hữu 40% tại dự án “tỷ đô” Empire City, Thủ Thiêm, một dự án mà GAW Capital Partners cũng góp mặt với cương vị đối tác liên doanh. Mặc dù không được báo chí đưa tin nhưng theo ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam (Vietnam M&A Forum) được tổ chức vào tháng 8/2016, "đại gia" BĐS này đã giành được toàn bộ quyền sở hữu tại dự án sau khi mạnh tay vung ra 234 triệu USD.

Đặc biệt, không thể không kể đến “sự kiện tháng 11” gần đây khi tập đoàn BĐS Novaland bán cổ phần với tổng trị giá 120 triệu USD cho 18 nhà đầu tư, đây được coi là thương vụ bán cổ phần đình đám nhất trên thị trường BĐS Việt Nam trong năm qua. Ngoài ra, Lotte, ông lớn đã phát triển hàng loạt các dự án thương mại tại Việt Nam trong thời gian gần đây, cũng đang có ý định mở rộng dấu chân không chỉ tại thị trường này mà còn tại toàn khu vực Châu Á vào năm 2017 thông qua các hoạt động M&A.

Không chỉ các đại gia nước ngoài, các ông lớn trong nước cũng hưởng ứng làn sóng M&A theo phong cách riêng của mình. Điển hình là việc mua lại Công ty Quang Ba Royal Park từ  Keppel Corporation hay giao dịch mua lại dự án phức hợp từ Tập đoàn VinGroup của TNR Holdings với giá 110 triệu USD. Ngoài ra, các doanh nghiệp địa phương khác như Phú Mỹ Hưng, Nam Long, An Gia gần đây cũng đã bắt tay hợp tác với các đối tác từ Nhật Bản trong một số dự án.

BĐS Việt Nam 2017 – miền đất hứa

Không quá phô trương hay sôi động, các hoạt động M&A trên thị trường BĐS, không chỉ Việt Nam nói riêng mà còn cả khu vực Châu Á nói chung, như một làn sóng ngầm. Ngày càng nhiều nhà đầu tư cả nước ngoài lẫn trong nước coi việc M&A là một trong những chiến lược để có thể phát triển mạnh và bền vững trên thị trường BĐS vốn được coi là có nhiều rủi ro.

“Chúng tôi thấy rằng ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm và thực hiện hợp tác chiến lược với những doanh nghiệp trong nước. BĐS là một thị trường mà muốn chiến thắng bạn cần phải có một nền tảng đầu tư vững chắc, vững chắc để nhà đầu tư có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng việc tham gia vào nhiều dự án khác nhau thay vì đổ tiền vào “một rổ trứng” duy nhất”, ông Neil MacGregor, Giám đốc quản lý của Savills Việt Nam cho biết.

Việc các đại gia BĐS trong nước và nước ngoài liên tiếp “dọn về sống chung một nhà” trong năm 2016 đã hứa hẹn một năm 2017 đầy sôi động của các giao dịch, các dự án đầu tư BĐS.

Với những nền tảng vững chắc thông qua các thương vụ M&A, thị trường BĐS Việt Nam được dự báo là sẽ có một năm cực kỳ sôi động

Với những nền tảng vững chắc thông qua các thương vụ M&A, thị trường BĐS Việt Nam được dự báo là sẽ có một năm cực kỳ sôi động

Trong 10 năm tới, thị trường BĐS Việt Nam sẽ đón nhận nhiều dự án đầu tư mới từ công ty phát triển BĐS Indochina Kajima (ICC- Kajima), đây là kết quả của thương vụ hợp tác liên doanh trị giá 1 tỷ USD giữa Indochina Capital và Kajima, một tập đoàn BĐS từ Nhật Bản. Trước mắt hai ông lớn này sẽ hoàn thành các dự án nhà ở tại 3 thành phố lớn nhất của Việt Nam đó là Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng, sau đó sẽ tập trung “quân lực” vào các dự án khách sạn và nhà ở thương mại.

Tiếp đó, VinaCapital – một quỹ đầu tư BĐS Việt Nam từng được biết đến với rất nhiều các khoản đầu tư vào các dự án khách sạn và Warburg Pincus – một nhà đầu tư địa ốc quốc tế, ông lớn này trước đó đã đầu tư khoảng 300 triệu USD vào dự án Vincom Retail, cũng sẽ hứa hẹn góp mặt trong “bữa tiệc” BĐS trong năm tới thông qua việc đầu tư phát triển và mua lại các BĐS du lịch như khách sạn hay nghỉ dưỡng không chỉ tại Việt Nam mà còn cả khu vực Đông Nam Á nhờ thấy được những tiềm năng phát triển của ngành du lịch tại khu vực này nói chung và Việt Nam nói riêng, đất nước được xem là sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ “làn sóng” du lịch của du khách Trung Quốc.

Chưa hết, Tập đoàn Sunwah Group có trụ sở tại Hồng Kông gần đây đã thiết lập một chi nhánh có tên gọi là Sunwah Vietnam Investment Company (SVIC) nhằm mục đích giải ngân số vốn đầu tư lên đến 100 triệu USD mà Tập đoàn này đã cam kết trên thị trường Việt Nam. Để ghi dấu sự xuất hiện của mình trên thị trường, SVIC sẽ tập trung nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực như thực phẩm và đồ uống (F&B), thương mại điện tử, truyền thông, giáo dục – y tế, công nghệ xanh và BĐS. Ngoài ra, công ty này còn đang hướng đến việc tiến hành các vụ IPO tại thị trường Hồng Kông và nước ngoài.

Sau khi giải ngân hết tổng số vốn đầu tư trị giá 200 triệu USD dành riêng cho thị trường BĐS Việt Nam, đại gia BĐS Singapore CapitalLand lại tiếp tục đổ thêm quỹ đầu tư trị giá 500 triệu USD vào thị trường này. Với “chiếc xe” mới này, CapitalLand sẽ tập trung vào thị trường BĐS thương mại tại TP. HCM và Hà Nội trong thời gian tới. Ngoài ra ông lớn này còn đang “toan tính” mua lại các lô đất ở thị trường Việt để thực hiện nhiều dự án khu dân cư với tham vọng tung ra thị trường sản lượng khoảng 2.000 – 2.500 căn .

Bên cạnh đó, hơn 2 tỷ USD từ một nhóm các nhà đầu tư Nhật bản bao gồm Mitsubishi, Sumitomo, Taisei, Nomura, Haseko, Sanyo Homes, Daiwa House, Aeon and Toshin đang chờ rót vào các dự án phát triển phức hợp quy mô lớn tại các thành phố lớn của Việt Nam trong thời gian tới.

Với những tin vui này thị trường BĐS Việt Nam được mong chờ là sẽ bùng nổ với hàng loạt các dự án lớn của các đại gia, các ông lớn BĐS cả trong nước và nước ngoài trong thời gian tới. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top