Aa

Rộ “sóng ngầm” M&A

Thứ Sáu, 07/10/2016 - 16:31

Thị trường BĐS đang diễn ra cơn “sóng ngầm” về mua bán và sáp nhập (M&A) dự án khi những “tay chơi” BĐS máu mặt đang bắt đầu vươn cánh tay dài để thâu tóm các dự án của doanh nghiệp khác.

Gió thổi ngược chiều

M&A là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Mergers (sáp nhập) và Acquisitions (mua lại), là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp (gọi chung là doanh nghiệp) thông qua việc sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó.

Báo cáo của Diễn đàn mua bán, sáp nhập (M&A) 2016 mới đây cho thấy, BĐS tiếp tục là một trong số những ngành chiếm tỷ trọng lớn trong các thương vụ M&A tại Việt Nam.

Nếu như trước đây, doanh nghiệp ngoại đang chiếm thế thượng phong trong cuộc đua M&A dự án, thì trong năm 2016, doanh nghiệp nội đã chính thức lật ngược thế cờ quay lại thâu tóm các siêu dự án của doanh nghiệp ngoại.

Vốn được biết đến là một “ông lớn” trong ngành BĐS khi nắm trong tay hơn 30 dự án BĐS có quy mô lớn, tập trung chủ yếu ở thị trường TP.HCM nhưng gần đây, Novaland bắt đầu lấn sân sang thị trường BĐS miền Trung.

Novaland vừa mua lại cổ phần của Daewon

Novaland vừa mua lại cổ phần của Daewon, bắt đầu đầu tư vào Dự án KĐT lấn biển Đa Phước - Đà Nẵng

Cụ thể, Novaland vừa chính thức công bố thông tin đã mua lại cổ phần của Daewon và “bắt tay” với Công ty Bắc Nam 79, một đơn vị có uy tín tại Đà Nẵng để triển khai Dự án Khu đô thị lấn biển Đa Phước tại TP. Đà Nẵng. Đây là dự án khu đô thị lấn biển có quy mô lên đến hơn 180 ha.

Trước đó, Novaland cũng gây chú ý với thương vụ chi hơn 100 triệu USD mua lại hơn 80% cổ phần của Công ty cổ phần Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 (C21), qua đó toàn quyền quản lý, điều hành và phát triển Dự án Nam Rạch Chiếc, thuộc quận 2, TP. HCM. Đây là dự án có quy mô 30 ha, bị đắp chiếu trong nhiều năm qua. Sau khi mua lại, Novaland đang biến khu đất hoang hóa này thành một khu đô thị hiện đại mang tên Lakeview City.  

Một thương vụ M&A đình đám khác cũng được giới kinh doanh BĐS chú ý là vụ Tập đoàn Hưng Thịnh chi hàng trăm tỷ đồng mua lại Công ty TNHH Xây dựng thương mại Thuận Thành Phát, công ty con thuộc Công ty cổ phần Chương Dương (CDC). 

Theo tìm hiểu được biết, đây là công ty sở hữu Dự án Chung cư cao tầng Chương Dương Golden Land, diện tích 14.852 m2 tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP. HCM. Dự án này được thiết kế cao 22 tầng gồm 530 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở cho quy mô dân số hơn 2.000 người.

Sau thương vụ này, Hưng Thịnh đã có 3 dự án là Lavita Garden, Moonlight Residences và Chương Dương Golden Land. Ngoài ra theo một nguồn tin khác, doanh nghiệp vừa tiếp tục mua lại thành công thêm 6 dự án ở TP. HCM, tập trung chủ yếu tại quận Bình Thạnh và khu Đông, dự kiến sẽ chính thức công bố ra thị trường trong thời gian tới.

Thương vụ gây chú ý khác gần đây là Tập đoàn Rạng Đông thâu tóm tổ hợp nghỉ dưỡng 5 sao do tỷ phú Mỹ Larry Billbloom (ông chủ của Công ty chuyển phát nhanh DHL) nắm quyền, xây dựng để làm dự án Ocean Dunes tại Phan Thiết (Bình Thuận).

Sau đó, tập đoàn này đã bắt tay với Công ty Cổ phần Green Real – một công ty đầu tư và môi giới địa ốc hàng đầu tại TP.HCM để hợp tác đầu tư dự án.

Ocean Dunes là một tổ hợp biệt thự, nhà phố và khách sạn biển có quy mô lên tới 62 ha tại Trung tâm Phan Thiết, tổng mức đầu tư lên tới 2.600 tỷ đồng. Khi hoàn thiện dự án sẽ cung ứng ra thị trường 1.515 nhà phố, biệt thự hướng biển và khoảng 5.000 căn hộ cao cấp.

Cơ hội lập lại trật tự cho thị trường BĐS của các “ông lớn”

Theo phân tích của giới kinh doanh địa ốc, việc các doanh nghiệp có năng lực tài chính, có hoạt động đầu tư kinh doanh chuyên nghiệp mua lại những dự án "chết" là cơ hội để sắp xếp lại trật tự mới cho thị trường BĐS. Dẫn chứng thực tế là thời gian qua, sau khi được thay tên đổi chủ, hầu hết các dự án được tái khởi động và sớm mở bán ra thị trường.

Đơn cử như Dự án Nam Rạch Chiếc ở quận 2, TP. HCM được Novaland mua lại từ C21. Trước khi mua lại, dự án này là một khu đất bỏ hoang nhiều năm, hiện Novaland đang biến khu đất hoang hóa này thành một khu đô thị hiện đại.

Hay như Tổ hợp nghỉ dưỡng 5 sao do tỷ phú Mỹ Larry Billbloom nắm quyền, sau khi được Tập đoàn Rạng Đông thâu tóm để làm dự án Ocean Dunes tại Phan Thiết (Bình Thuận), chỉ sau một tháng mở bán thăm dò thị trường, dự án này đã bán được hơn 300 nền biệt thự, góp phần làm sôi động thị trường BĐS Phan Thiết. Và trong tháng 10 này, Green Real sẽ chính thức đem dự án này Bắc tiến.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh nhận định, hoạt động doanh nghiệp mạnh mua lại dự án hoặc cùng bắt tay hợp tác là hoạt động mang tính nhân văn rất lớn.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh nhận định, hoạt động doanh nghiệp mạnh mua lại dự án hoặc cùng bắt tay hợp tác là hoạt động mang tính nhân văn rất lớn.

Theo nhận định của Công ty JLL Việt Nam, trong giai đoạn suy thoái của thị trường BĐS giai đoạn 2009 - 2013, phần lớn bên bán là các chủ đầu tư trong nước gặp khó khăn về vốn và loay hoay tìm bài toán đầu ra.

Tuy nhiên, từ năm 2014, thị trường đã chứng kiến một cú lội ngược dòng khi chính các chủ đầu tư trong nước có tiềm lực mạnh về vốn đã chủ động tìm kiếm dự án, quỹ đất để phát triển...

Giới chuyên gia địa ốc đánh giá, các doanh nghiệp BĐS Việt Nam có thể nói đã đủ sức cạnh tranh với các công ty đa quốc gia. Đồng thời, nhà đầu tư trong nước ngày càng được đánh giá cao bởi lợi thế là sự thông hiểu về thị trường, hệ thống hành lang pháp lý, danh mục các BĐS đã được xác lập cùng tiềm lực về vốn và kinh nghiệm phát triển dự án được tích luỹ theo thời gian.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh nhận định, hoạt động doanh nghiệp mạnh mua lại dự án hoặc cùng bắt tay hợp tác là hoạt động mang tính nhân văn rất lớn. Mua bán dự án diễn ra càng mạnh mẽ sẽ càng góp phần tạo sự phát triển ổn định cho thị trường BĐS và kinh tế vĩ mô. Bởi lẽ, hoạt động mua bán dự án hiện nay có thể được hiểu là sự điều chuyển các dự án từ những doanh nghiệp không có nhu cầu hoặc thiếu tính chuyên nghiệp sang các doanh nghiệp chuyên nghiệp, mạnh về tài chính để triển khai, tránh tình trạng dự án bị đắp chiếu, hàng tồn kho gia tăng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top