Chủ tịch Nguyễn Trần Nam: “Sẽ xúc tiến cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ để tìm “lối đi” cho nhà giá rẻ”
Tại Hội nghị Ban Thường vụ Hiệp hội BĐS Việt Nam lần thứ 2, nhiệm kỳ IV diễn ra mới đây, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho biết Hiệp hội sẽ xúc tiến một cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ để tìm ra được nguồn vốn cho người dân mua nhà ở giá rẻ và sớm hình thành Quỹ tín thác BĐS.
Theo đánh giá của Chủ tịch Nguyễn Trần Nam, nhà giá rẻ hiện vẫn luôn là phân khúc cần được “giải khát” trong bối cảnh hiện nay.
Dẫn chứng cho nhận định này, ông Nam cho biết, tính đến hết quý II/2017, 70% nhu cầu khách mua nhà là phân khúc nhà giá rẻ tại các thành phố lớn và đô thị địa phương trong khi đó, thị trường lại có tới 80% nguồn cung là BĐS cao cấp.
Nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp ở các đô thị dự báo tới năm 2020 là 1 triệu căn, trong khi hiện tại mới chỉ đáp ứng hơn 10.000 căn/năm. Ở các khu công nghiệp, hiện nay mới có 20% người lao động có nơi ở ổn định.
Xem thêm tại đây.
Sacombank khẳng định không còn "dính dáng" đến vụ ông Trầm Bê
Liên quan về việc ông Trầm Bê - Nguyên Thành viên HĐQT và ông Phan Huy Khang - Nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sacombank bị khởi tố vào ngày 1/8/2017, Sacombank là ngân hàng đầu tiên đã lên tiếng về vụ việc này.
Sacombank khẳng định việc khởi tố ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang do có liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây Dựng, theo kết luận giám định của NHNN, Sacombank không có thiệt hại trong việc cho vay đối với 6 công ty liên quan đến ông Phạm Công Danh.
Các khoản vay trên, Sacombank đã thu hồi vốn và lãi đầy đủ từ tháng 4/2014. Ông Trầm Bê không còn đảm nhiệm bất kỳ chức vụ quản trị - điều hành nào tại Sacombank từ ngày 23/02/2017 và từ ngày 03/7/2017 đối với ông Phan Huy Khang.
Xem thêm tại đây.
Gần 10 tỷ ngân sách để xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường BĐS
Tại buổi họp báo thường ký quý II/2017 diễn ra tại Hà Nội chiều 2/8, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, hệ thống thông tin thị trường BĐS rất quan trọng, hiện, Bộ Xây dựng đang giao cho Trung tâm thông tin triển khai xây dựng và mất gần 10 tỷ tiền ngân sách xây dựng cơ sở dữ liệu.
Theo đó, tại họp báo, một vấn đề được báo chí đặt ra là việc kiểm soát sai lệch của các báo cáo thị trường BĐS.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, hệ thống thông tin thị trường BĐS rất quan trọng. Cơ quan Nhà nước dựa vào hệ thống thông tin để đánh giá, còn doanh nghiệp cần để giao dịch, mua bán. Bộ Xây dựng hàng tháng đều có báo cáo cho Bộ trưởng từ nguồn địa phương gửi về.
Ông Ninh cho biết, hiện pháp luật không cấm doanh nghiệp trao đổi thông tin, vấn đề là người sử dụng thông tin phải biết chọn lọc vì có những báo cáo không giống nhau và chưa chuẩn xác.
Xem thêm tại đây.
Công trình sai phép, không phép: “Cho tồn tại nếu phù hợp quy hoạch”
Những năm qua, hàng loạt công trình xây dựng sai phép, không phép diễn ra tràn lan tại các nhiều địa phương trên cả nước. Vi phạm trật tự xây dựng trên không chỉ diễn ra các công trình nhà dân, mà còn tồn tại các dự án nhà ở.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2017 ngày 2/8, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhận định, nhiều công trình sai phép cho tồn tại nếu như công trình đó phù hợp với quy hoạch, tất nhiên công trình muốn tồn tại phải nộp phần phạt chênh lệch tới 50% giá trị công trình đã xây sai phép.
Trước câu hỏi quan điểm của Bộ Xây dựng về việc sai phạm trật tự xây dựng ngày một nhiều, các địa phương nhiều nơi chỉ xử phạt hành chính, ít bị phá dỡ, ông Bùi Trung Dung, Cục trưởng cục hoạt động xây dựng cho hay, Luật Xây dựng 2014 không hành chính hóa trong công tác hành chính nhà nước. Công tác quản lý giấy phép xây dựng phải có quy hoạch về xây dựng, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc.
Xem thêm tại đây.
Trong khi hàng loạt doanh nghiệp báo lỗ lớn thì nhiều đại gia tiếp tục lãi to
Đã có nhiều doanh nghiệp địa ốc đang niêm yết công bố báo cáo tài chính quý 2/2017, theo đó đã lộ diện nhiều cái tên có mức lỗ lớn còn các "ông lớn", đại gia BĐS vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt.
Sau khi trải qua thời khủng hoảng, thị trường BĐS phân hóa khá mạnh. Nhiều doanh nghiệp có tên tuổi trong làng địa ốc ngã ngựa nhưng đó cũng là cơ hội của nhiều tập đoàn BĐS lớn, có tiềm lực phất lên mạnh mẽ. Quá trình thị trường phục hồi đã giúp nhiều đại gia địa ốc đang niêm yết trên sàn chứng khoán đạt được kết quả kinh doanh khả quan, ngược lại một số doanh nghiệp lại lún sâu vào khó khăn với những khoản lỗ lớn.
Điển hình như công ty CP Kinh doanh & Phát triển Bình Dương (TDC) trong quý 2 này ghi nhận con số lỗ nặng nhất trong hơn 7 năm qua, với hơn 62 tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu thuần TDC gần 184 tỷ đồng, giảm 27% so cùng kỳ năm trước, kéo theo đó là lãi gộp giảm 17%, còn hơn 34 tỷ đồng.
Trái ngược với tình hình kinh doanh bết bát của những doanh nghiệp trên, nhiều "ông lớn" và đại gia địa ốc vẫn duy trì hoạt động kinh doanh khả quan và đà tăng trưởng tốt, mặc dù theo nhiều nhận định cho thấy thị trường địa ốc trong nước còn nhiều khó khăn, tốc độ bán hàng đang chững lại.
Chẳng hạn kết thúc quý 2/2017, Tập đoàn Vingroup (VIC) ghi nhận 19.538 tỷ đồng doanh thu và 1.891 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn đạt 1.017 tỷ đồng. Báo cáo tài chính của "ông lớn" Novaland (NVL) cho thấy doanh thu thuần của công ty đạt hơn 1.442 tỷ đồng giảm khoảng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, tập đoàn này vẫn báo lãi hơn 432 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt hơn 841 tỷ đồng lợi nhuận.
Xem thêm tại đây.