Aa

Hàng loạt dự án lớn mắc kẹt, Bộ Công Thương báo cáo khẩn Chính phủ

Thứ Bảy, 18/05/2019 - 07:02

Bộ Công Thương và một loạt các bộ ngành, địa phương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về việc vướng mắc triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý ngành theo luật Quy hoạch mới.

Trước việc có tới 368 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đang không thể triển khai vì vướng mắc quy hoạch, Bộ Công Thương và nhiều địa phương đã có báo cáo khẩn gửi Chính phủ đề nghị sớm tháo gỡ.

Bộ Công Thương và một loạt các bộ ngành, địa phương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về việc vướng mắc triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý ngành theo luật Quy hoạch mới.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, bộ này đã và đang tiếp nhận gần 370 đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, trong đó có tới 277 dự án nguồn điện, 91 dự án lưới điện. Tính trung bình hàng năm, cơ quan này tiếp nhận đề nghị bổ sung điều chỉnh quy hoạch với khoảng 100 dự án nguồn và lưới điện.

Trong đó, có khoảng 40% dự án lưới điện 220kV, 110kV; 45% dự án nguồn điện sạch bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và 15% dự án nguồn điện đề nghị bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Số lượng dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tăng đột biến, có không ít dự án đã được Thủ tướng có văn bản đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch nhưng hiện Bộ Công Thương chưa có căn cứ để triển khai thực hiện.

Cụ thể, về nguồn điện, hiện số dự án nhà máy điện khí LNG xin bổ sung quy hoạch là 5 dự án. Dự án điện chất thải rắn đề nghị bổ sung là 3 dự án. Cùng đó có 66 dự án điện gió. Tương tự, về lưới điện đang chờ điều chỉnh quy hoạch cũng có tới 91 dự án, gồm 4 dự án lưới điện 500kV, 64 dự án lưới điện 220kV cùng 23 dự án lưới điện 110kV.

Nhiều dự án ngành điện và năng lượng tái tạo gặp vướng vì Luật Quy hoạch.

Nhiều dự án ngành điện và năng lượng tái tạo gặp vướng vì Luật Quy hoạch.

Theo đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, đến nay công suất đăng kí của các dự án điện gió và điện mặt trời đang chờ “xếp chỗ” lên đến trên 20.000MW. Điểm tắc hiện nay ở chỗ theo luật Quy hoạch mới, ngành điện chỉ còn quy hoạch điện quốc gia và phần điện lực được tích hợp trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương (quy hoạch tỉnh) nhưng cả 2 loại này đều do Thủ tướng phê duyệt.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương kiến nghị trước khi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Quy hoạch tỉnh giai đoạn mới được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Công Thương thực hiện bổ sung quy hoạch như quy định trước đây.

Cụ thể, Bộ Công thương tiếp tục thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt các dự án nguồn điện có công suất trên 50MW. Đối với các dự án nguồn điện từ 50MW trở xuống, Bộ Công thương thẩm định và phê duyệt bổ sung quy hoạch.

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng cho biết, hiện có nhiều dự án công nghiệp đang vướng mắc và phải treo lại do những quy định trong luật quy hoạch. Như trong lĩnh vực khoáng sản, nếu thực hiện theo luật Quy hoạch mới thì sẽ không có một dự án mới nào được bổ sung, đưa vào khai thác trong vài ba năm tới.

Điều này xuất phát từ việc trước đây, nếu để lập một quy hoạch khoáng sản mất khoảng vài tháng đến nửa năm là nhanh thì nay do yêu cầu tích hợp nên hàng chục loại khoáng sản từ quặng sắt, bauxite, ti tan đều nằm trong một quyết định.

Nan giải ở chỗ từng loại khoáng sản đó phải trùng khớp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Vì vậy không biết Bộ phải trình tỉnh quy hoạch khoáng sản hay tỉnh phải trình Bộ để xem có tích hợp được không.

Theo thống kê, hiện có 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh chưa thể triển khai do chưa có hướng dẫn cụ thể. Cùng đó, khoảng 25 quy hoạch các ngành như quy hoạch khoáng sản, điện lực, cấp nước của các vùng kinh tế trọng điểm không thể ban hành do vướng từ Luật Quy hoạch mới.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường, hiện nay có 5 địa phương chưa thể ban hành quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 2016 - 2020 là TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Cà Mau và Hải Dương.

Ngoài ra, hàng loạt địa phương muốn điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cũng bị mắc kẹt. Ví dụ, tại Ninh Thuận và Bình Thuận không thể chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch ti tan trước đây sang để phát triển các dự án công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng hay các dự án điện mặt trời.

Trước những vướng mắc của các dự án, Chính phủ vừa có văn bản gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin phép trình Quốc hội ban hành nghị quyết để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do thực hiện Luật Quy hoạch. Theo đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội gia hạn hiệu lực của các quy định pháp luật có liên quan đến quy hoạch tại 73 luật, pháp lệnh được ban hành trước khi Luật Quy hoạch được thông qua cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 được phê duyệt.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top