Tháng 1/2025 đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam với việc hàng loạt luật mới chính thức có hiệu lực. Những thay đổi này bao gồm các lĩnh vực then chốt như đầu tư công, quản lý tài chính, đấu giá tài sản, quy hoạch đô thị và nông thôn... Việc Quốc hội thông qua và ban hành các luật mới này thể hiện nỗ lực của Nhà nước trong việc hoàn thiện khung pháp lý, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư.
Được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2024 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, Luật Đầu tư công 2024 thay thế Luật Đầu tư công năm 2019. Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 7 Chương 103 Điều, quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.
Luật này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Đầu tư công (sửa đổi) là thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C. Việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý là thay đổi lớn từ thẩm quyền của HĐND các cấp sang UBND các cấp.
Để bảo đảm tính chặt chẽ, Luật đã bổ sung thẩm quyền “quyết định chủ trương đầu tư dự án” đi đôi với trách nhiệm “báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất”.
Về quy định hạn mức 20% vốn cho các dự án kéo dài qua hai kỳ trung hạn tại Điều 93, Luật Đầu tư công sửa đổi vẫn giữ nguyên quy định này. Tuy nhiên, Luật bổ sung thêm các quy định chi tiết hơn, áp dụng cho chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội; dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; và chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài. Đặc biệt, Luật cũng cho phép vượt hạn mức 20% trong một số trường hợp cụ thể, với điều kiện cấp có thẩm quyền phải báo cáo để được phép quyết định vượt mức, nhưng mức vượt không được quá 50% số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước.
Luật cũng quy định rõ ràng về các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng. Đó là việc cho phép tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án độc lập; giao cho một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án đi qua địa bàn từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; và cho phép Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bố trí vốn ngân sách địa phương để ủy thác thực hiện các chính sách tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Luật sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2024 được Quốc hội thông qua vào chiều 29/11 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ một số quy định cụ thể.
Theo đó, Luật sửa đổi bổ sung 25 Điều của Luật Chứng khoán, tập trung sửa đổi các quy định về nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán (như quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; chào bán chứng khoán ra công chúng; chào bán chứng khoán riêng lẻ...), tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Ngoài ra, Luật còn sửa đổi bổ sung một số quy định nhằm tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện được hoạt động bù trừ, thanh toán các giao dịch chứng khoán trên thị trường theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Về Luật Ngân sách nhà nước, Luật sửa đổi, bổ sung 8 Điều. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung một số vướng mắc, bất cập liên quan đến cơ chế cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn, hỗ trợ các địa phương khác và chi viện trợ.
Đồng thời, Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về chi ngân sách nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ từ cả nguồn chi đầu tư và thường xuyên nhóm quy định về chi đầu tư phát triển theo quy định của Luật Đầu tư công và nội dung chi đầu tư phát triển khác; các quy định về đối tượng được phân bổ và giao dự toán ngân sách; bổ sung quy định về giao Chính phủ, UBND triển khai phân bổ đối với khoản dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên chưa phân bổ giao chi tiết. Bổ sung cơ chế tài chính đặc thù để thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
Tiếp đó, Luật sửa đổi, bổ sung 31 Điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung quy định về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công; sửa đổi, bổ sung các quy định về việc áp dụng pháp luật giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với các văn bản quy phạm pháp luật khác như bổ sung quy định về quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên được thực hiện theo quy định của pháp Luật về đất đai, tài nguyên và pháp luật có liên quan; bổ sung quy định việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; việc quản lý, sử dụng tài sản công tại doanh nghiệp được thực hiện theo các quy định có liên quan, không phải thực hiện sắp xếp lại theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Luật Đấu giá tài sản đã được Quốc hội thông qua những sửa đổi quan trọng vào ngày 27/6/2024, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Luật gồm 03 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 43 điều; bổ sung 02 điều mới; bãi bỏ 02 điều và một số điểm, khoản của Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
Thứ nhất, liên quan đến các quy định về đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, Luật đã loại bỏ yêu cầu 03 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực được đào tạo để tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá và bỏ quy định miễn đào tạo nghề. Thay vào đó, Luật bổ sung trách nhiệm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đấu giá viên. Đồng thời, mở rộng quyền hạn cho tổ chức đấu giá tài sản, cho phép họ đấu giá tài sản thuộc sở hữu cá nhân, tổ chức. Luật cũng quy định cụ thể hơn về các trường hợp và thủ tục thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản.
Thứ hai, về trình tự, thủ tục đấu giá: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản kế thừa quan điểm Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định thống nhất trình tự, thủ tục đấu giá cho các loại tài sản phải bán qua đấu giá theo quy định pháp luật. Các giai đoạn trước và sau đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Để đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch và khách quan, Luật đã hoàn thiện trình tự, thủ tục thông qua việc sửa đổi, bổ sung các quy định về: niêm yết, thông báo công khai, bán/tiếp nhận hồ sơ, tiền đặt trước, địa điểm tổ chức, trình tự tiến hành các hình thức đấu giá. Đặc biệt, Luật bổ sung trình tự, thủ tục riêng cho một số tài sản đặc thù, nhằm nâng cao hiệu quả xử lý tài sản, nhất là tài sản công.
Thứ ba, về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động đấu giá: Luật bổ sung quyền và nghĩa vụ cho người có tài sản đấu giá, bao gồm quyền quyết định áp dụng bước giá tại các vòng đấu giá và trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc tổ chức đấu giá. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trong việc việc: xây dựng, quản lý và hướng dẫn sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia; quy định chương trình, nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ cho đấu giá viên; quy định chi phí đăng thông báo lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, chi phí thông báo công khai việc đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, chi phí sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia và các chi phí liên quan khác.
Thứ tư, về thủ tục hành chính: Luật bổ sung các thủ tục hành chính mới liên quan đến tổ chức đấu giá tài sản: thủ tục thay đổi địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp đấu giá tài sản từ tỉnh, thành phố này sang tỉnh, thành phố khác; thủ tục thay đổi địa chỉ trụ sở của chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản trong phạm vi tỉnh, thành phố; thủ tục thay đổi địa chỉ trụ sở của chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản từ tỉnh, thành phố này sang tỉnh, thành phố khác; thủ tục cấp lại giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản do bị mất, rách, cháy hoặc tiêu hủy.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu đã được Quốc hội thông qua vào ngày 29/11, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8. Luật này có hiệu lực từ ngày 15/01/2025.
Về điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia, Luật sửa 4 Luật quy định việc điều chỉnh phải tuân thủ Luật Quy hoạch, không áp dụng thủ tục rút gọn tại các luật chuyên ngành để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Luật cho phép các địa phương đang thực hiện theo Luật Thủ đô và Nghị quyết đặc thù được lựa chọn áp dụng quy định đặc thù hoặc quy định của Luật; bãi bỏ Điều 39 và 40 Luật Thủ đô để thống nhất áp dụng quy định về PPP. Các nội dung sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch liên quan được hợp nhất vào Luật sửa 4 Luật.
Liên quan đến Luật Đấu thầu, Luật sửa 4 Luật đã sửa đổi quy định áp dụng Luật Đấu thầu đối với các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi. Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Đấu thầu, yêu cầu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi đàm phán, ký điều ước quốc tế, thỏa thuận vay có quy định về đấu thầu khác hoặc chưa được quy định tại Luật, điều này sẽ kéo dài quá trình đàm phán, ký kết, phát sinh thêm thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Để giải quyết vướng mắc trên, Luật sửa 4 Luật đã chuyển thẩm quyền này từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sang Chính phủ, tạo thuận lợi cho việc huy động vốn, phù hợp với thực tiễn trong quá trình đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận vay.
Về lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, Luật sửa 4 Luật đã chỉnh lý Điều 29 Luật Đấu thầu theo hướng quy định nguyên tắc áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt và giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu triển khai các dự án đặc thù, không thể thực hiện qua đấu thầu thông thường, Luật sửa 4 Luật đã bổ sung Điều 34a quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo hướng quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Ngoài ra, Luật sửa 4 Luật nâng hạn mức chỉ định thầu lên 300 triệu đồng cho gói thầu mua sắm không hình thành dự án, không phân biệt vốn thường xuyên và đầu tư công; bổ sung trường hợp chỉ định thầu cho gói thầu khai quật khảo cổ, phục hồi di tích cấp quốc gia, di tích cấp quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới; sửa đổi quy định về cạnh tranh giữa nhà thầu và tư vấn; áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ cho gói thầu kỹ thuật cao; cho phép cơ sở y tế công lập tự quyết mua sắm thuốc, thiết bị y tế, vắc xin dịch vụ.