Aa

Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi): Chính thức được tách GPMB thành dự án độc lập

Thứ Sáu, 29/11/2024 - 17:16

Luật Đầu tư công (sửa đổi) là một trong những luật được Quốc hội thông qua chiều 29/11, với tỷ lệ tán thành cao và nhiều điểm mới đáng chú ý.

Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 7 chương, 103 Điều, quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.

Luật này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đi đôi với trách nhiệm báo cáo

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Đầu tư công (sửa đổi) là thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C.

Theo đó, việc phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý là thay đổi lớn từ thẩm quyền của HĐND các cấp sang UBND các cấp.

Để bảo đảm tính chặt chẽ, Luật đã bổ sung thẩm quyền "quyết định chủ trương đầu tư dự án" đi đôi với trách nhiệm "báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất".

Cũng trên tinh thần đổi mới, tăng cường tính linh hoạt trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, Luật mới giao Thủ tướng quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương trong các trường hợp cụ thể.

Đó là trường hợp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giữa các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong trường hợp không vượt tổng mức vốn trung hạn đã được Quốc hội quyết định, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất;

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong nội bộ và giữa các ngành, lĩnh vực, chương trình của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn trung hạn của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được Quốc hội quyết định.

Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi): Chính thức được tách GPMB thành dự án độc lập- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Có quyền tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập

Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã có các quy định nhằm phân loại dự án đầu tư công. Trong đó, cấp có thẩm quyền khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C có quyền quyết định việc tách hoặc không tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập.

Luật cũng quy định các tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C. Trong đó, dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí như:

Sử dụng vốn đầu tư công từ 30.000 tỷ đồng trở lên; ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500ha trở lên.

Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác; Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Đồng thời, các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng cũng được quy định trong luật như: Tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án độc lập; Giao 1 UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đi qua địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.

Luật cũng cho phép HĐND cấp tỉnh bố trí vốn ngân sách địa phương để uỷ thác thực hiện các chính sách tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi): Chính thức được tách GPMB thành dự án độc lập- Ảnh 2.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi). (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Quy định nguyên tắc quản lý chặt chẽ

Luật Đầu tư công (sửa đổi) cũng quy định chặt chẽ về nguyên tắc quản lý.

Trong đó, 5 nguyên tắc quản lý đầu tư công là: (1) tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công; (2) phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch; (3) thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến đầu tư công; (4) quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; (5) bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; không để thất thoát, lãng phí, bảo đảm công khai, minh bạch.

Luật mới cũng nghiêm cấm quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, nghiêm cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; đưa, nhận, môi giới hối lộ; làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, nhiệm vụ, dự án; sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức…

Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top