Aa

Sửa Luật Đấu giá tài sản có ngăn được bỏ cọc đấu giá đất?

Thứ Năm, 17/08/2023 - 07:00

Chiều 16/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Nghiên cứu quy định tiền đặt trước căn cứ theo quy mô diện tích đất đấu giá

Thẩm tra sơ bộ, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Liên quan đến quy định về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước (sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 39), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, có ý kiến cho rằng quy định tại khoản 1 Điều 39 (tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước), mức thu tiền đặt cọc trong đấu giá quyền sử dụng đất có biên độ áp dụng quá lớn, không thống nhất (có nơi cao, nơi thấp khác nhau). Điều này dẫn đến xuất hiện hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường nhằm trục lợi.

Theo một số ý kiến, việc nâng tỷ lệ tiền đặt trước tối thiểu lên 10% khi đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư (khoản 1a Điều 39), tăng 5% so với các tài sản đấu giá thông thường (mức tiền đặt trước tối thiểu của tài sản thông thường là 5%) sẽ giúp hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định tỷ lệ tiền đặt trước quá cao dẫn đến những rào cản kỹ thuật, làm mất tính cạnh tranh của cuộc đấu giá.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu điều chỉnh biên độ chênh lệch giữa mức tiền đặt trước tối thiểu và tiền đặt trước tối đa một cách hợp lý, khả thi; cân nhắc quy định khoản tiền đặt trước căn cứ theo quy mô diện tích đất đấu giá hoặc căn cứ theo giá trị của tài sản đấu giá.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về thời gian và chế tài thực hiện nghĩa vụ tài chính trong trường hợp trúng đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng lũng đoạn, gây rối loạn thị trường; nếu quá thời gian này mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải hủy kết quả đấu giá.

Trường hợp này cần làm rõ cấp có thẩm quyền hủy kết quả trúng đấu giá, nhất là đối với tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất trong trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, theo báo cáo thẩm tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá (Điều 48), đề nghị nghiên cứu quy định thời hạn người trúng đấu giá nộp đủ tiền cho phù hợp với thực tế vì có ý kiến cho rằng quy định thời hạn sau 120 ngày nếu bên trúng đấu giá không nộp đủ tiền thì mới được hủy kết quả trúng đấu giá đất là quá dài đối với những tài sản trúng đấu giá có giá trị nhỏ.

Tuy nhiên, nếu rút ngắn thời hạn nộp tiền thì có thể gây khó khăn cho người trúng đấu giá nếu số tiền phải nộp lớn. Do đó, đề nghị nghiên cứu quy định thời hạn nộp tiền hợp lý, khả thi, phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Có khắc phục được bỏ cọc như vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm về 2 vấn đề lớn của dự thảo luật.

Nội dung lớn nhất là quan hệ của luật này với hệ thống pháp luật. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã nói tại phiên chất vấn ngày 15.8 thì đây là luật “hình thức”, nội dung lại nằm ở luật khác.

“Luật “hình thức” thì quy định đến đâu và quy định cái gì? Phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật đã đầy đủ chưa khi tài sản “vô hình” đang có xu hướng phát triển, đồng thời đặt vấn đề có đem ra đấu giá không, đấu giá như thế nào đối với tài sản này”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ quốc tế có đấu giá lên và đấu giá xuống, nhưng đấu giá ở Việt Nam chỉ có đấu giá lên, vậy có áp dụng đấu giá xuống không và vì sao?

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, quy định đấu giá tài sản “nóng” lên sau khi vụ đấu giá đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM (Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc sau khi trúng đấu giá lô đất với giá trúng là 24.500 tỷ đồng), vậy việc sửa đổi, bổ sung luật có khắc phục được ví dụ điển hình này không.

“Việc sửa luật có giải quyết được khó khăn vướng mắc hiện nay về đấu giá tài sản?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ quy định nguyên tắc, trình tự thủ tục đối với đấu giá tài sản thi hành án, tài sản công ở nước ngoài; đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính; đáp ứng điều kiện để thực hiện 3 hình thức đấu giá hiện nay (bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, đấu giá trực tuyến).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top