TP Biên Hoà chuyển đổi hàng ngàn hécta đất
UBND TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đang triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với hồ sơ lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, TP Biên Hòa sẽ chuyển đổi 3.606 ha diện tích đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp và không còn diện tích đất trồng lúa.
Diện tích 3.606 ha đất nông nghiệp sẽ được chuyển đổi sang đất ở đô thị 2.225ha; đất khu công nghiệp 101ha, đất thương mại, dịch vụ 231ha, đất phát triển hạ tầng 636ha… Trong khi đó, đất trồng cây hàng năm quy hoạch đến năm 2030 là 1.597ha so với hiện trạng 2019 là 3.615ha. Diện tích đất giảm 1.443ha sẽ chuyển sang đất thương mại, dịch vụ (84ha), đất hạ tầng (218ha), đất ở đô thị (968ha), đất công cộng (53,7ha)…
Đất nuôi trồng thủy sản còn 146,5ha, giảm 153ha chuyển sang đất để thực hiện công trình Cảng Đồng Nai mở rộng, bến xe Hóa An, Hương Lộ 2… Đất nông nghiệp khác còn 23ha, giảm 6,4ha chuyển sang đất thực hiện công trình cụm công nghiệp Phước Tân, đường sắt Trảng Bom-Hòa Hưng…
Ngược lại, đối với đất phi nông nghiệp, đến năm 2030, sẽ tăng thêm 3.612ha so với hiện trạng năm 2019, lên mức 22.163ha. Trong đó, đất ở tại đô thị tăng thêm 2.499ha, lên 7.016ha. Đất ở tại nông thôn cũng tăng gần 15ha lên 378ha, do thực hiện các dự án khu dân cư tại xã Long Hưng.
Đáng chú ý, kế hoạch sử dụng đất năm 2021 đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt cũng cho thấy, tỉnh này sẽ chuyển đổi hơn 20.000 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để làm dự án trên các lĩnh vực. Những địa phương cần nhiều đất cho dự án là TP Biên Hoà và các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc.
Chủ tịch Đồng Nai "vẽ đường" cho doanh nghiệp né đấu giá khu đất giấy Tân Mai?
Liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án nhà ở, ngày 21/9/2020, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra văn bản số 11171/TB-UBND, Thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, tại buổi làm việc về nội dung đề nghị đầu tư dự án khu Trung tâm thương mại dịch vụ dân cư tại phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa.
Văn bản cho biết, ngày 3/9/2020, ông Cao Tiến Dũng đã chủ trì buổi làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai và Công ty Cổ phần bất động sản Tân Mai về việc đề nghị đầu tư dự án khu Trung tâm thương mại dịch vụ dân cư tại phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa. Cuộc họp còn có sự tham gia của đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Công thương, Chi Cục thuế, và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Biên Hòa.
Sau khi nghe Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai, Công ty cổ phần bất động sản Tân Mai báo cáo, cũng như tổng hợp ý kiến của các Sở, ngành, UBND thành phố Biên Hòa tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh - Cao Tiến Dũng kết luận chỉ đạo như sau:
Trước đây, thực hiện theo Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị, UBND tỉnh đã hỗ trợ, thỏa thuận địa điểm cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai và sau đó là Công ty Cổ phần bất động sản Tân Mai lập thủ tục đầu tư dự án theo quy hoạch góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, đến nay thời hạn thỏa thuận địa điểm và thời hạn sử dụng đất của Công ty Cổ phần Tập đoàn tân Mai đã hết và Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực do bãi bỏ tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ. Đồng thời Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ không quy định về việc doanh nghiệp di dời được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án tại vị trí cũ theo quy hoạch.
Thực hiện Luật Đầu tư năm 2014, Công ty Cổ phần bất động sản Tân Mai nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư dự án, trước vướng mắc chưa có quyết định xử lý nội dung này, UBND tỉnh đã có Công văn số 5594/UBND-KTN ngày 19/5/2020 đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn giải quyết. Tuy nhiên đến nay, UBND tỉnh chưa nhận được hướng dẫn.
Do đó, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nói trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai, Công ty Cổ phần bất động sản Tân Mai có văn bản báo cáo cụ thể quá trình thực hiện dự án trước đây, nêu rõ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị gửi UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường để UBND tỉnh có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Theo các chuyên gia, quy định hiện hành bắt buộc khu đất nhà máy muốn chuyển sang làm dự án nhà ở phải thông qua đấu thầu hoặc đấu giá để tránh thất thoát tài sản nhà nước. Trường hợp chỉ định chủ đầu tư phải có chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, doanh nghiệp và UBND tỉnh Đồng Nai lấy lý do gì để thuyết phục Thủ tướng đồng ý chỉ định chủ đầu tư là vấn đề không dễ dàng.