Cạnh tranh khốc liệt
Theo thống kê của Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), tính đến cuối tháng 2/2017, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 29.573 tỷ đồng, giảm 1.450 tỷ đồng so với tháng 12/2016, tương đương mức giảm 4,67%.
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI đổ vào BĐS trong 2 tháng đầu năm 2017, theo Cục đầu tư nước ngoài, đã lên tới 345 triệu USD , chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư, cho thấy BĐS vẫn duy trì sức hấp dẫn của một kênh đầu tư hiệu quả không chỉ với các nhà đầu tư trong nước mà cả với nhà đầu tư nước ngoài.
Theo số liệu mới công bố gần đây của Tổng cục thống kê chỉ ra rằng, kinh doanh BĐS là lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký trong 2 tháng đầu năm tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước (tăng 43,4% về số doanh nghiệp và tăng 63,8% về vốn đăng ký), trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể của lĩnh vực này lại giảm 22,1% so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế này cho thấy thị trường BĐS đang có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Đây cũng được cho là yếu tố ảnh hưởng nhất đến mục tiêu tăng trưởng của các doanh nghiệp BĐS, với tỷ lệ 54,5% số doanh nghiệp khảo sát lựa chọn “đối thủ cạnh tranh trong ngành” là rào cản tăng trưởng trong năm 2017.
Lĩnh vực xây dựng và kinh doanh vật liệu xây dựng có tiềm năng tăng trưởng rất lớn
Báo cáo của Vietnam Report cho biết, năm 2016 được đánh giá là một năm bứt phá mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp xây dựng. Chỉ tính riêng các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, tính đến cuối tháng 2/2017, có 111/119 doanh nghiệp nhóm ngành xây dựng đang niêm yết công bố báo cáo tài chính quý 4/2016, trong đó 104 doanh nghiệp báo lãi (chiếm tỷ lệ 87,4%) và 7 doanh nghiệp thua lỗ (chiếm tỷ lệ 5,9%). Bên cạnh đó, Tổ chức nghiên cứu quốc tế Business Monitor International - BMI dự báo, tốc độ tăng trưởng thực trung bình của ngành xây dựng vào khoảng 6%/năm trong giai đoạn 2016 - 2024 (cao hơn mức trung bình 4,4%/năm của giai đoạn 2013 - 2015).
Khảo sát các doanh nghiệp nhóm xây dựng, kinh doanh vật liệu xây dựng cho thấy, phần đông (71,4%) các doanh nghiệp đánh giá nhu cầu xây dựng nhà ở, công trình dân dụng trong năm 2017 có xu hướng tăng lên, 28,6% còn lại cho rằng nhu cầu không thay đổi so với năm trước đó. Rõ ràng, tiềm năng tăng trưởng của ngành hiện nay là rất lớn. Nếu tận dụng tốt cơ hội, các doanh nghiệp xây dựng – vật liệu xây dựng hoàn toàn có thể sớm đạt, thậm chí vượt xa mức kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2017.
Ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ tạo điều kiện hoạt động tốt hơn cho các doanh nghiệp BĐS – xây dựng – vật liệu xây dựng
Theo ý kiến của các doanh nghiệp khảo sát, để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn, Chính phủ trong thời gian tới cần ưu tiên mục tiêu “ổn định kinh tế vĩ mô” (68,7% lựa chọn) và “cải thiện cơ sở hạ tầng” (61,5% lựa chọn). Thực tế cho thấy, nhiều công trình dân dụng được xây dựng đảm bảo mỹ quan, chất lượng công trình tốt, giá cả phù hợp, tuy nhiên nằm ở vị trí khá xa trung tâm nên kém hấp dẫn khách hàng hơn. Nếu cơ sở hạ tầng, giao thông được cải thiện, đây sẽ là những dự án “vàng” trong bối cảnh nhu cầu nhà ở đang tăng cao như hiện nay.
Ngoài những chính sách cơ bản được khảo sát, một số doanh nghiệp nhận định, việc cung cấp thông tin thị trường liên tục, thường xuyên và chính xác sẽ hỗ trợ doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan về xu hướng thị trường để xây dựng chiến lược và phân khúc khách hàng thích hợp.
Trong một cuộc trao đổi gần đây, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho biết: "Trong năm nay, thị trường BĐS sẽ tiếp tục phát triển ổn định. Cơ sở cho nhận định này, ngoài nhu cầu nhà ở của người dân, các yếu tố như sự phát triển ổn định của nền kinh tế với mức tăng trưởng bình quân trên 6%/năm, các chính sách của Chính phủ đều hướng đến việc hỗ trợ cho thị trường phát triển minh bạch và bền vững, các doanh nghiệp đầu tư BĐS có tính chuyên nghiệp cao, nghiên cứu thị trường rất kỹ trước khi đầu tư…".