Sáng 9/8, thông tin từ Ban quản lý các khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế (BQL), xác nhận cơ quan này đã nhận công văn của doanh nghiệp tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đề nghị hỗ trợ để cho công nhân đi làm khi đang áp dụng Chỉ thị 15/ CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, hiện có nhiều công nhân làm việc tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô vẫn chưa được phép ra khỏi 5 thôn của xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Việc không ra được khỏi các thôn gây ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh, vận hành của một số nhà máy, công xưởng ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Trước kiến nghị này, BQL đã có báo cáo ngày 9/8 gửi đến Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh Thừa Thiên - Huế để xin ý kiến chỉ đạo.
“Phép vua thu lệ làng”
Theo tìm hiểu của Reatimes, sau thời gian quy định thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, 5 thôn: Thủy Yên Hạ, Thủy Yên Thượng, Thủy Yên Thôn, An Bàng và Thủy Cam của xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định áp dụng thay đổi biện pháp phòng chống dịch, chuyển từ Chỉ thị 16 (phong tỏa, cách ly tạm thời) sang thực hiện theo Chỉ thị 15 (giãn cách xã hội) từ ngày 28/7. Tuy nhiên, từ 28/7 đến nay, người dân trong thôn bị hạn chế đi lại một cách cứng nhắc, trong đó có rất nhiều công nhân làm việc tại các nhà máy, công xưởng tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô không được phép ra khỏi thôn nên ảnh hưởng lớn đến quy trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ghi nhận của PV Reatimes sáng 9/8, tức nhiều ngày sau khi xã Lộc Thủy trở lại bình thường và 8 ngày sau khi 5 thôn kể trên của xã Lộc Thủy chuyển từ biện pháp phong tỏa, cách ly tạm thời sang giãn cách xã hội, nhưng rất nhiều công nhân cư trú tại 5 thôn nêu trên vẫn chưa thể đến công xưởng làm việc. Theo tìm hiểu sơ bộ, chỉ tính riêng số công nhân thuộc Nhà máy chế xuất Billion Max của Công ty Bilion Max International Develomennt Limited (đóng tại xã Lộc Vĩnh) và Công ty Cổ phần bánh kẹo One One miền Trung (đóng tại xã Lộc Tiến) đã có hơn 140 lao động tại 5 thôn vừa kể. Hầu hết trong số những người này đến sáng 9/8 vẫn chưa thể trở lại nhà máy do chưa thể ra được khỏi thôn vì thực hiện biện pháp phòng chống dịch một cách khó hiểu. Trao đổi với PV về lý do cấm cản người dân ra khỏi 5 thôn đang thực hiện giãn cách xã hội của xã, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã đều phủ nhận việc chỉ đạo cấm cản này. Tuy nhiên, người dân và công nhân thì cho biết họ bị kiểm soát chặt khi đi lại, riêng các công nhân thì không thể đến nhà máy.
Trước tình trạng rất nhiều công nhân không đến được nhà máy trong một thời gian dài, nhất là bị “cầm chân” trong các thôn giãn cách xã hội, doanh nghiệp tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã gửi công văn đến BQL “cầu cứu”, trong đó bày tỏ sự không hài lòng trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tại xã Lộc Thủy trong công tác phòng chống dịch.
Trao đổi với PV Reatimes về vấn đề này, đại diện BQL nói rằng: “Ban cũng rất lấy làm khó hiểu vì sao tại xã Lộc Thủy lại áp dụng biện pháp phòng chống dịch như vậy”, trong khi UBND tỉnh đã tháo gỡ biện pháp phong tỏa, cách ly tạm thời; các doanh nghiệp thì tuân thủ phòng chống dịch, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Việc triển khai, điều hành công tác phòng chống dịch Covid-19 là do chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương thực hiện. Ban cũng đã báo cáo sự việc này với Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo của UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và được chỉ đạo là ngày 10/8 sẽ tháo gỡ biện pháp giãn cách tại 5 thôn của xã Lộc Thủy đang áp dụng giãn cách, do đó công nhân có thể đi làm trở lại bình thường”, đại diện BQL tỉnh nói.
Sản xuất đình trệ do “đứt dây chuyền”
Việc áp dụng biện pháp phòng chống dịch kiểu “phép vua thua lệ làng” như tại xã Lộc Thủy đã đẩy doanh nghiệp vốn khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, càng khó khăn hơn. Ghi nhận tại Công ty Bilion Max International Develomennt Limited, doanh nghiệp nước ngoài có số công nhân lớn hàng đầu tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, đến ngày 9/8, nhịp độ làm việc, sản xuất tại công xưởng, nhà máy của công ty vẫn còn bị đình trệ do thiếu vắng nhiều công nhân.
Trao đổi với Reatimes, lãnh đạo Công ty Bilion Max International Develomennt Limited cho biết, trong hơn 1.800 công nhân toàn công ty, số lao động cư trú ở xã Lộc Thủy có 285 người, trong đó gần 129 người sống tại 5 thôn Thủy Yên Hạ, Thủy Yên Thượng, Thủy Yên Thôn, An Bàng và Thủy Cam của xã Lộc Thủy. Đến sáng 9/8, số công nhân này vẫn chưa thể đến công ty làm việc trở lại dù đã hết phong tỏa phòng chống dịch bệnh đã hơn 2 tuần. Bilion Max là doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ chơi bằng nhựa, sản phẩm cho trẻ sơ sinh, sản phẩm giám sát/báo động, thiết bị âm thanh và đèn cảnh quan ngoài trời phục vụ xuất khẩu. Doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô từ năm 2019.
“Toàn bộ quy trình sản xuất của chúng tôi đều theo dây chuyền vì thế khi công nhân, người lao động nghỉ, vắng sẽ gián đoạn, “đứt” dây chuyền sản xuất. Để khắc phục, chúng tôi tuyển người lao động khác vào thế chỗ số công nhân nghỉ nhưng nếu tuyển công nhân mới vào rồi, số công nhân cũ đi làm trở lại thì bố trí vào đâu? Đây là điều rất khó cho chúng tôi”, một lãnh đạo Công ty Bilion Max nói và bày tỏ bức xúc với cách điều hành, áp dụng các văn bản quy phạm phòng chống dịch Covid-19 “kỳ lạ” tại xã Lộc Thủy.
Còn tại Công ty Cổ phần bánh kẹo One One miền Trung, lãnh đạo công ty cho biết, có gần 20 người lao động của công ty sống tại 5 thôn giãn cách của xã Lộc Thủy và đến nay vẫn chưa thể trở lại nhà máy làm. Cũng như Công ty Bilion Max, lãnh đạo công ty này cho hay, để đảm bảo công tác phòng chống dịch công ty sẽ phối hợp với cơ quan y tế tiến hành xét nghiệp virus SARS-CoV-2 cho toàn bộ công nhân sau thời gian nghỉ phòng chống dịch trở lại công xưởng. Tuy nhiên, đến ngày 9/8 các công nhân này vẫn chưa thể trở lại nhà máy do bị “cầm chân” trong các thôn thực hiện giãn cách xã hội tại xã Lộc Thủy. Trước tình trạng này lãnh đạo công ty cũng kiến nghị các cấp các ngành, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh, địa phương quan tâm tháo gỡ những bất cập để công nhân sớm trở lại nhà máy làm việc.