Mấy ngày nay, có một câu chuyện làm không ít người suy nghĩ, đó là việc BigC không tiếp tục nhận hàng may mặc Việt Nam bán trong hệ thống của họ. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã biểu tình phản đối BigC.
Tôi nghĩ, sự việc từ BigC bắt đầu gửi cho các doanh nghiệp Việt Nam một thông điệp, hay có thể gọi là cảnh báo. BigC hay bất cứ hệ thống bán lẻ hay kinh doanh nào của nước ngoài có thể bước chân vào Việt Nam. Họ sẽ làm tất cả những gì tốt nhất để chiếm thị phần. Mọi hệ thống khác đều là đối thủ của họ.
Luật pháp Việt Nam hay của bất cứ quốc gia nào khác đều không quy định các công ty, tập đoàn… của nước ngoài phải tuyển dụng nhân viên người bản địa hay phải bán hàng của người bản địa. Một hiện thực cho thấy, hàng của người Thái nổi trội hơn hàng của người Việt ở nhiều lĩnh vực. Trước kia, bất cứ ai đi qua Thái Lan đều "đánh hàng về’’ Việt Nam. Ông trùm BigC là người Thái thì họ phải đưa các sản phẩm Thái vào thị trường Việt Nam càng nhiều càng tốt.
Người Hàn Quốc là một ví dụ cho vấn đề này. Ngày nay, người Việt xem phim Hàn Quốc, nghe ca sỹ Hàn Quốc, dùng mỹ phẩm Hàn Quốc, mua thực phẩm Hàn Quốc, đọc tác phẩm văn học Hàn Quốc... ngày càng nhiều hơn.
Chúng ta không thể cản được việc cấp visa cho các sản phẩm Hàn Quốc vào Việt Nam và chúng ta cũng không có quyền cấm người Việt Nam dùng hàng hóa của Hàn Quốc. Thậm chí, có những tập đoàn Hàn Quốc còn xuất bản tạp chí của họ ở Việt Nam để quảng bá thương hiệu.
Vì thế, tôi thấy việc BigC không tiếp tục nhận bán hàng may mặc cho một số doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí cả những mặt hàng khác, là một cảnh báo bước đầu cho chất lượng của hàng may mặc Việt Nam chăng?
Tôi nhớ vào buổi sáng một ngày giữa tháng 6 năm 2003, những khách hàng trong một trung tâm mua bán lớn có tên Old Navy ở Boston, bang Massachusetts, Hoa Kỳ sững người lại khi nghe tiếng một người kêu lên liên tục bằng tiếng Anh: “Thiều, Thiều, lại đây, lại đây!”.
Chính tôi là người được gọi cũng giật mình. Tôi vội chạy về phía người bạn Mỹ đang gọi tôi. Ông là giáo sư văn học, nhà thơ Kevin Bowen, một người bạn tri kỷ của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Vừa chạy về phía ông, tôi vừa nghĩ không biết có chuyện gì đã xảy ra với bạn tôi. Khi thấy tôi, ông giơ lên một chiếc áo khoác mỏng. Gương mặt ông lúc đó đầy cảm xúc và sung sướng như một đứa trẻ, miệng ông liên tục nói: “Made in Vietnam, made in Vietnam!”. Đó là một chiếc áo khoác có cái mác “Made in Vietnam” được bày bán lọt thỏm trong một thế giới quần áo vô tận của Old Navy.
Tôi phải thú thực rằng: Chính Kevin, một người Mỹ, lại hạnh phúc hơn tôi khi thấy một mặt hàng Việt Nam xuất hiện trong thị trường nước Mỹ. Để cám ơn tấm lòng của người bạn Mỹ và để cho niềm vui của ông không bị dập tắt, tôi đã mua chiếc áo đó với một giá không rẻ so với thị trường Việt Nam. Tôi mang chiếc áo ấy về Việt Nam, nhưng rồi không dùng được đến lần thứ ba. Mẫu chiếc áo đó xấu và kỹ thuật cắt may không chuẩn.
Chúng ta đã thường xuyên kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam với thông điệp: "Dùng hàng Việt Nam là yêu nước". Nhưng yêu nước theo cách này quả là một thách thức đối với đại đa số người Việt có thu nhập ổn định.
Tôi nói vậy, vì những người có thu nhập thấp sẽ ít có lựa chọn các sản phẩm nhập ngoại trừ hàng loại ba, loại bốn... của Trung Quốc. Thách thức ở đây không phải là giá cả mà là chất lượng và hình thức của các mặt hàng "Made in Vietnam".
Tôi là người có cơ hội đến làm việc ở Mỹ nhiều lần và đến nhiều nước châu Âu. Tôi cũng là người thích mua sắm. Và khi đi mua sắm ở các trung tâm mua sắm lớn ở các nước đó, một cảm giác vừa thất vọng vừa nể phục khi ngập tràn các mặt hàng với hình thức đẹp nhưng lại là "Made in China".
Ngay ở trong nước, hàng may mặc Trung Quốc đã giành thế thượng phong về mẫu mã và giá cả. Người Việt Nam rất khéo tay nhưng thực tế cho thấy mẫu mã các mặt hàng của chúng ta hoàn toàn thua hàng Trung Quốc. Cho đến bây giờ, hàng may mặc Việt Nam đã thay đổi nhưng vẫn chưa làm được một cuộc cách mạng đối với người tiêu dùng.
Hầu hết, những người Việt đi công tác hay du lịch Nhật Bản hoặc quá cảnh tại sân bay quốc tế Nhật Bản đều thừa nhận, các loại bánh truyền thống Nhật Bản làm từ gạo, ngô, đậu đã chiếm được cảm tình đặc biệt đối với ngay cả khách hàng ở các nước nông nghiệp có cùng loại nông sản, chứ chưa nói đến khách hàng ở các nước châu Âu và phương Tây.
Chất lượng các loại bánh của họ rất ngon và hình thức sản phẩm của họ vô cùng hấp dẫn. Có một loại bánh Nhật Bản mà tôi không nhớ tên đã du nhập vào Việt Nam. Người Việt đã sản xuất loại bánh này ở Việt Nam mà không ít khách hàng trẻ rất ưa chuộng, những khách hàng mà trong tư duy của tôi, chỉ ưa thích các loại sôcôla mà thôi.
Có một điều thật trớ trêu là Việt Nam là một nước nông nghiệp với việc cấy trồng lúa là chính và là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Nhưng giờ đây, gạo của Thái Lan, Campuchia, và cả Lào nữa, lại từng bước có mặt trên thị trường Việt Nam.
Việc gạo của các nước nói trên xuất hiện trên thị trường Việt Nam không thể tạo ra nguy cơ nào về việc người Việt Nam sẽ chỉ dùng gạo nhập khẩu. Nhưng nó cho chúng ta thấy một điều rằng: Ngay cả những thứ thuộc về thế mạnh của chúng ta thì cũng đang bị đe dọa.
Thực tế đó nói với chúng ta một điều vô cùng hệ trọng về ý thức của người Việt Nam trong việc làm ra thương hiệu và bảo vệ thương hiệu của mình. Khi nghe tin người Thái Lan đã và đang mua lại toàn bộ hệ thống Big C để bán lẻ thì những người Việt Nam có trách nhiệm với những sản phẩm nội địa thực sự lo lắng.
Từ rất lâu, tuy hàng Thái Lan là một mặt hàng không nổi trội hay không được gọi là hàng hiệu, nhưng lại rất được người Việt “bình dân” ưa chuộng. Nếu hàng hóa Thái Lan đổ bộ trong toàn bộ hệ thống bán lẻ của họ ở Việt Nam thì chắc chắn sẽ chiếm một thị phần không nhỏ và đẩy hàng hóa nội địa vào một vùng đất hẹp hơn. Sự hiện diện của hàng hóa các nước trong khu vực sẽ làm cho cuộc cách mạng “Người Việt dùng hàng Việt” gặp rất nhiều thách thức.
Thực tế cho thấy, lời kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam đã bị không ít người hiểu sai. Sai ở đây là chúng ta chỉ nghĩ đến việc tiêu thụ hàng hóa nội địa. Trong khi đó, theo tôi, lời kêu gọi này phải được hiểu cả hai phía.
Hay nói cách khác, cuộc cách mạng này phải được cả hai lực lượng cùng thực thi: Người tiêu dùng và người sản xuất. Phía thứ nhất là người tiêu dùng và phía thứ hai là người sản xuất. Có thể trong giai đoạn đầu của chiến lược mang tên “Người Việt dùng hàng Việt” là việc tạo ra ý thức cho người Việt Nam dùng hàng hóa Việt Nam.
Nhưng giai đoạn sau đó, phải hiểu một cách sống còn, là chúng ta phải làm ra thương hiệu cho các sản phẩm của chúng ta. Chúng ta không thể bắt người Việt Nam yêu những gì yếu kém của mình mãi mãi. Để yêu đất nước mình một cách thực sự, chúng ta phải làm ra thương hiệu cho đất nước mình. Người sản xuất phải làm ra những sản phẩm tốt nhất ở mức có thể.
Những sản phẩm tốt nhất ở mức có thể là điều duy nhất chứng minh trách nhiệm và tình yêu của người Việt đối với đất Việt. Còn nếu, những người sản xuất không chịu nâng cao chất lượng sản phẩm của mình mà lại cứ kêu gọi người Việt yêu nước Việt bằng cách dùng hàng hóa kém chất lượng thì đó quả là chuyện hài hước. Và tình yêu nước như thế vô tình tiếp tay cho những sản phẩm yếu kém của chúng ta.
Đến lúc đó, hành động ủng hộ những gì yếu kém của mình lại vô tình trở thành những hành động làm mất đi hình ảnh tốt đẹp của đất nước. Và đến lúc đó, chúng ta không có quyền nói với những người không thích dùng hàng nội địa rằng: “Bạn là người sính ngoại và không yêu nước”. Mà chúng ta có thể nói: “Bạn đang làm ra những sản phẩm yếu kém mang nhãn made in Vietnam. Bạn chính là kẻ không yêu đất nước mình”.
Điều cơ bản nhất của chiến lược “Người Việt dùng hàng Việt” và để chống lại nguy cơ các hệ thống bán hàng của người nước ngoài tại Việt Nam chối từ hàng Việt Nam, một trong những lý do quan trọng nhất, là người Việt phải làm ra những sản phẩm chất lượng.
Chỉ khi chúng ta làm ra những sản phẩm có chất lượng trong mọi lĩnh vực như sản xuất, chế biến lương thực, sản xuất hàng tiêu dùng cho đến những sản phẩm của giáo dục, của văn học nghệ thuật... thì chúng ta mới làm cho đất nước lớn mạnh được. Và làm cho đất nước lớn mạnh đó mới là tình yêu đích thực của mỗi người Việt Nam chúng ta.