Aa

Phát triển đô thị thông minh: Cơ hội cho thị trường bất động sản

Thứ Sáu, 28/09/2018 - 03:30

Phát triển đô thị thông minh hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh là xu hướng toàn cầu đang được nhiều quốc gia theo đuổi.

Trong khuôn khổ hội nghị bất động sản quốc tế - IREC 2018 diễn ra mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, trong tương lai, thị trường bất động sản thế giới sẽ không tìm kiếm mô hình đô thị nén, mà là phát triển mạnh mô hình đô thị thông minh - nơi chất lượng cuộc sống được đặt lên hàng đầu. Đây là cơ hội thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững.

 

Ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, giám sát giao thông tại Tổng công ty Vận tải Hà Nội. Ảnh: Tuấn Lương

Ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, giám sát giao thông tại Tổng công ty Vận tải Hà Nội. Ảnh: Tuấn Lương

Xu hướng tất yếu

Theo Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 813 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt 37,5%. Sự phát triển nhanh của hệ thống đô thị Việt Nam trong những năm qua có sự đóng góp từ tăng trưởng của thị trường bất động sản. Song, thị trường này vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định và bền vững. Cụ thể, có thời kỳ tăng trưởng quá "nóng", có lúc tạo “bong bóng”, có lúc “đóng băng”; hệ thống thông tin về thị trường còn thiếu độ tin cậy và chưa thực sự minh bạch...

Đây là nguyên nhân khiến mô hình tăng trưởng đô thị chưa đa dạng, thiếu bền vững, năng lực dự trữ và tầm nhìn còn hạn chế. Việc phát triển các dự án nhà ở, dự án khu đô thị còn dàn trải. Mạng lưới hạ tầng kỹ thuật khung đô thị chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến những bất cập như ngập lụt, ách tắc giao thông...

Tiến sĩ Nguyễn Tường Văn - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, việc phát triển đô thị thông minh hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên phát triển của công nghệ số. Đặc biệt, việc ứng dụng giải pháp và công nghệ của đô thị thông minh sẽ tạo cơ hội cho thị trường bất động sản phát triển mạnh hơn, minh bạch hóa, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong điều tiết thị trường, kết nối cung cầu...

Trên thế giới, một số nước đã rất tích cực thúc đẩy phát triển đô thị thông minh như: Singapore, Hà Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ... Cụ thể như ứng dụng quản lý cấp nước thông minh ở Mumbai (Ấn Độ) giảm tỷ lệ nước thất thoát từ 50% so với mức trung bình thế giới là 34% xuống còn một nửa. Hay các giải pháp tòa nhà thông minh tại Mỹ tiết kiệm đến 30% lượng nước tiêu thụ, 40% năng lượng, giảm 10-30% tổng chi phí vận hành. Tại Việt Nam, một số tỉnh, thành phố cũng đang triển khai các đề án về đô thị thông minh như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Kiên Giang...

Kịp thời điều chỉnh chính sách

Với mục tiêu phát triển đô thị thông minh một cách thống nhất, ngày 1-8-2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030”. Trong đó, xác định các mục tiêu, kế hoạch hành động cho các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm phát triển hệ thống đô thị Việt Nam như: Thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống; nâng cao năng lực chống chịu ứng phó biến đổi khí hậu của hệ thống đô thị.

Thực tế cho thấy, để thúc đẩy thị trường bất động sản trong bối cảnh phát triển đô thị thông minh, cần có giải pháp đồng bộ như xây dựng hệ thống cơ chế chính sách phù hợp với chủ trương chung của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đáp ứng được những yêu cầu của thực tiễn xã hội. Đồng thời, bổ sung hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn về quy hoạch đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh; áp dụng khoa học công nghệ trong công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; nghiên cứu cơ chế thúc đẩy, hỗ trợ các giải pháp mang tính đột phá cả về công nghệ và phi công nghệ như mô hình tổ chức không gian đô thị, phát triển các loại hình công trình xanh, thông minh…

Theo ông Lê Nhỏ - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sunshine Group, đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030 sẽ là định hướng quan trọng, tác động mạnh đến môi trường bất động sản thông minh - xu thế nóng trong những năm vừa qua. Việc phát triển đô thị thông minh hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ tạo ra những cơ hội mới cho quá trình đô thị hóa nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Để nắm bắt được cơ hội này cần phải có những điều chỉnh kịp thời chính sách quản lý phát triển đô thị, quản lý thị trường bất động sản, đầu tư, xây dựng, tài chính để thúc đẩy tính năng động và cạnh tranh của thị trường bất động sản.

Ngoài ra, việc áp dụng các giải pháp phát triển đô thị thông minh hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ tạo điều kiện để từng bước minh bạch hóa môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc cho các hoạt động và bảo đảm tăng trưởng bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam.

Hơn nữa, cấp có thẩm quyền cần sớm ban hành các quy định hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp bất động sản áp dụng công nghệ 4.0 trong việc phát triển các dự án để thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam phát triển, bắt kịp xu hướng dự án thông minh, thành phố thông minh trên thế giới.

Bên cạnh đó, cần xây dựng bộ cơ sở dữ liệu các dự án bất động sản từ đó kết nối với chính phủ điện tử. Điều này giúp thị trường bất động sản phát triển minh bạch, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước dễ dàng tìm hiểu cơ hội đầu tư; đồng thời sẽ chống đầu cơ, "thổi giá" trên thị trường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top