Ngày 18/9/2018, chính quyền Hà Nội khai mạc “hội nghị thượng đỉnh” về đô thị thông minh (ĐTTM).
Ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà Nội nói rằng, hội nghị lần này có mục đích chia sẻ các quan điểm phát triển mô hình ĐTTM của lãnh đạo các TP trong khu vực và trên thế giới cũng như được cung cấp thông tin về mô hình và giải pháp xây dựng…
Ước mơ lớn
Ông Nguyễn Nam Hải, tổng cục phó tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng nói rằng: “Từ khi Việt Nam nói về mô hình ĐTTM đến nay đã có hàng trăm hội thảo lớn nhỏ nhưng thử hỏi: bao giờ Việt Nam bắt tay xây dựng mô hình này, bắt đầu từ đâu…?”.
Cũng như hàng trăm hội thảo trước đây, ở “hội nghị thượng đỉnh” lần này, lãnh đạo TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đặt những câu hỏi rất quen: “Mô hình nào, phương thức nào để triển khai ĐTTM? Tính bền vững của ĐTTM trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; hoạch định, xây dựng chính sách như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi xây dựng một đô thị thông minh…
Ngày 1/8/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt quyết định 950/QĐ-TTg về “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là đề án 950) với những mục tiêu: “Phát triển ĐTTM bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư và quản lý; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế…”.
Trong đề án 950, đến năm 2020, ít nhất có 3 đô thị được phê duyệt đề án tổng thể phát triển ĐTTM.
Bộ Xây dựng ‘xí phần’
Theo ông Trần Quốc Thái, phó cục trưởng cục Phát triển Đô thị (bộ Xây dựng), vì đề án 950 có bộ Xây dựng tham gia biên soạn nên lần này, bộ Xây dựng sẽ là thành viên chủ chốt thực thi đề án.
Ông Thái nói rằng, lâu nay, nói đến ĐTTM, nhiều người, nhất là giới chuyên về công nghệ thông tin (CNTT) rất hăm hở nói, như là mô hình của riêng họ.
“Nhưng ở đề án 950 với tính chất pháp lý cao nhất về mô hình ĐTTM, theo quy định về quản lý nhà nước của Việt Nam, Bộ Xây dựng phải có trách nhiệm với mô hình này. Ngành xây dựng rất quan trọng. Chúng tôi xác định rõ quan điểm: xây dựng ĐTTM là trách nhiệm chung từ việc xây dựng nền tảng với các tiêu chuẩn khi chuyển dịch từ đô thị truyền thống sang ĐTTM, cần triển khai thực tế trên mặt đất từ ngân sách và xã hội. Các hoạt động đầu tư vào ĐTTM khác với đầu tư thông thường. Từ nay đến 2020 phải rõ cơ chế và các nền tảng chính, sau đó mới bắt đầu đổ tiền để làm. Có thể đến 2025, Hà Nội làm thí điểm, sau đó các địa phương học theo”, ông Thái nói.
Vướng… cái trụ điện
Ông Nam Hải, phó tổng cục trưởng tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng xác nhận, mô hình ĐTTM cũng phải có: điện, nước, viễn thông… nên việc tham gia của bộ Xây dựng là đúng. Nhưng ông Hải nói thêm: “Hạ tầng của ĐTTM cũng phải thông minh, nhưng như thế nào là thông minh? Quản lý cũng phải cần có cơ chế và những tiêu chuẩn rõ ràng!”.
Theo ông Thái của bên Xây dựng, khi chuyển sang mô hình ĐTTM phải có cách quản lý khác với mô hình đô thị truyền thống hiện nay.
Như cái cột điện của ĐTTM sau này, vừa là nơi chiếu sáng – sẽ do chiếu sáng đô thị quản lý nhưng đồng thời cũng là nơi phát tín hiệu viễn thông nên ngành viễn thông quản lý. Vậy ai là quản lý chính cái cột điện, phải làm cho rõ”, ông Thái nêu một ví dụ.
Ông Nam Hải cho rằng, ngoài đề án 950, cũng còn có nhiều đề án của Chính phủ, Bộ Xây dựng về mô hình ĐTTM, do vậy, phải có tiêu chuẩn quốc gia! Đã là tiêu chuẩn, người dân chỉ tự nguyện tham gia, còn Nhà nước phải có chính sách ràng buộc các dự án đầu tư từ ngân sách và khuyến khích các dự án của dân thực hiện quy chuẩn BIM (Building Information Modeling – mô hình thông tin xây dựng) đã và đang thực hiện trên thế giới gần 50 năm qua.
Theo nỗi niềm của ông Hải, hiện kinh phí hàng năm của tổng cục dao động từ 80 – 100 tỷ đồng để làm tiêu chuẩn. Trong khi đó, mỗi năm nước Anh chi 80 tỷ bảng để làm tiêu chuẩn quốc gia, từ nguồn góp của xã hội là 4 tỷ bảng, còn ngân sách là 76 tỷ bảng!
Ngổn ngang trăm mối…
Có chuyên gia cho rằng, tại sao quy hoạch hiện nay không “cấy” các tế bào của ĐTTM, vào các dự án xây dựng mới để khi chuyển sang mô hình ĐTTM, chỉ cần kích hoạt các tế bào đó? Ông Thái cho biết, hiện nay, đô thị mới phải có đầy đủ hạ tầng thông minh như cách làm hiện nay của Malaysia và Singapore khi quy hoạch đô thị mới.
Ông Vũ Minh Trí, phó tổng giám đốc VNG trăn trở: “Thời 4.0 không biết ngày mai sẽ như thế nào, AI sẽ làm gì cho con người… Nhà nước cần ban hành các tiêu chuẩn quốc gia để kết nối, cụ thể là hệ thống thông tin của các ĐTTM mới là điều quan trọng nếu muốn có một quốc gia thông minh. Nhưng lựa chọn kết nối như thế nào, cần cân nhắc kỹ…”
Ông Võ Thanh Tùng, chủ tịch hội tin học xây dựng Việt Nam cho biết, hiện bộ Xây dựng chọn 20 công trình thí điểm ứng dụng tiêu chuẩn BIM để mọi thành phần dân cư được quyền biết và kiểm soát thông tin. Nhưng liệu các chủ dự án có cấp quyền cho cư dân ở đó hay không lại là câu chuyện khác kể cả sau này cư dân tự nhận mình sống trong các ĐTTM!
*Tiêu đề bài viết đã được thay đổi