Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành "Chương trình hành động phát triển khu vực dịch vụ tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Trong đó, 2 ngành mũi nhọn là du lịch và logistics cần được khai thác mạnh mẽ, đầu tư bài bản để thúc đẩy phát triển các ngành và lĩnh vực khác.
Theo mục tiêu đề ra, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt từ 8,7%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; đến năm 2030 tỷ trọng khu vực dịch vụ trong cơ cấu GRDP của tỉnh khoảng 38%, tỷ trọng lao động các ngành dịch vụ trên 40% tổng số lao động trên địa bàn tỉnh. Trong thời kỳ 2030 - 2050, khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 35% GRDP. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 15%/năm.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng hàng năm sản lượng vận tải hàng hóa tăng từ 7% đến 8%; sản lượng vận tải hành khách tăng từ 7% đến 9%.
Chính vì thế, UBND tỉnh Hậu Giang luôn chủ động các giải pháp đồng bộ để đáp ứng kịp thời cho sự phát triển các ngành dịch vụ trong tương lai.
Đối với lĩnh vực du lịch, đây sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, thúc đẩy phát triển các ngành và lĩnh vực khác; đa dạng hóa loại hình du lịch và sản phẩm du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn.
UBND tỉnh yêu cầu triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch thực hiện việc bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống như: đờn ca tài tử, hát dân ca…, những di sản văn hóa liên quan đến đồng bào dân tộc Khmer và di sản phi vật thể; phối hợp thực hiện xếp hạng các di tích, các công trình văn hóa, kiến trúc trên địa bàn. Tập trung củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phục vụ của các câu lạc bộ đờn ca tài tử gắn với phát triển du lịch tại các khu, điểm du lịch, xây dựng mới câu lạc bộ đờn ca tài tử phục vụ các nhà hàng, câu lạc bộ nghệ thuật Khmer, câu lạc bộ nghệ thuật của dân tộc Hoa… đưa vào các tour du lịch để phục vụ du khách.
Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông gắn kết với phát triển du lịch. Tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở dịch vụ du lịch chất lượng cao, các khu du lịch sinh thái quy mô lớn, phức hợp nhiều dịch vụ (Khu du lịch sinh thái bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Khu du lịch sinh thái Kênh Lầu, Khu du lịch nghỉ dưỡng Mê Kông) và các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện, hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, hoàn thành các dự án đưa vào khai thác: Khu du lịch sinh thái Việt Úc - Hậu Giang, lập quy hoạch kêu gọi đầu tư Hồ Tam Giác, Hồ Nước Ngọt, Hồ Sen hình thành chuỗi du lịch, nghỉ dưỡng mới và tập trung đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ khó khăn các dự án khu dân cư, thương mại dịch vụ, nhà hàng, khách sạn... sớm đưa vào khai thác, sử dụng.
Rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách phát triển du lịch phù hợp điều kiện của tỉnh, ưu tiên hoạt động đầu tư: khách sạn, nhà hàng, các khu vui chơi, giải trí…; từng bước nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, nhất là khách sạn, nhà hàng, ăn uống, vận tải, viễn thông.
Kiểm soát, giám sát và cảnh báo ô nhiễm môi trường, quản lý và giảm thiểu rủi ro, sự cố môi trường trong hoạt động du lịch trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và công nghệ số phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến, quảng bá du lịch, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
Đối với lĩnh vực logistics và vận tải, UBND tỉnh đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, logistics hiện đại để tỉnh Hậu Giang trở thành trung tâm kết nối các hành lang kinh tế động lực và trung chuyển hàng hóa của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ mở rộng thị trường, thu hút các doanh nghiệp logistics đầu tư vào tỉnh Hậu Giang.
Hình thành trung tâm logistics nông sản đóng vai trò tích hợp của chợ đầu mối, trung tâm cung cấp các dịch vụ kho bãi, bảo quản lạnh, xuất nhập khẩu và các dịch vụ giá trị gia tăng cho nông sản. Phạm vi của trung tâm không chỉ phục vụ lưu thông, phân phối hàng hóa nội tỉnh mà cho cả khu vực Nam Sông Hậu và toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, bên cạnh trách nhiệm của các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố, thì chính quyền tỉnh Hậu Giang cũng cần huy động được các nguồn lực thực hiện. Trong đó, nguồn lực kinh tế - xã hội để thực hiện chương trình từ vốn ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp, tài trợ quốc tế và nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước, thực hiện theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Chương trình và lập dự toán kinh phí cụ thể để triển khai thực hiện theo quy định.
Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực tài chính từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thực hiện Chương trình theo quy định pháp luật./.