Cuộc đời, dù thăng trầm nhưng có một con đường mãi mãi thân thuộc, hiền hòa và bình yên, đó là con đường trở về nơi ngôi nhà có mẹ, có cha. Và cũng có một con đường mãi mãi an lành, đó chính là con đường trở về với bản tâm thanh tịnh của chính mình.
Chúng ta trở nên xa cách dần và khoảng cách ấy mỗi ngày lại lớn dần bởi những bận rộn. Tôi không tin rằng, bận rộn là một biểu hiện của sự thành đạt. Nếu đủ thành đạt, hẳn là ta phải đủ thời gian ngồi chơi, uống một tách trà và ngắm một hạt sương sớm vo tròn như thể còn biếng lười chẳng biết đến mặt trời đã lên…
Nếu đủ thành đạt, hẳn là ta phải đủ thảnh thơi rong chơi tùy ý nơi đất mẹ thênh thang đẹp đẽ thế này. Ta sẽ có thì giờ về vờ làm hư với mẹ, hoặc nhủ mẹ kể lại một câu chuyện xa lắc xa lơ nào đó và lắng nghe bằng tất cả niềm thương yêu. Ta sẽ có thì giờ để lắng nghe nhau mà không phải mải mê tất bật với cơm áo gạo tiền.
Ngày nay, nhờ có sự phát triển của khoa học công nghệ, nhờ mạng xã hội, người ta kết nối với cả thể giới, nhưng lại mất kết nối với chính bản thân mình. Ta quên mất rằng, đôi khi, bờ vai nhọc nhằn của mình cần một ý niệm biết ơn và nghỉ ngơi. Đôi khi, ánh mắt của mình cần khép lại một cách an lành mà hai chân mày chẳng cần nhíu vào cùng lo toan. Đôi khi, trái tim của mình cũng cần được mình thương, bởi những day dứt, những căng thẳng suốt bao tháng năm dài...
Tôi thường chia sẻ với những người đang căng thẳng hoặc đang bị một căn bệnh nan y nào đó về Thiền Buông Thư mà sư ông Làng Mai (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) giới thiệu, như là một phương pháp trị liệu.
Cố nhiên, không phải chỉ khi căng thẳng hay đau ốm ta mới cần buông thư. Thiền buông thư chính là một cách rất hay để ta kết nối với chính mình. Một cốc nước trong, khoa học đã chứng minh chỉ cần khởi lên ý niệm lành thì những hạt nước cũng kết tinh thành những tinh thể đẹp như một bông hoa. Vậy mà chúng ta quên mất, thân ta là một tập hợp của sự vay mượn từ tinh cha huyết mẹ, từ tứ đại mà thành. Thân này, vốn không phải là ta, ta không kẹt vào nơi thân. Nhưng trái tim này, đôi vai này, đôi mắt này, lá phổi này... tất cả đã vì một biểu hiện của sự sống làm nên cái ta ấy mà cùng có mặt.
Thiền buông thư là lúc ta để cho tâm mình khởi lên lòng biết ơn và cho mình được buông lỏng, được thư thái, nghỉ ngơi. Ta trở về chăm sóc cho hơi thở. Thở vào thật sâu, thở ra thật nhẹ. Nếu như, mỗi ngày, chúng ta duy trì được trước khi ngủ mỗi đêm chỉ cần 5 phút thôi. Ta nằm yên, tận hưởng cảm giác an lành của hơi thở, thật nhẹ, thật sâu.. Ta khởi lên lòng biết ơn, tưới tẩm cho hạt giống yêu thương và hiền thiện trong tâm tư mình, như vậy, sự bình an trong ta sẽ được nuôi dưỡng và vững mạnh.
Mọi cảm xúc tiêu cực, bạo động, bệnh tật, phần nhiều xuất phát từ nơi tâm. Tâm bình thì khí hòa. Có một câu nói rất hay là: “Trước khi ngủ, bạn hãy tha thứ cho tất cả và ngủ một giấc thật an lành”. Nội tâm bình an thì khí huyết và kinh mạch lưu thông điều hòa, cơ thể khỏe mạnh.
Mải nói về buông thư và chăm sóc, kết nối lại với chính mình, tôi cũng hiểu, còn một điều không thể không nhắc. Điều này đôi khi làm chúng ta bận rộn, nhưng là sự bận rộn cần thiết.
Một sự bận rộn xứng đáng, khiến ta có thể đêm ngủ không tròn giấc và một ngày ngủ chẳng tròn đêm. Ấy là những điều khi chúng ta làm không phải chỉ vì bản thân, không bởi đơn thuần là cơm áo gạo tiền hay những vật chất xa hoa hoặc tiện ích phù phiếm, mà bởi nó được xuất phát từ sự thương lo đến những người bên cạnh, thậm chí là cả những người mình chưa – không từng quen, thậm chí là đến những vấn đề không phải của riêng ai, ví dụ như chuyện môi trường, thiên nhiên, chuyện quốc gia, chuyện thế giới, chuyện chiến tranh hay hòa bình,...
Có những sự bận rộn lo toan không vì bản thân và nó là sự bận rộn cần thiết. Nhưng điều cốt yếu là phải nhìn ra được con đường mà mình theo đuổi. Cách tốt nhất để làm cuộc đời mình có ý nghĩa là hãy dùng bản thân mình để yêu thương người khác, để cống hiến cho cộng đồng quanh mình và để tạo ra điều gì đó có mục đích và có ý nghĩa
Trong bài thơ “Mùa lá dâu non”, Nguyễn Lộc An viết rất hay:
“Nếu chỉ vì anh, vì em
Mỗi ngày anh ngủ hai đêm
Mỗi đêm anh ngủ hai giấc
Sở dĩ chúng mình tất bật
Là vì ngoài anh, ngoài em”
Có những người, một đời quanh quẩn với hơn thua, với việc kiếm tiền để thỏa mãn những nhu cầu của bản thân. Rồi họ đi vòng quanh trong những tất bật vô nghĩa. Vô nghĩa, ngay cả khi họ tin rằng việc họ làm là vô cùng quan trọng. Tôi có một người bạn. Anh từng là thầy giáo của một trường có tiếng ở Hà Nội. Rồi anh nghỉ dạy và trở thành một doanh nhân có nhiều thành công trong việc kinh doanh.
Sau này, khi có của ăn của để, anh lại đam mê nghiên cứu. Không gia đình, chỉ một mình tất bật đi về và bận rộn với những hội thảo, tìm tòi… Rồi bỗng ngay giữa khi xã hội phải tạm dừng mọi hoạt động vì dịch, anh đột ngột ra đi vào một ngày mưa gió. Vậy là một đời bận rộn, dở dang.
Tôi nghe tin mà bàng hoàng, xót xa và thương cảm..
Cuộc đời, dù thăng trầm, nhưng có một con đường mãi mãi thân thuộc, hiền hòa và bình yên, đó là con đường trở về nhà của mình, nơi có con thơ ngóng đợi, về nơi ngôi nhà có mẹ, có cha. Và cũng có một con đường mãi mãi an lành, đó chính là con đường trở về với bản tâm thanh tịnh của chính mình.
Thảnh thơi, thong dong và tự tại để chăm sóc thân và tâm mình là điều vô cùng cần thiết. Và chúng ta xin đừng bỏ quên. Khi có thể kết nối với cả thế giới, hãy nhớ bắt đầu từ việc không mất kết nối với chính mình. Ta phải lắng nghe được niềm vui, nỗi khổ, những yếu mềm, những ước mong sâu thẳm của chính mình..
Và nếu phải bận rộn, tất bật, hẳn nhiên, ở đời này sẽ phải vậy. Nếu thế, hãy để cho sự bận rộn của mình trở nên đáng tự hào và có ý nghĩa. Hãy là sự bận rộn vì một lý tưởng đẹp, vì cộng đồng, vì xã hội, vì tình thương...
Một tiếng rao đêm; những thân vạc thân cò xáo xác chạy khi bị bắt bởi buôn thúng bán mẹt lê la giữa chợ đời. Họ chấp nhận mọi tất bật bởi mưu sinh cho con thêm một manh áo, miếng cơm…
“Ngoài anh, ngoài em” - Nó chính là những lấp lánh từ vẻ đẹp tâm hồn của những người biết quên cái tôi của mình để thảo thơm chia sẻ, để an nhiên, để phụng sự và để yêu thương!