Người xưa vẫn nói, năm mới không bàn chuyện cũ, nhưng ở quán cà phê nhỏ tại Sài Gòn, những ngày tháng 1/2018 vẫn có những câu chuyện không vui mà khi gặp mặt nhau, người dân phải mang ra bàn luận.
1. Ở quán cà phê Sài Gòn Phố trên đường Trần Quốc Toản, quận 3, khi tất cả những bàn cà phê tại đây, khách hàng chào nhau bằng câu chúc mừng năm mới và trò chuyện về những gì đạt được năm 2017 rồi dự định năm 2018 thì có một bàn cà phê 7 người, lại có câu chuyện không mấy vui vẻ.
Họ nói cho nhau nghe về năm 2017 đã phải đi tìm sự công bằng khi vác đơn đi kiện chủ đầu tư của mình khi sản phẩm vừa giao nhà nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng sau 3 tháng sử dụng. Rồi những vị khách uống cà phê này bàn nhau năm 2018, sẽ làm gì để tiếp tục đi đòi lại công bằng. Họ là những cư dân mua nhà tại dự án SaigonRes Plaza khi mà đầu năm 2017, chủ đầu tư giao nhà cho khách hàng nhưng chỉ 3 tháng sau, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Khách hàng phản ánh thì chủ đầu tư chỉ có những động thái theo kiểu phủi tay trốn tránh trách nhiệm.
Câu chuyện buồn đầu năm này làm tôi nhớ lại một báo cáo mới đây của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM gửi lên Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM cùng nhiều ban, ngành khác rằng, tình hình tranh chấp trong chung cư tiếp tục gia tăng. Toàn TP.HCM có 935 chung cư cao tầng thì đã có đến 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó, có 9 chung cư có tranh chấp rất gay gắt, phức tạp.
Chủ yếu là tranh về chất lượng xây dựng chung cư, đặc biệt gay gắt là nhiều trường hợp, chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng cam kết; chưa làm "sổ đỏ" cho người mua nhà qua nhiều năm. Trong đó, có nhiều trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không giải chấp; hoặc chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng đã đưa dân vào ở không đảm bảo an toàn.
2. Gia đình tôi đã 2 đời làm kinh doanh, ông tôi dạy bố tôi rằng, yếu tố quan trọng và sẽ dẫn tới thành công nhất đối với doanh nghiệp đó là phải tử tế với chính khách hàng của mình. Bố tôi thì dạy anh tôi, người kế nghiệp kinh doanh của bố tôi là ngoài chân thành, phải coi trọng khách hàng của mình bởi không có khách hàng, doanh nghiệp sẽ chẳng bán được hàng và sẽ phá sản.
Câu chuyện mới đây của hãng lụa Khải Silk, chỉ vì lừa dối khách hàng trong việc bán sản phẩm giới thiệu lụa truyền thống Việt Nam nhưng cuối cùng, sau 30 năm hoạt động, khách hàng phát hiện vải lụa của Khải Silk là sản phẩm của Trung Quốc chứ không phải Việt Nam. Vì lừa dối khách hàng mà chỉ trong thời gian ngắn, nhãn hàng này đã đóng cửa toàn bộ, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị truy tố…
Đây là bài học cho doanh nghiệp về sự tử tế. Trong kinh doanh bất động sản, sự tử tế là rất cần thiết, bởi chủ đầu tư không phải cả đời chỉ bán một sản phẩm và bán hết sản phẩm đó thì phủi tay với chính khách hàng của mình theo kiểu "ăn sổi". Khi chất lượng không như cam kết, bán xong cho khách hàng, nhận tiền rồi thì phủi tay trốn trách nhiệm.
Nếu như vậy, những dự án sau, khi chủ đầu tư thiếu sự tử tế và trách nhiệm với chính sản phẩm của mình thì liệu bán được cho ai? Ai còn tin tưởng doanh nghiệp đó để mua sản phẩm của họ?
Nhớ lại một người bạn hiện là chủ doanh nghiệp lớn trong làng bất động sản TP.HCM, anh đã thành công với chính sự tử tế của mình khi kinh doanh bất động sản. Tốt nghiệp ngành dược sĩ nhưng đam mê kinh doanh, anh chính thức đầu tư bất động sản bằng những sản phẩm cho người có thu nhập thấp. Ngày ở dự án, tối về phụ vợ bán quán ăn. Tôi nhớ lần đầu xuống mua sản phẩm nhà của anh, khi hỏi nhân viên kinh doanh, Tổng giám đốc đâu, cho tôi xin gặp. Người nhân viên tìm khắp công ty tới dự án, rồi anh chỉ lên một người đội nón lá, đang mắc điện trên cột và cho biết, đó là Tổng giám đốc.
Anh bắt tay tôi với bàn tay đầy bụi bẩn và nói dự án bị hư điện, buổi trưa người dân ở nóng quá mà đợi thợ điện tới sửa thì lâu quá nên anh tự sửa cho khách hàng có điện sinh hoạt. Chính vì câu chuyện này mà tôi mua nhà của anh, và rồi sự tử tế, chân thành của anh đã giúp doanh nghiệp lớn mạnh, với những sản phẩm tốt đẹp cho xã hội./.