Aa

HBC có phải “bán tháo” dự án để trả nợ?

Thứ Năm, 03/05/2018 - 20:44

HBC không thể thu hết nợ bởi Tập đoàn luôn có những công trình gối đầu với giá trị lớn nên giải pháp nhanh gọn nhất là bán bớt một số dự án để thu tiền mặt tránh mất thanh khoản dẫn đến khó khăn...

Tự nhận mình “quản lý kém”!?

Ngày 28/4, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) đã họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018.

ff

HBC tổ chức Đại Hội Đồng Cổ đông thường niên 2018 

Theo Báo cáo tại ĐHCĐ, đại diện HBC cho biết, năm 2017 HBC, đạt 16.037 tỷ đồng doanh thu, tăng 49% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 859,2 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2016. Trên cơ sở đó, HĐQT HBC trình và được cổ đông thông qua mức chi trả cổ tức năm 2017 là 55% (5% bằng tiền và 50% bằng cổ phiếu).

Sang năm 2018, HBC đặt chỉ tiêu doanh thu 20.680 tỷ đồng và lãi 1.068 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 30% và 24% so với kết quả năm 2017.

Trong đại hội lần này, vấn đề cổ đông quan tâm nhất là tài sản và các dự án của công ty cũng như dòng vốn đã được công ty sử dụng như thế nào khi mà công ty cũng vừa chuyển nhượng và thoái vốn từ một số dự án, nhưng vẫn phải tăng vốn điều lệ bằng việc bán 25% cho cổ đông chiến lược.

Bên cạnh đó, cổ đông cũng đề nghị HĐQT chú ý đến việc thẩm định năng lực của chủ đầu tư, vì như vậy HBC sẽ không phải trả lãi cho một khoản vay. Ngoài ra, việc chia tỷ lệ cổ tức 15% theo dự kiến có phù hợp chưa khi mà vốn chủ sở hữu đã tăng lên gấp đôi; Cổ đông cũng yêu cầu cần làm rõ trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo các công ty con khi mà liên tiếp nhiều năm không có lợi nhuận, dòng tiền luôn bị âm.

Một cổ đông chia sẻ thẳng thắn: “Công ty đã áp dụng KPI, cấp quản lý nào liên tục không đạt KPI đề nghị nên từ chức, điển hình công ty Nhà Hòa Bình, MHB”?

Trước chia sẻ thẳng thắn này, một lãnh đạo HBC cho biết: Công ty Nhà Hòa Bình là công ty đầu tiên được lập ra để kinh doanh bất động sản, đã nhiều năm không đạt KPI bởi nhiều lý do, bản thân tôi là người đứng đầu HBC, tôi xin nhận trách nhiệm quản lý kém.

Bên cạnh đó, xin chia sẻ nhiều lý do: Đầu tiên phải kể đến HBC là đơn vị nhận sản phẩm thanh toán cho hoạt động xây dựng hoặc đổi lấy việc thầu xây dựng và nhiều khi phải bán lỗ để đem tiền về. Ban giám đốc cũng xác định phải tách mảng đầu tư bất động sản độc lập nên đã lập ra công ty Tiến Phát, nhưng cũng sẽ mất vài năm. Ban giám đốc mong cổ đông nhận thấy sự phát triển của công ty khi chuyển toàn bộ đầu tư sang cho Tiến Phát, Nhà Hòa Bình hiện nay chỉ còn kinh doanh mảng quản lý cho thuê hệ thống Pax Sky. Ban giám đốc nhìn nhận đó là thiếu sót và sẽ rút kinh nghiệm trong việc quản lý…

“Bán tháo” dự án để trả nợ?

Năm 2017, doanh số và lợi nhuận tăng trưởng mạnh, nhưng trên thực tế tiền chưa thu được. Theo đó, rủi ro hiện hữu của HBC đối với các khoản phải thu là rất lớn. Từ đó, tâm lý nhà đầu tư sẽ bị ảnh hướng, dẫn chứng là các cuộc bán tháo cổ phiếu HBC diễn ra 14 phiên liên tiếp trong tháng 4 vừa qua.

Để giải quyết khó khăn trước mắt và bù đắp lượng tiền mặt thiếu hụt khi khoản thu về chậm. Ban lãnh đạo HBC cho biết, trong năm 2018, HBC sẽ bán bớt một số dự án bất động sản để thu tiền về, qua đó giúp cải thiện dòng tiền cho công ty. HBC ước tính sẽ thu về khoảng hơn 300 tỷ đồng lợi nhuận từ việc chuyển nhượng các tài sản là bất động sản gồm 3 dự án Long Thới, Phước Lộc Thọ, dự án tại Quận 4.

Tuy nhiên, việc chuyển nhượng có thành công hay không còn phụ thuộc vào “kẻ bán người mua” nên chưa thể khẳng định HBC sẽ thoát khỏi cảnh nợ chồng chất trong ngắn hạn!

Trong đại hội lần này, vấn đề nâng vốn cũng được lãnh đạo HBC thừa nhận, mặc dù HBC ký kết được nhiều hợp đồng lớn. Tuy nhiên, hiện HBC phải vay nợ ngân hàng để xây dựng các dự án cho chủ đầu tư và chủ đầu tư còn nợ tiền HBC chưa thanh toán. Nên việc thoái vốn, chuyển nhượng các dự án khác, cộng với việc phát hành cổ phiếu lần này sẽ góp phần làm tăng vốn điều lệ và bổ sung vốn vào các hoạt động kinh doanh.

Như vậy, dù đang ghi nhận lợi nhuận nhưng rủi ro đối với các khoản phải thu của HBC là rất lớn. Vì tính đến cuối năm 2017, khoản "Phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng" của HBC đã tăng từ 2.904 tỷ đồng lên 4.673 tỷ đồng (tăng 1.769 tỷ đồng), tương đương tăng 61%. Khoản "Phải thu ngắn hạn của khách hàng" cũng đã tăng từ 2.250 tỷ đồng lên 3.225 tỷ đồng (tăng 974 tỷ đồng), tương đương tăng 43%. Tổng cộng lại, các khoản phải thu ngắn hạn của HBC là 9.190 tỷ đồng, tăng 36% so với đầu kỳ và chiếm tới 65,6% tổng tài sản. 

Trước những lo ngại của cổ đông, lãnh đạo HBC lại “trấn an” cổ đông bằng thông tin vừa trúng thầu hợp đồng cho dự án ở Nha Trang. Nhưng xem ra chỉ là “muối bỏ bể” khi dòng tiền kinh doanh của HBC liên tục âm, cổ phiếu lao dốc không phanh, nợ đáo hạn còn chưa giải quyết được dứt điểm… thì xem ra vẫn còn là bài toán chưa có lời giải đáp?

Tiền thân của Hòa Bình là văn phòng xây dựng Hòa Bình thuộc Công ty Xây dựng dân dụng và công nghiệp thành lập từ năm 1987. Ngày 01/12/2000 trên cơ sở kế thừa toàn bộ lực lượng của Văn phòng Xây dựng Hòa Bình, Công ty cổ phần Xây dựng & Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình được thành lập. Ngày 27/12/2006, Cổ phiếu Hòa Bình (HBC) đã chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top