Aa

HBC lên nhiều giải pháp tài chính “cứu” lợi nhuận

Chủ Nhật, 28/06/2020 - 16:30

Để bù đắp sự thiếu hụt hoạt động kinh doanh do các đơn hàng giảm nhiều so với kỳ vọng, HBC đẩy mạnh chiến lược tài chính.

Giảm kế hoạch lợi nhuận 2020

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) vừa tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 thành công với đại diện trên 50% phần vốn tham dự.

Theo báo cáo của Hội đồng Quản trị, HBC đề chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 14.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch mới giảm 10,7% và 37,5 so với kế hoạch trước đó.

Quý I, tập đoàn xây dựng ghi nhận doanh thu giảm 34%, đạt 2.442 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 95%, còn 5,5 tỷ đồng. 

Ban lãnh đạo công ty xác định dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường là thách thức gây ra sự trì hoãn các dòng vốn đầu tư, giảm sút kinh tế trên toàn cầu. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu biến động, rủi ro thanh toán do năng lực tài chính của chủ đầu tư, các vấn đề pháp lý dự án ảnh hưởng tiến độ triển khai... cũng ảnh hưởng tới hoạt động của công ty.

Động lực tăng trưởng của tập đoàn năm 2020 sẽ là mảng xây dựng công nghiệp và hạ tầng. Cơ cấu lợi nhuận của đơn vị gồm 60 - 65% từ mảng xây dựng dân dụng và 35 - 40% từ xây dựng công nghiệp, hạ tầng.

Tại đại hội, lãnh đạo công ty cho biết sẽ tập trung 3 hướng chiến lược phát triển cho năm 2020. HBC đã chuẩn bị nguồn lực cho việc triển khai chiến lược phát triển thị trường theo 3 hướng: hạ tầng, công nghiệp và nước ngoài. Đây cũng là một khoản đầu tư cho dài hạn mang tính chiến lược.

Về mảng hạ tầng, Hòa Bình đã sáp nhập CTCP 479 - công ty của Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 (Cienco 4). Về công nghiệp, Tập đoàn tập trung năng lực tại dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quốc (Quảng Ngãi). Trong thời gian 18 tháng, Hòa Bình đã hoàn thành trên 200 hạng mục công trình với tổng giá trị quyết toán hơn 1.800 tỷ đồng.

Về thị trường nước ngoài, Hòa Bình đã thực hiện các thủ tục đầu tư và đang chuẩn bị cho việc xây dựng một cao ốc có quy mô 31 tầng tại Canada. Đồng thời, công ty đang tiếp tục nghiên cứu nhiều thị trường tiềm năng khác để sẵn sàng mở rộng kinh doanh ra nước ngoài khi có điều kiện thuận lợi.

Về các đơn hàng, năm 2020 HBC đặt kế hoạch trúng thầu cả năm khoảng 16.200 tỷ đồng, trước đó kế hoạch dự tính ban đầu năm nay phải ký được khoảng 41.900 tỷ đồng. Nhưng ban lãnh đạo đã điều chỉnh kế hoạch giảm vì đến tháng 5, số hợp đồng ký mới là 3.100 tỷ đồng.

Nhiều giải pháp tài chính để hỗ trợ vốn cho hoạt động kinh

HBC dự kiến phát hành trái phiếu và cổ phiếu 

Để tăng vốn cho hoạt động kinh doanh, lãnh đạo HBC cho biết, công ty dự kiến tích cực thu hồi nợ; tăng cường quan hệ chiến lược với ngân hàng (cơ cấu lại nợ và thời gian thanh toán nợ gia hạn); lên kế hoạch phát hành trái phiếu; bán bớt cổ phần ở một số công ty con để thu hồi vốn để duy trì cho mảng cốt lõi.

Năm ngoái, Hòa Bình đã ký biên bản ghi nhớ phát hành trái phiếu với quỹ đầu tư Hàn Quốc, dự kiến năm nay thực hiện nhưng vì dịch nên quỹ chưa thể qua Việt Nam. Do đó, HĐQT đưa ra phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi trong năm 2020 với thời hạn tối thiểu 5 năm, mỗi năm chuyển đổi 20%, trả lãi tương đương tiền gửi ngân hàng cộng thêm ưu đãi giá chuyển đổi.

Về kế hoạch phát hành cổ phiếu cho nhân viên, căn cứ theo Nghị quyết ĐHĐCĐ, công ty có kế hoạch triển khai phát hành 1,3 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP) bằng mệnh giá trong năm 2019.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo xét thấy giá cổ phiếu HBC trên thị trường có nhiều biến động dẫn đến việc phát hành cổ phiếu ESOP 2019 không phản ánh đúng tinh thần khuyến khích, tạo động lực cho nhân viên, ảnh hưởng khả năng phát hành. Do đó, HĐQT quyết định tạm hoãn việc phát hành ESOP năm 2019 và xin ý kiến cổ đông ủy quyền lựa chọn thời điểm thích hợp, có thể năm nay hoặc các năm sau.

Số tiền thu được từ các đợt phát hành dự kiến sẽ được dùng cho các hoạt động: thanh toán nợ đến hạn, thực hiện các dự án đầu tư của Hòa Bình và tăng quy mô vốn hoạt động.

Thay đổi nhân sự chủ chốt nhưng không có chuyện thâu tóm

Chuẩn bị cho làn sóng đầu tư chuyển dịch từ dân dụng sang công nghiệp sau Covid-19, công ty cho biết đã bổ nhiệm một Phó Tổng giám đốc chuyên trách mảng công nghiệp và phó Tổng giám đốc phụ trách hạ tầng.

Ông Trương Quang Nhật có đơn từ nhiệm Thành viên HĐQT từ 28/5. HĐQT trình cổ đông, bầu bổ sung một thành viên HĐQT thay thế, nhiệm kỳ 2019 - 2024. Ứng viên là ông Lê Viết Hiếu, con trai ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT.

Ông Hiếu sinh năm 1992, hiện là Phó Tổng giám đốc Đối ngoại - Khu vực miền Bắc của Tập đoàn. Tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh, chuyên môn tài chính doanh nghiệp tại một trường Đại học thuộc California, Mỹ, ông Hiếu có 2 năm làm chuyên viên tín dụng của Shinhan Việt Nam.

Từ tháng 12/2016 đến 5/2019, ông Hiếu đảm nhận vị trí Phó Giám đốc, Giám đốc Phát triển thị trường nước ngoài của Xây dựng Hòa Bình. Tính tới ngày 5/6, ông Hiếu sở hữu hơn 1 triệu cổ phiếu HBC, tỷ lệ 0,46%.

Về thông tin cổ phiếu bị thâu tóm cổ phiếu, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, đây là thông tin không được xác minh và chưa thể xác minh được. Qua danh sách cổ đông, một số cổ đông là khách hàng Hòa Bình tuy nhiên chưa có tỷ lệ chi phối. Thị trường có tin đồn Sovico mua 59% cổ phần HBC nhưng thực tế là thông tin sai.

Tại thời điểm này, lãnh đạo Hòa Bình không phát hành tăng vốn vì giá cổ phiếu quá thấp. Công ty cũng không có kế hoạch một công ty bất động sản nào đó trở thành cổ đông chiến lược , vì làm giảm khả năng hợp tác thành nhà thầu, phát sinh việc xung đột lợi ích, có thể gây bất lợi cho các mối quan hệ của Hòa Bình với các chủ đầu tư.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top