Theo thông tin trên Báo Xây dựng sau quá trình làm việc khẩn trương, nghiêm túc về việc thanh tra công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng của Ban quản lý dự án Thăng Long và các dự án: Dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 2 đoạn Mai Dịch - Bắc Hồ Linh Đàm thuộc Vành đai III, TP. Hà Nội; Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1265 – Km1353+185 tỉnh Phú Yên, Thanh tra Bộ Xây dựng đã phát hiện nhiều sai sót, hạn chế trong công tác quản lý của đơn vị này.
Cụ thể, về công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật (thiết kế bản vẽ thi công), dự toán giá gói thầu xây dựng công trình: Tính chưa đúng khối lượng tại một số hạng mục công trình; dự toán áp giá vật liệu nhựa đường, thép hình, thép tấm, hệ số bậc hàng đối với cấp phối đá dăm chưa phù hợp; dự toán áp đơn giá, định mức chưa phù hợp với thành phần, tính chất công việc và một số nguyên nhân khác; làm tăng giá trị dự toán giá gói thầu lên tới gần 30 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Công tác nghiệm thu thanh toán cũng bộc lộ nhiều sai sót như việc nghiệm thu chi phí khảo sát thiết kế không phù hợp; nghiệm thu chưa đúng khối lượng đào nền đường, đá hộc xây mái, diện tích lu lèn lại mặt đường đã cày phá, bê tông lót, ván khuôn dầm ... Dẫn đến thanh toán chưa đúng gần 4 tỷ đồng.
Về công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp, hồ sơ mời thầu không mời riêng các giá trị tạm tính để có cơ sở nghiệm thu thanh toán; tổ chuyên gia chấm thầu chưa làm rõ về nhân sự chủ chốt, thiết bị thi công, năng lực kinh nghiệm nhà thầu, biện pháp thi công của hồ sơ dự thầu so với các nội dung của hồ sơ yêu cầu.
Đặc biệt, trong công tác quản lý hồ sơ chất lượng công trình còn phát hiện nhiều bất cập. Cụ thể, hồ sơ quản lý chất lượng công trình còn thiếu một số biên bản nghiệm thu một số hạng mục; một số các hạng mục bị che khuất nhưng chưa được lập bản vẽ hoàn công trước khi chuyển giai đoạn thi công theo quy định; vật liệu đầu vào: sắt thép, xi măng, cáp dự ứng lực, phụ gia, nhựa đường ... chưa đủ các thí nghiệm tần suất đầu vào và các chứng chỉ chất lượng của nhà sản xuất.
Trước những sai phạm nghiêm trọng nêu trên, Thanh tra Bộ Xây dựng đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Ban quản lý dự án Thăng Long và các tổ chức, cá nhân liên quan kiểm điểm, rút kinh nghiệm và sớm khắc phục các sai sót...
Về phía Ban quản lý dự án Thăng Long, yêu cầu rút kinh nghiệm đối với lãnh đạo các phòng, ban chức năng và các cá nhân có liên quan để xảy ra các sai sót; chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công và các đơn vị có liên quan sớm khắc phục những sai phạm...
Kết luận thanh tra cũng nêu rõ, trong tổng số tiền được Thanh tra Bộ yêu cầu xử lý về mặt kinh tế gần 30 tỷ đồng thì trong đó, Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1265 – Km1353+185 tỉnh Phú Yên là trên 20 tỷ đồng đồng, tiểu dự án xây dựng nút giao Trung Hòa hoàn chỉnh là gần 10 tỷ đồng đồng.
Đối với số tiền được giảm trừ do nghiệm thu, thanh toán chưa đúng tại Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1265 – Km1353+185 tỉnh Phú Yên, trong gần 4 tỷ đồng thì gần 2 tỷ đồng là tiền nghiệm thu, thanh toán giá trị xây lắp chưa đúng và trên 2 tỷ đồng là tiền nghiệm thu, thanh toán giá trị khảo sát thiết kế bản vẽ thi công chưa đúng.
Dự án cầu vượt Hoàng Minh Giám thuộc gói thầu số 4 xây dựng nút giao Trung Hòa hoàn chỉnh do Ban quản lý Dự án Thăng Long làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là liên danh nhà thầu Hanshin (Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - Cienco4). Rạng sáng 11/3/2016, dầm cầu vượt Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh dài 58 m, nặng 150 tấn đang được nâng lên thì bị trượt xuống đường, chắn ngang phố Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội).
Trước đó, vào tháng 1/2016, Bộ Giao thông vận tải đã có thông báo Kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường về xử lý một số tồn tại trong công tác đào, đắp đất Dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Phú Yên.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, Dự án có khối lượng công việc khá lớn và phức tạp, tiến độ thi công gấp nên đến nay vẫn còn những vấn đề tồn tại, phát sinh, trong đó có việc xử lý tận dụng đất đào để đắp và xử lý đào thay đất không thích hợp với khối lượng phát sinh khá lớn so với thiết kế bản vẽ thi công được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Để xảy ra việc này, Bộ Giao thông Vận tải phê bình Ban Quản lý dự án Thăng Long đã không kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ. Vì vậy, Ban Quản lý dự án Thăng Long và các đơn vị tư vấn giám sát phải nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Những dẫn chứng này cũng một lần nữa cho thấy những hạn chế, yếu kém cần sớm phải được điều chỉnh đối với Ban Quản lý dự án Thăng Long - đơn vị đã và đang “nắm trong tay” hàng loạt các dự án đầu tư xây dựng trọng điểm tại Thủ đô./.