Chu kỳ phục hồi của thị trường bất động sản 2014 - 2019 được nhận định là khoảng thời gian vàng kiếm tiền cho các nhà đầu tư.
Đó là thời điểm mà thị trường hình thành nhiều sản phẩm bất động sản đa dạng như đất nền, condotel, villa nghỉ dưỡng… Đặc biệt, sóng thị trường giai đoạn 2014 - 2019 gia tăng liên tục đã khiến cho nhiều nhà đầu tư dễ dàng lướt sóng kiếm tiền tỷ. Điển hình như thời điểm cuối năm 2017, đầu năm 2018, với thông tin Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong lên đặc khu, giá đất gia tăng chóng mặt, không chỉ theo tháng mà còn tăng theo ngày. Mức lợi nhuận khủng mà các nhà đầu tư kiếm được có thể lên tới 150% từ lướt sóng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đến thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản đã không còn tạo ra biên độ lợi nhuận khủng như trước, thị trường bất động sản đang bước vào chu kỳ được dự báo là đầy khó khăn và khắc nghiệt.
Phân tích về khó khăn của thị trường, ông Huỳnh Tuấn, Giám đốc tư vấn CTCK Mirea Asset cho rằng, kể từ đầu năm 2018, khi Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng với bất động sản bằng nhiều công cụ, từ room tín dụng tới công cụ hạn chế dòng tiền thì thị trường bất động sản đã có dấu hiệu "mệt mỏi". Các doanh nghiệp cũng như khách hàng... chật vật trong huy động vốn.
Việc khó huy động vốn từ phía ngân hàng khiến nhà đầu tư và doanh nghiệp mất đi đòn bẩy tài chính chủ chốt.
“Quan trọng nhất là lực cầu của thị trường bất động sản giảm sút nghiêm trọng, trong bối cảnh đây là ngành cần nhiều vốn đề đầu tư, còn thực tế, đại bộ phận dân chúng đã và đang trải qua một giai đoạn kinh tế khó khăn thật sự tới từ hiệu ứng của Covid-19”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng cho rằng, ám ảnh khủng hoảng kinh tế, tâm lý găm tiền mặt sẽ lên ngôi. Khả năng xuống tiền của người dân ngày càng khắt khe. Ngay cả với các nhà đầu tư thứ cấp, sự lựa chọn bỏ vốn cũng không còn dễ dàng như trước.
Mặt khác, việc kiểm soát pháp lý chặt chẽ dự án sẽ thiết chặt nguồn cung dự án bất động sản. Trong khi đó, các sản phẩm bất động sản từng gây sóng đã bộc lộ nhiều hạn chế, làm mất niềm tin của các nhà đầu tư như các dự án bất động sản ma, condotel phá vỡ cam kết, đất nền dính rủi ro pháp lý…
Biên độ lợi nhuận không đạt mức kỳ vọng như trước còn đến từ mức giá bất động sản không hạ. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, giá bất động sản hiện nay không thể xuống, đây là câu trả lời thực tế của thị trường sau đại dịch. Giá chỉ xuống ở thị trường thứ cấp mua đi bán lại, còn thị trường sơ cấp của nhà phát triển dự án thì không thay đổi.
“Các nhà đầu tư hiện nay đều hiểu rằng không thể tìm kiếm siêu lợi nhuận mà chỉ là lợi nhuận hợp lý”, ông Châu nhấn mạnh.