Aa

Hết thời trầm lắng, phân khúc bán lẻ hứa hẹn "bùng nổ" trong năm 2018

Thứ Bảy, 06/01/2018 - 15:00

Các đơn vị nghiên cứu thị trường mới đây đã đưa ra những dự báo khả quan về mặt bằng bán lẻ trong năm 2018. Nếu như năm 2017 ghi nhận bức tranh không mấy sôi động của phân khúc này thì sang năm mới, thị trường bán lẻ hứa hẹn "bùng nổ".

Theo báo cáo thị trường quý IV của Savills, năm 2017, thị trường bán lẻ TP.HCM chứng kiến ít sự biến động về nguồn cung với chỉ khoảng 50.000 m2 sàn bán lẻ mới, ít hơn so với 2 năm trước đó. Trong năm nay, không có dự án quy mô lớn nào được khai trương đi vào hoạt động. Điểm nhấn là sự hồi sinh của một dự án cũ tại quận 5 sau khi thuộc về chủ sở hữu mới cùng sự mở rộng của các chuỗi siêu thị.

Tổng nguồn cung sàn bán lẻ cuối năm 2017 tại TP.HCM đạt mức xấp xỉ 1,2 triệu m2, trong đó khu vực ngoài trung tâm cung cấp gần 86%.

“Tuy nhiên nếu như 2017 là một điểm dừng thì 2018 sẽ hứa hẹn là một năm "bùng nổ" của thị trường bán lẻ với hàng loạt các trung tâm mua sắm mới đang trong quá trình hoàn thiện”, Savills nhận định.

Cũng theo Savills, bán lẻ hiện đại xuất hiện ở Việt Nam tương đối muộn nhưng đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Với sự tăng trưởng mạnh của doanh thu bán lẻ, Việt Nam nhanh chóng trở thành top đầu trong những thị trường mới nổi. Trong bảng xếp hạng về độ hấp dẫn thị trường của 30 nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam xếp vị trí thứ 6 và chỉ sau Malaysia trong khu vực Đông Nam Á.

2018 sẽ hứa hẹn là một năm bùng nổ của thị trường bán lẻ với hàng loạt các trung tâm mua sắm mới đang trong quá trình hoàn thiện

2018 sẽ hứa hẹn là một năm bùng nổ của thị trường bán lẻ với hàng loạt các trung tâm mua sắm mới đang trong quá trình hoàn thiện.

Đặc biệt tại TP.HCM, sự thay đổi trong kinh doanh bán lẻ đang diễn ra rõ nét nhờ vào sự phát triển kinh tế năng động, mặt bằng thu nhập liên tục được tăng lên. Không chỉ giải quyết nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, bán lẻ hiện đại với các trung tâm mua sắm quy mô lớn còn trở thành những địa điểm tích hợp hoạt động mua sắm, vui chơi giải trí, phù hợp với đại đa số người tiêu dùng.

Các trung tâm mua sắm quy mô lớn ngày càng linh hoạt trong việc đa dạng hóa khách thuê, tập trung vào những xu hướng tiêu dùng mới như thời trang nhanh, ẩm thực và giải trí trong khi vẫn đáp ứng tốt nhu cầu xa xỉ phẩm, đặc biệt là các thương hiệu quốc tế.

Ngoài ra, sau giai đoạn M&A mạnh mẽ năm 2015 - 2016, các nhà phát triển bán lẻ đang tích cực nâng cấp và mở rộng hệ thống để tăng cường sức cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần. Sự tăng cường hiện diện của các tập đoàn bán lẻ quốc tế làm bức tranh thị trường trở nên đa dạng và người tiêu dùng đang hưởng lợi từ sự phong phú về hàng hóa và dịch vụ.

Trầm lắng về nguồn cung, không có dự án mới cũng là diễn biến thị trường bán lẻ Hà Nội 2017. Theo nhận định của CBRE Việt Nam, trong 3 tháng cuối năm thị trường bán lẻ Hà Nội không có dự án mới nào ra mắt. Nhìn chung cả năm 2017, tổng nguồn cung dừng ở mức 790.000m2, tăng 4,8% so với cùng kỳ 2016 do hai dự án ra mắt vào thời điểm giữa năm với gần 36.000m2.

Trong khi đó, về mặt bằng khách thuê có vẻ sáng sủa hơn khi ba tháng cuối năm 2017 lại sôi động với ba nhãn hàng nước ngoài được mong chờ ra mắt tại Hà Nội sau một thời gian hoạt động tại TP.HCM, gây được tiếng vang lớn trên thị trường thủ đô. Trong số đó, hai nhãn hàng quốc tế thuộc lĩnh vực thời trang bình dân và một nhãn hàng ẩm thực, phần nào phản ánh xu hướng ngành hàng đang lên của thị trường trong thời gian vừa qua.

các nhà đầu tư phải cân nhắc giữa việc cân bằng mở ra các cửa hàng hiện hữu, song song phải có kênh thương

Các nhà đầu tư phải cân nhắc giữa việc cân bằng mở ra các cửa hàng hiện hữu, song song phải có kênh thương mại điện tử.

Nhận định về bức tranh năm 2018, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận tư vấn và nghiên cứu CBRE Hà Nội cho rằng, đây sẽ là một năm sôi động cho thị trường bán lẻ. Tổng nguồn cung mới dự kiến sẽ khai trương trong năm 2018 vào khoảng 186.000m2 từ 8 dự án. Đây là số dự án khai trương lớn nhất từ trước tới nay, chỉ sau năm 2013 về quy mô diện tích.

Ngoài ra, đa phần các dự án này nằm tại các vị trí đang phát triển nhanh về dân cư và thương mại, với kết nối hạ tầng tốt, được kỳ vọng sẽ có sự hấp dẫn cao đối với cả khách thuê và khách mua sắm, và khi phát triển hoàn thiện có thể sẽ tạo thành một khu vực tổ hợp bán lẻ mua sắm mới của Hà Nội.

Về diễn biến thị trường, theo bà An, mức giá thuê và tỷ lệ trống của thị trường trong quý cuối cùng của năm 2017 nhìn chung đều ổn định với mức giảm 0,06% và 0,03 điểm phần trăm tương ứng theo quý. Tổng thể cả năm 2017, giá thuê trung bình toàn thị trường được cải thiện nhẹ với mức tăng 1,15% so với năm trước.

Trong khi đó, tỷ lệ lấp đầy lại có xu hướng giảm 2,53 điểm phần trăm theo năm do tỷ lệ trống tăng thêm ở một số TTTM ngoài trung tâm mặc du khu vực trung tâm được cải thiện. Cùng với tỷ lệ nguồn cung lớn, chủ yếu nằm ngoài trung tâm, mức độ cạnh tranh của khu vực này dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Đưa ra lời khuyên với các nhà phát triển, bà An cho rằng, Việt Nam là thị trường tương đối mới, các nhà đầu tư phải cân nhắc giữa việc cân bằng mở ra các cửa hàng hiện hữu, song song phải có kênh thương mại điện tử để dung hòa lượng khách giữa hai kênh này. Ngoài ra phải tùy ngành hàng để cân nhắc nên mở cửa hàng diện tích bao nhiêu, cân đối lượng hàng hóa bán được trên kênh trực tuyến.

“Là một nước đi sau nên có lẽ, chúng ta đang ở giai đoạn đầu việc mở các cửa hàng trực tuyến. Tuy nhiên trong thời gian tới, xu hướng hầu hết các nhà bán lẻ đều cân nhắc kết hợp hai mô hình cửa hàng hiện hữu và trực tuyến để không bị bỏ qua lượng khách tiềm năng của hai mô hình này”, bà An nhận định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top