Aa

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên năm 2025

Thứ Sáu, 09/05/2025 - 08:30

Sáng 9/5, tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức sự kiện thường niên - "Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên năm 2025" nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động năm 2024, 4 tháng đầu năm 2025 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2025 - 2026.

Hội nghị do TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam làm chủ tọa. Tham gia hội nghị, về phía VNREA cũng có sự hiện diện của các Phó Chủ tịch: Ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội; ông Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes); ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Chi hội Môi giới Bất động sản Việt Nam; ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup; ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land); ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân.

Về phía các khách mời cơ quan Trung ương, hội nghị có sự tham dự của bà Tống Thị Hạnh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng; bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - đại diện Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ.

Về phía các chuyên gia, nhà khoa học có KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng; TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách của Thủ tướng Chính phủ; TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia Kinh tế.

Đặc biệt, Hội nghị có sự tham dự của đông đủ các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc và Hội viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên năm 2025- Ảnh 1.

TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch VNREA phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Nguyễn Văn Khôi cho biết, trong bối cảnh đất nước đang bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, từ tư duy cho đến những hành động cụ thể đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ, như ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân… 

Liên quan đến thị trường bất động sản, 3 bộ luật quan trọng của thị trường gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã được thông qua và có hiệu lực, hỗ trợ rất lớn cho thị trường trong bối cảnh hiện tại và thời gian tới. Trong khi đó, tình hình thế giới hiện đang có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là câu chuyện thuế quan giữa Hoa Kỳ và các nước.

Trên cơ sở đó, TS. Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh, Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt hội viên thường niên lần này rất mong nhận được các ý kiến đóng góp tâm huyết từ các đại biểu tham dự về kết quả hoạt động năm 2024 và quý I/2025 cùng nhiệm vụ năm 2025 của Hiệp hội.

“Chúng ta biết rằng, 2025 là năm cuối cùng của nhiệm kỳ 2021 - 2025 và chuẩn bị bước sang nhiệm kỳ mới 2026 - 2030 - nhiệm kỳ để bước vào Kỷ nguyên mới của dân tộc. Trong đó, bất động sản là lĩnh vực quan trọng, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Vì vậy, hy vọng rằng những ý kiến của các đồng chí ngày hôm nay sẽ hữu ích, đóng góp lớn vào sự phát triển của Hiệp hội và thị trường bất động sản trong giai đoạn tới. Trong đó, các vấn đề về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển nhà ở xã hội, bất động sản công nghiệp là những vấn đề trọng tâm cần sự đóng góp ý kiến của các quý vị”, Chủ tịch VNREA nói.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên năm 2025- Ảnh 2.

Bà Tống Thị Hạnh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, bà Tống Thị Hạnh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đánh giá, thị trường bất động sản là một trong những thị trường trụ cột của nền kinh tế quốc dân, không chỉ đóng vai trò thu hút nguồn lực đầu tư mà còn góp phần hình thành các tài sản cố định có giá trị lâu dài cho nền kinh tế. Qua đó, thị trường này trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá và góp phần tái định hình diện mạo đô thị hiện đại.

Không chỉ có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, thị trường bất động sản còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực khác như tài chính - tiền tệ, xây dựng, vật liệu, logistics... Nhờ đó, sự phát triển của thị trường này luôn gắn liền với chuyển động chung của toàn nền kinh tế, là một "mắt xích" quan trọng trong chuỗi phát triển bền vững.

Thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng đã phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do chịu tác động kép từ các yếu tố trong nước và quốc tế. Áp lực từ lạm phát, lãi suất, dòng vốn tín dụng siết chặt cùng với những biến động kinh tế toàn cầu đã khiến năng lực sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trước bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã thể hiện rõ sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực bất động sản thông qua việc liên tục rà soát, sửa đổi và bổ sung nhiều cơ chế, chính sách pháp luật quan trọng. Cùng với đó là việc triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ khi hàng loạt chỉ đạo điều hành từ Chính phủ và các bộ ngành đã được ban hành, nhằm từng bước tháo gỡ vướng mắc, phục hồi niềm tin và hướng tới mục tiêu phát triển thị trường bất động sản theo hướng an toàn, lành mạnh và bền vững.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên năm 2025- Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội nghị.

Bà Tống Thị Hạnh đánh giá cao vai trò của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, bao gồm các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, khai thác và kinh doanh bất động sản. Hiệp hội cũng là nơi tập hợp các lực lượng có liên quan trực tiếp đến thị trường nhà đất, đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa cơ quan quản lý Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp.

"Thời gian qua, Hiệp hội đã phát huy vai trò chủ động trong việc tham gia góp ý, đề xuất xây dựng chính sách, đặc biệt là trong lĩnh vực pháp luật về nhà ở và bất động sản. Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, Hiệp hội còn tích cực tổng hợp, phản ánh các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thi hành, từ đó kiến nghị hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng khả thi, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững", bà Hạnh nhấn mạnh.

Về công tác phát triển nhà ở xã hội (NOXH), lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản cho biết thêm, trong bối cảnh nhu cầu nhà ở ngày càng cấp thiết, đặc biệt đối với người thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp, Đảng và Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến việc phát triển phân khúc này. Bộ Xây dựng cũng đã trình Quốc hội Nghị quyết thí điểm về phát triển NOXH, trong đó đề xuất hàng loạt giải pháp đột phá nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và sớm đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu nhà ở bức thiết của nhân dân.

Theo đó, loạt cải cách toàn diện đã được đề xuất và triển khai, từ khâu quy hoạch, thiết kế, lựa chọn nhà thầu đến xác định giá bán, giá thuê. Nhiều thủ tục hành chính rườm rà đã được cắt giảm đáng kể; trong đó, các thủ tục về đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà thầu, phòng cháy chữa cháy… được lồng ghép và đơn giản hóa theo hướng tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chất lượng.

Với loạt giải pháp cải cách đang được triển khai, có thể nói tiến độ thực hiện các dự án NOXH sẽ được rút ngắn đáng kể so với quy định hiện hành. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp chủ động tham gia vào phân khúc NOXH.

Tuy nhiên, để phân khúc này thực sự bứt phá, lãnh đạo Bộ Xây dựng kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ nâng cao hơn nữa năng lực quản trị, năng lực tài chính cũng như chất lượng sản phẩm, để không chỉ đáp ứng tiến độ mà còn đảm bảo mục tiêu về chất lượng, giá thành hợp lý, phù hợp với nhu cầu của người dân có thu nhập trung bình, thấp.

"Hy vọng rằng cộng đồng doanh nghiệp dành sự quan tâm, coi đây không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là hướng đi chiến lược bền vững trong dài hạn", bà Hạnh bày tỏ và đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - tổ chức đại diện tiếng nói của doanh nghiệp - tiếp tục đồng hành cùng Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan thông qua việc đề xuất chính sách, phản ánh kịp thời vướng mắc từ thực tiễn và đóng góp các sáng kiến hiệu quả, nhằm góp phần quan trọng để thị trường nhà ở, đặc biệt là NOXH, phát triển theo hướng minh bạch và bền vững.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên năm 2025- Ảnh 4.

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ về thị trường bất động sản Việt Nam với chuyên đề “Triển vọng thị trường bất động sản trong kỷ nguyên mới”.

Đánh giá về tình hình thị trường bất động sản năm 2024 và 4 tháng đầu năm 2025, tại Hội nghị, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thị trường bất động sản ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, đang từng bước phục hồi, tuy nhiên tốc độ còn chậm.

Trong đó, về nguồn vốn chảy vào thị trường đã ghi nhận những diễn biến đáng chú ý. Dư nợ cho vay bất động sản đến cuối năm 2024 ước đạt khoảng 3,2 triệu tỷ đồng, chiếm gần 21% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản tăng mạnh 18%, còn tín dụng cho nhà ở tăng khoảng 6,5%, đưa tổng mức tăng tín dụng bất động sản lên khoảng 12%.

Năm 2024 ghi nhận 4.580 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, giảm 2,7% so với cùng kỳ, trong khi tổng vốn đăng ký giảm nhẹ 0,3%. Dù vậy, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng vọt 42% lên 3.227 doanh nghiệp, song song với đó là 4.225 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 14%. Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm 2025, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15,1% đạt 1.580 doanh nghiệp, số doanh nghiệp quay lại hoạt động tiếp tục tăng 42% lên 1.858 đơn vị, trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã bắt đầu giảm nhẹ 1%. Tuy nhiên, vốn đăng ký của doanh nghiệp mới trong giai đoạn này lại sụt giảm 10,8%.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng rất tích cực cho thị trường bất động sản. Năm 2024, tổng vốn đăng ký mới, bổ sung, góp vốn và mua cổ phần vào lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 6,3 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng FDI đăng ký vào Việt Nam; trong khi vốn giải ngân đạt 1,84 tỷ USD, tương đương 7,2%. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2025, FDI đăng ký vào bất động sản đạt 1,5 tỷ USD (chiếm 26,9%), với mức giải ngân đạt 533 triệu USD (chiếm 7,9%).

Đối với kênh trái phiếu doanh nghiệp, tổng lượng phát hành trong năm 2024 đạt khoảng 442 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng các doanh nghiệp bất động sản chiếm gần 20,4% với khoảng 90 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, bước sang quý I/2025, thị trường ghi nhận chưa có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu mới. Có thể thấy, sự phục hồi của thị trường trái phiếu đã tích cực trong năm ngoái nhưng chậm lại vào đầu năm nay.

Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2025 ước tính khoảng 173.000 tỷ đồng, trong đó bất động sản chiếm khoảng 62.000 tỷ đồng được gia hạn từ các năm trước. Riêng nhóm doanh nghiệp bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng áp đảo với khoảng 93.500 tỷ đồng đáo hạn, tương đương 59% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA).

Bên cạnh nguồn vốn, TS. Cấn Văn Lực cho biết trong năm 2024, GDP ngành kinh doanh bất động sản tăng 3,34%, cải thiện hơn so với mức 0,24% của năm 2023 nhưng chưa thực sự đột phá; lĩnh vực xây dựng tăng trưởng 7,87%, cao hơn mức 7,06% của năm trước đó, nhưng không quá lớn. Sang quý I/2025, đà phục hồi tiếp tục được duy trì nhưng chưa thực sự diễn ra mạnh mẽ.

Nguồn cung nhà ở thương mại mới trong quý I/2025 tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2024, dù vậy vẫn chỉ bằng 50% so với quý liền trước. Giao dịch chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền cũng ghi nhận khởi sắc khi số lượng giao dịch tăng gấp đôi cùng kỳ, song quy mô giao dịch chỉ bằng một nửa quý IV/2024. Đặc biệt, dù nguồn cung có xu hướng cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Các động lực mới từ Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý KCN và khu kinh tế, cùng với việc đầu tư hạ tầng được đẩy mạnh, đang mở ra kỳ vọng mới cho thị trường.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên năm 2025- Ảnh 5.

Tuy nhiên, thị trường cũng đối diện với không ít thách thức. Trong năm 2024, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết giảm 1,7%, giá cổ phiếu giảm 2%, chủ yếu do chi phí hoạt động tăng mạnh (tăng 31,1%). Quý I/2025, mặc dù lợi nhuận sau thuế của nhóm doanh nghiệp này tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ kết quả đột biến từ một số doanh nghiệp lớn, nhưng vẫn giảm 58,8% so với quý trước. Giá cổ phiếu tăng 17,7% so với cuối năm 2024, cho thấy thị trường đang phục hồi, song tốc độ vẫn còn chậm và thiếu đồng đều.

Về giá, TS. Cấn Văn Lực cho biết tình trạng tăng giá bất động sản vẫn tiếp tục tiếp diễn. Trong giai đoạn 2019 - 2024, giá bất động sản tại Việt Nam đã tăng tới 59%, cao hơn cả Mỹ (+54%), Úc (+49%), Nhật Bản (+41%) và Singapore (+37%).

"Với đà tăng giá như hiện tại, công chức bình thường phải mất gần 26 năm mới mua được chung cư", ông Lực nói và cho biết, Việt Nam ngày càng tụt hạng về mức độ tiếp cận nhà ở. Trong đó, có ít nhất 6 nguyên nhân chính khiến giá nhà ở tại Việt Nam bị đẩy lên cao trong những năm gần đây.

Thứ nhất, những vướng mắc pháp lý kéo dài cùng với tâm lý e ngại trách nhiệm từ phía các cơ quan chức năng khiến quá trình phê duyệt dự án chậm trễ, dẫn đến nguồn cung nhà ở khan hiếm.

Thứ hai, chi phí đầu vào của các dự án bất động sản ngày càng tăng, bao gồm tiền thuê đất hoặc sử dụng đất, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí tài chính, giá vật liệu xây dựng, chi phí đầu tư xây dựng…

Thứ ba, sự mất cân đối cung cầu thể hiện rõ ở việc nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung phát triển phân khúc cao cấp (biên lợi nhuận cao) trong khi nguồn cung nhà ở trung cấp và vừa túi tiền, bao gồm cả nhà ở xã hội, lại thiếu hụt. Điều này kéo mặt bằng giá bình quân tăng vọt.

Thứ tư, tình trạng "thổi giá", "làm giá" hay "té nước theo mưa" vẫn còn tồn tại trên thị trường, khiến giá bị đẩy lên mức không phản ánh đúng giá trị thực, điển hình là các vụ đấu giá đất bất thường và hiện tượng cò mồi thao túng thị trường nhà ở xã hội.

Thứ năm, hoạt động đầu cơ vẫn phổ biến. Một khảo sát của Batdongsan.com.vn năm 2024 cho thấy, 86% người mua bất động sản chỉ nắm giữ nhà trong chưa đầy 1 năm, phản ánh rõ tính đầu tư ngắn hạn, mua đi bán lại kiếm lời.

Thứ sáu, việc Việt Nam chưa áp dụng thuế tài sản (thuế sở hữu bất động sản) trong khi thuế chuyển nhượng và cho thuê ở mức khá thấp cũng góp phần khiến dòng tiền đổ vào thị trường này dễ dàng hơn, đẩy giá lên cao nhưng thiếu tính bền vững.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên năm 2025- Ảnh 6.

Ông Đỗ Viết Chiến - Phó Chủ tịch Thường trực VNREA trình bày Báo cáo tóm tắt đánh giá hoạt động năm 2024 và kế hoạch hoạt động 2025 của Hiệp hội.

Trình bày Báo cáo tóm tắt đánh giá hoạt động năm 2024 và kế hoạch hoạt động năm 2025 của VNREA, ông Đỗ Viết Chiến - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội cho biết năm qua, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành, đồng hành cùng doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong công tác đầu tư, quản lý, tư vấn, dịch vụ môi giới bất động sản, góp phần quan trọng vào sự phục hồi và thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam phát triển ngày càng an toàn, lành mạnh, bền vững.

Trong đó, đáng chú ý là công tác tư vấn, giám định và phản biện xã hội - nhiệm vụ trọng tâm lớn và thường xuyên của Hiệp hội. Ông Đỗ Viết Chiến cho biết, thời gian qua, Hiệp hội đã phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý và từ các hoạt động thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản để tư vấn cho các cơ quan quản lý nhà nước trình Chính phủ về các cơ chế chính sách nhằm phát triển thị trường bất động sản.

Hiệp hội thường xuyên tham gia đóng góp ý kiến với các luật, nghị định, cơ chế chính sách, các giải pháp về bất động sản, quản lý phát triển đô thị, quy hoạch đô thị và nông thôn.

Lãnh đạo và Ban pháp chế Hiệp hội cũng tham dự các cuộc họp trực tiếp và trực tuyến đóng góp ý kiến đối với việc xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực xây dựng, bất động sản, quy hoạch, đấu thầu, thủ tục hành chính. Trực tiếp đồng chí Chủ tịch Hiệp hội và các đồng chí Phó Chủ tịch Hiệp hội đã tham gia đầy đủ, tổng hợp đề xuất ý kiến doanh nghiệp bằng văn bản và tại hội nghị.

"Kết quả, nhiều nội dung kiến nghị của Hiệp hội đã được đưa vào các luật, văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản", ông Đỗ Viết Chiến nhấn mạnh.

Không chỉ góp ý, phản biện chính sách, VNREA còn chủ động trong việc lan tỏa chính sách, thông qua việc triển khai Đề án truyền thông "Tuyên truyền, phổ biến, thực thi có hiệu quả chính sách pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản". Đề án bao gồm các hoạt động đa dạng như hội nghị đối thoại, chương trình giao lưu trực tuyến, tuyên truyền trên báo chí và ấn phẩm cẩm nang.

Hiệp hội cũng tổ chức và chỉ đạo các đơn vị của Hiệp hội tổ chức các hoạt động, sự kiện khác liên quan đến hoạt động hội viên, chuyên đề về cơ chế chính sách, những vấn đề nóng mà cộng đồng bất động sản đang quan tâm. Đơn cử như chỉ đạo Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ V; Đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp về 3 Luật mới ban hành; Hội thảo "Áp dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024: Những vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản Việt Nam"…

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng phối hợp với các địa phương và Hiệp hội bất động sản cơ sở bàn kế hoạch, giải pháp phát triển bất động sản, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như ở tỉnh Bắc Giang, Ninh Bình…

Về công tác đối ngoại và quan hệ hợp tác quốc tế của Hiệp hội thời gian qua, Phó Chủ tịch Thường trực VNREA cho biết, đã phát triển ngày càng chủ động, sâu rộng, mạnh mẽ và thực chất.

Năm 2024, Hiệp hội đã có buổi làm việc trực tuyến với Hiệp hội Bất động sản Niêm yết Châu Âu (EPRA) bàn về chiến lược mở rộng quan hệ quốc tế và tổ chức đoàn tham dự nhiều sự kiện quốc tế như: Hội nghị đoàn Chủ tịch (ARENA) lần thứ 12 tại Viêng Chăn (Lào), Diễn đàn Bất động sản tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Hội nghị Bất động sản Thế giới FIABCI lần thứ 74 tại Singapore, Giải thưởng Fiabci Thai Prix D Excellence tại Thái Lan, Hội nghị thường niên và Triển lãm Bất động sản Hoa Kỳ 2024 tại Boston.

TS.LS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại của Hiệp hội cũng đã xuất bản cuốn sách song ngữ "Bất động sản Việt Nam với người nước ngoài - Vietnam Real Estate For Foreigners", nội dung cập nhật nhất về các quy định có liên quan với người nước ngoài trong các Luật Đất đai, Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, các Nghị định, Thông tư và các văn bản có liên quan khác.

Những tháng đầu năm 2025, công tác đối ngoại cũng được đẩy mạnh với các cuộc họp quan trọng. Đặc biệt là việc họp trực tuyến với Liên đoàn Bất động sản Anh (BPF) vào ngày 20/1/2025, mở ra cơ hội hợp tác đầu tư quốc tế cho các doanh nghiệp Việt Nam. Từ ngày 14 - 16/02/2025, Hiệp hội với vai trò chủ nhà, đã tổ chức cuộc họp Hội đồng Chủ tịch Liên minh mạng lưới bất động sản ASEAN (ARENA COP) lần thứ 13 tại Phú Quốc (Kiên Giang), bàn về việc mở rộng quan hệ hợp tác và các giải pháp cho phát triển bền vững trong khu vực.

Chia sẻ về dự kiến phương hướng, nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2025, ông Đỗ Viết Chiến cho biết, Hiệp hội sẽ tiếp tục kiện toàn nhân sự khối Văn phòng Hiệp hội; rà soát sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức hoạt động của các đơn vị thuộc, trực thuộc Hiệp hội; phát triển hội viên theo hướng áp dụng công nghệ 4.0.

Hiệp hội sẽ tổ chức nhiều chương trình sự kiện, giải thưởng có chất lượng nhằm dẫn dắt doanh nghiệp khu công nghiệp chuyển đổi dần hoạt động sang hướng xanh, sinh thái tuần hoàn. Tiếp tục tham mưu mở rộng quan hệ với các tỉnh, địa phương và làm việc với các Tập đoàn lớn (như: Cao Su, DIG, Hưng Thịnh…) chuyển hướng sang đầu tư khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Nghiên cứu, đề xuất thành lập các Quỹ để phát triển môi trường, đầu tư, công nghiệp...

Bên cạnh đó, triển khai hoạt động của văn phòng đại diện Hiệp hội tại Khánh Hòa và TP.HCM, kết nối khu vực miền Trung và Nam Bộ cùng hoạt động, tập trung phát triển hội viên trong năm 2025. Nghiên cứu thành lập mô hình Liên chi hội quản lý tòa nhà thuộc Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Về công tác tư vấn, giám định, phản biện xã hội và tổ chức các sự kiện, tiếp tục tham gia tích cực, chất lượng, hiệu quả trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan thị trường bất động sản, tham gia sửa đổi bổ sung các luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản một cách đồng bộ giữa các luật và văn bản dưới luật như Luật Đầu tư, Luật Du lịch, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị… Đồng thời chủ động phối hợp các cơ quan Nhà nước kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án bất động sản tại các địa phương và thực hiện 3 Luật mới được ban hành.

Thường xuyên theo dõi, phân tích thị trường, tổ chức các chuyên đề và có báo cáo thực trạng, cũng như đề xuất các giải pháp về cơ chế chính sách nhằm phục hồi, lành mạnh hóa và phát triển bền vững thị trường bất động sản Việt Nam theo từng giai đoạn.

Tổ chức xây dựng đề án và thực hiện chương trình trong các lĩnh vực như: Hợp tác quốc tế và xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn vốn, quỹ phát triển nhà ở và thị trường bất động sản Việt Nam; giải pháp đẩy mạnh đầu tư phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ; giải pháp thúc đẩy tăng trưởng thị trường bất động sản công nghiệp và nhà ở công nhân, thu nhập thấp...

Tiếp tục tham gia các chương trình trọng tâm khác như: (1) Chương trình chiến lược phát triển Kinh tế Xã hội 10 năm 2021 - 2030 và chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045; (2) Chương trình kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Xây dựng, các giải pháp đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; (3) Tham gia hiệu quả góp phần hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý nhà ở, thông tin về thị trường giá cả bất động sản và thị trường bất động sản, đảm bảo kết nối liên thông, đồng bộ với hệ thống quốc gia về đất đai, bất động sản theo hướng công khai, minh bạch…

Về hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư, trong quan hệ đối với các tổ chức, đối tác quốc tế, Hiệp hội tiếp tục vận động hội viên tham gia các chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế, tham gia các hoạt động, sự kiện, các chương trình đào tạo…

Hiệp hội và các đơn vị tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương hiệu quả với các tổ chức quốc tế về bất động sản trên phạm vi toàn cầu theo quy định của pháp luật. Thiết lập mối quan hệ hợp tác với các Hiệp hội bất động sản các nước trong nhóm G7, G20, EU, Trung Đông, Australia, New Zealand và các nước khu vực Nam Mỹ. Tuyên truyền vận động các doanh nghiệp hội viên nắm được hiệu quả của việc tham gia các tổ chức quốc tế, cùng Hiệp hội tham dự sự kiện của các tổ chức và các quốc gia để trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu chính sách, các quy định về các lĩnh vực như phát triển và kinh doanh bất động sản, các vấn đề về tài chính cho phát triển nhà ở, chính sách phát triển nhà cho thuê, nhà ở vừa túi tiền, cải tạo các chung cư cũ, mô hình phát triển nhà ở xanh, sinh thái & thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phát triển bất động sản, công tác đào tạo các kỹ năng tư vấn, môi giới, định giá, quản lý và kinh doanh bất động sản…

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên năm 2025- Ảnh 7.

Tại phiên thảo luận, Hội nghị đã lắng nghe ý kiến chia sẻ của đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp Hội viên, lãnh đạo các Hiệp hội Bất động sản địa phương. Trong đó, các ý kiến đều bày tỏ sự phấn khởi và kỳ vọng lớn vào Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Ông Phạm Lâm - Trưởng Văn phòng đại diện VNREA tại khu vực phía Nam bày tỏ, đây là bước ngoặt chiến lược, đặt nền tảng cho tư duy kiến tạo, mở đường cho doanh nghiệp bất động sản bước vào một giai đoạn phát triển mới với sự chủ động, sáng tạo và tận dụng tối đa nguồn lực.

Ông Nguyễn Văn Kế - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đắk Lắk nhấn mạnh, trong kỷ nguyên vươn mình của nền kinh tế, hàng loạt chủ trương lớn từ Đảng, Nhà nước, điển hình như Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân đã và đang mở ra cánh cửa mới cho doanh nghiệp tiếp cận cơ hội, tháo gỡ khó khăn, tái định vị vai trò trong hệ sinh thái kinh tế quốc gia.

Trong bối cảnh ấy, ông Kế cho rằng bản thân doanh nghiệp phải giữ vững vai trò là chủ thể kiến tạo tăng trưởng. Doanh nghiệp không chỉ là bên thụ hưởng chính sách mà cần thực sự làm chủ quá trình phát triển để đóng góp vào chiến lược chung. Hàng loạt cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho thị trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững đang được kỳ vọng sẽ ban hành trong thời gian tới. 

"Cơ hội cũng đi kèm với thách thức. Nếu thị trường bất động sản bùng nổ một cách đồng loạt, thiếu kiểm soát, phát triển lệch pha với nhu cầu sử dụng thực tế, hệ lụy tất yếu là nguồn cung dư thừa, dự án ra đời mà không có người ở. Từ thực tiễn đó, tôi cho rằng rất cần có một chiến lược định hướng rõ ràng, không chỉ từ cơ quan quản lý mà cả trong chính sách của doanh nghiệp, phát triển bất động sản cần phù hợp với thực tiễn từng địa phương, gắn với quy hoạch tổng thể, dân số, hạ tầng và nhu cầu thật của người dân", ông Nguyễn Văn Kế nói.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên năm 2025- Ảnh 8.

Ông Nguyễn Văn Kế - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đắk Lắk phát biểu tại Hội nghị.

Trong bối cảnh thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính, ông Phạm Lâm chia sẻ thêm, tại thị trường các địa phương vẫn còn không ít dự án gặp vướng mắc do thiếu cơ chế giải quyết chuyên biệt và bày tỏ lo ngại tình trạng này có thể kéo dài trong thời gian tới, ảnh hưởng đến tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, gây ách tắc nguồn cung và lãng phí nguồn lực xã hội.

Do đó, ông Phạm Lâm cho rằng cần có kiến nghị sớm thành lập tổ công tác chuyên trách tại từng địa phương để tập trung tháo gỡ các nút thắt dự án tồn đọng, vừa giúp địa phương phục hồi kinh tế, vừa kịp thời bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản.

Chia sẻ về thị trường bất động sản phía Nam, ông Lâm cho biết dù còn nhiều khó khăn nhưng thị trường gần đây ghi nhận những tín hiệu tích cực khi nhiều dự án mới, quy mô lớn với pháp lý hoàn chỉnh đã được mở bán. "Tuy nhiên, tôi cho rằng điều thị trường cần không chỉ là sự sôi động nhất thời, mà là một bước tiến bền vững, minh bạch và có chiều sâu, để đủ sức thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời tạo nền tảng ổn định lâu dài cho người dân tiếp cận nhà ở".

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên năm 2025- Ảnh 9.

Ông Phạm Lâm - Trưởng Văn phòng đại diện VNREA tại khu vực phía Nam phát biểu tại Hội nghị.

Về vấn đề liên quan đến hoạt động môi giới, ông Phạm Lâm cho biết từ ngày 1/8/2024 đến nay, nhiều địa phương trên toàn quốc vẫn chưa tổ chức kỳ thi sát hạch môi giới bất động sản theo quy định, dẫn đến việc lúng túng khi triển khai bán hàng. Không ít doanh nghiệp yêu cầu môi giới xuất trình chứng chỉ hành nghề nhưng không thể đáp ứng, gây đình trệ trong giao dịch và làm giảm niềm tin của khách hàng.

"Để khắc phục, tôi mong Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức các kỳ thi sát hạch môi giới theo vùng, theo địa phương, góp phần chuyên nghiệp hóa lực lượng môi giới", ông Lâm đề xuất.

Liên quan đến công tác quản lý vận hành tòa nhà, sau sự việc một Ban quản trị chung cư tại TP.HCM bị xử phạt hơn 119 tỷ đồng vì hành vi không xuất hóa đơn trong vận hành tòa nhà, không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân mà còn tiềm ẩn rủi ro lớn cho sự ổn định thị trường, ông Phạm Lâm cũng đề xuất Hiệp hội nghiên cứu thành lập một nhánh chuyên trách về quản lý vận hành bất động sản, nhằm tư vấn pháp lý, hỗ trợ chuyên môn cho các ban quản trị và đơn vị vận hành; đồng thời đề xuất các quy chuẩn quản lý, tránh phát sinh xung đột và bảo vệ quyền lợi người dân. Bên cạnh đó, cũng cần thúc đẩy việc lựa chọn thành viên Ban quản trị có chuyên môn, nhằm nâng cao chất lượng quản lý vận hành khu đô thị, tòa nhà.

Về câu chuyện chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản, ông Lê Hoàng Hoán, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, Chủ tịch Tập đoàn Đất Việt cho biết, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, lĩnh vực bất động sản vốn được xem là truyền thống cũng đang từng bước tiếp cận và áp dụng các công nghệ hiện đại, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên, việc tiếp cận công nghệ trong lĩnh vực này diễn ra còn chậm, chưa ghi nhận nhiều chuyển biến.

Trong khi đó, nếu áp dụng hiệu quả công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào bất động sản, điều này không chỉ giúp lĩnh vực này nâng cao hiệu quả quản lý, tiếp thị và giao dịch, mà còn giúp tạo ra những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, đồng thời tối ưu hóa chi phí vận hành cho các doanh nghiệp.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên năm 2025- Ảnh 10.

Ông Lê Hoàng Hoán, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, Chủ tịch Tập đoàn Đất Việt phát biểu tại Hội nghị.

Lấy ví dụ, ông Hoán cho biết, AI sẽ mang lại những giải pháp mới từ mô phỏng dữ liệu lớn để dự đoán xu hướng quy hoạch đến tự động hóa trong thiết kế kiến trúc, phân tích hình ảnh vệ tinh, bản đồ GIS, phát hiện xung đột thiết kế hoặc vi phạm quy chuẩn xây dựng.

AI cũng sẽ nâng cao hiệu quả và nhanh chóng tạo ra các dự án chất lượng cao, với chi phí thấp hơn như thu thập thông tin và đánh giá hiện trạng của địa điểm xây dựng công trình; nghiên cứu đề xuất các ý tưởng thiết kế; triển khai các nội dung thiết kế kỹ thuật, chuyển đổi để có thể áp dụng cho các quy trình xây dựng hiện đại theo hướng công nghiệp hóa xây dựng.

"Trong tương lai gần, đối với lĩnh vực bất động sản, trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là xu hướng mà sẽ trở thành "nền móng thông minh" cho một kỷ nguyên vươn mình của đất nước - nơi mà công nghệ, con người và tài nguyên được kết nối tối ưu hướng đến tương lai bền vững và thịnh vượng", ông Hoán nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ hội nghị, bà Nguyễn Thy Dung, Giám đốc Trung tâm Phát triển Bất động sản, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp đã giới thiệu Niên giám Bất động sản Công nghiệp Việt Nam, quy hoạch phát triển đến năm 2030 (bao gồm các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên toàn quốc). Đây là công cụ tra cứu chuyên sâu, đầy đủ và chính xác, phục vụ hiệu quả nhu cầu tìm kiếm, đánh giá cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đang quan tâm đến thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Đồng thời, ấn phẩm cũng tổng hợp và thống kê chi tiết hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm logistics, cảng biển, sân bay, ga đường sắt… trên toàn quốc, cập nhật theo quy hoạch mới nhất đến năm 2030, góp phần nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin thị trường cho nhà đầu tư.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên năm 2025- Ảnh 11.

TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch VNREA phát biểu kết luận Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch VNREA bày tỏ cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo Bộ Xây dựng, các chuyên gia, nhà khoa học, khách mời và các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc và hội viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. TS. Nguyễn Văn Khôi khẳng định Hiệp hội sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo từ Bộ Xây dựng, ý kiến của các đại biểu đã phát biểu tại hội nghị, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hội nghị đã thông qua dự thảo Nghị quyết Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam với sự nhất trí cao của các đại biểu tham dự (100%).

Đặc biệt, tại Hội nghị, VNREA đã tặng bằng khen cho 34 tập thể, 102 đơn vị và các cá nhân đã có sự đồng hành bền bỉ, đóng góp tích cực, hiệu quả vào hoạt động của Hiệp hội. Đây là sự ghi nhận những nỗ lực xứng đáng, đồng thời là nguồn động viên to lớn để các tổ chức, cá nhân tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên năm 2025- Ảnh 12.

TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên năm 2025- Ảnh 13.

Bà Tống Thị Hạnh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên năm 2025- Ảnh 14.

Ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên năm 2025- Ảnh 15.

Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes)

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên năm 2025- Ảnh 16.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên năm 2025- Ảnh 17.

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên năm 2025- Ảnh 18.

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco (ngoài cùng bên phải)

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên năm 2025- Ảnh 19.

Ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên năm 2025- Ảnh 20.

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên năm 2025- Ảnh 21.

Ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Vinaconex (trái) và TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (phải)

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên năm 2025- Ảnh 22.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top