20 năm trở lại đây, sự hiện diện của các toà chung cư dần trở thành một mảnh ghép của bức tranh đô thị Việt. Chung cư là loại hình nhà ở mới, loại hình sinh hoạt mới. Cũng chính mô hình này đã khiến cuộc sống của mỗi con người thay đổi nhiều về sinh hoạt và tập quán. Tuy nhiên, có những thứ thuộc về nguồn cội vẫn bền bỉ theo thời gian và không gian. Đó là văn hoá tín ngưỡng và tâm linh, sau mấy ngàn năm, ban thờ tổ tiên luôn hiện hữu trong bất cứ gia đình người Việt Nam nào. Có khác chăng chỉ là ở không gian, từ mặt đất lên các tầng cao hơn, từ một gian thờ rộng rãi đến một không gian nhỏ hẹp hơn. Và để có một nơi chốn an yên, hạnh phúc, có lẽ thay vì chỉ đơn thuần xây dựng những toà nhà thật to, thật đẹp, còn cần chăm sóc đến phần "tinh thần" trong mỗi toà cao ốc.
Những khác biệt
Gắn liền với các loại hình chung cư, văn hóa tâm linh và tín ngưỡng của cư dân cũng có sự phân hóa rõ rệt và khác biệt.
Nhóm chung cư được hình thành từ xưa (hay còn gọi là nhà tập thể, nhà công vụ) dành cho đối tượng được Nhà nước phân sẽ có đặc điểm là khác biệt về độ tuổi.
Nhóm chung cư giá rẻ là nơi hội tụ của những hộ gia đình trẻ, đồng đều về độ tuổi, trình độ và thu nhập.
Ở nhóm chung cư tầm trung và cao cấp, nơi đây được đầu tư kỹ lưỡng về chất lượng tiện nghi.
Sự khác biệt của nhóm chung cư cũng tạo ra những quan điểm và văn hóa tín ngưỡng khác nhau. Đối với nhóm chung cư giá rẻ hoặc khu nhà tập thể, văn hóa tín ngưỡng của người dân được đề cao hơn và mang tính sinh hoạt chung. Ngược lại, ở nhóm chung cư tầm trung và cao cấp, các gia đình có sự phân hóa rõ rệt về nhu cầu trong tín ngưỡng và tâm linh.
Văn hóa tín ngưỡng nên đưa vào hương ước ở chung cư
Phần lớn người Việt đều có nhu cầu về văn hóa tâm linh và tín ngưỡng. Khi chuyển đến môi trường sống mới, ở những căn hộ chung cư, họ luôn mang trong mình tâm lý được thờ cúng tổ tiền, thờ Thổ Công hay đối với gia đình làm ăn kinh doanh, họ thờ cả Thần Tài.
Thế nhưng, văn hóa tâm linh ở chung cư bị bó hẹp bởi vấn đề không gian sống, những quy định chặt chẽ của chung cư và đặc biệt có nguy cơ ảnh hưởng tới hệ thống phòng cháy chữa cháy. Trong khi đó, hiện nay, vấn nạn phòng cháy chữa cháy đang vô cùng phức tạp.
Đến thời điểm hiện nay, để đáp ứng nhu cầu về văn hóa tâm linh, nhiều chung cư đã đặt lư hương dưới sảnh các tòa nhà để các gia đình đốt vàng mã. Một số chung cư còn xây nơi thờ cúng trên tầng thượng. Điều này giúp cho cư dân tạo được nếp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng an toàn.
Trong các căn hộ, đa phần gia chủ đều có bàn thờ. Lý giải về vấn đề này, các gia chủ đều mong muốn được thờ cúng tổ tiên, thờ cúng người đã khuất như một sự tưởng nhớ về nguồn cội. Đây là phong tục tập quán của người Việt Nam từ xa xưa. Chúng ta không bàn tới chuyện đúng sai mà cần quan tâm tới việc phải đảm bảo đời sống văn hóa tâm linh cho cư dân.
Bản thân gia chủ cũng cần xác định đâu là văn hóa tín ngưỡng, đâu là mê tín. Khi thờ cúng, chúng ta phải biết mình thờ ai, làm gì. Thực chất, thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng nhằm giáo dục con người uống nước nhớ nguồn. Những đứa trẻ khi nhìn thấy người lớn nhớ về người đã khuất, người có công ơn sinh thành và dưỡng dục, sẽ hiểu được đạo lý ơn nghĩa sinh thành.
Trong phong tục của người Việt cổ, thờ cúng bởi tâm lý “có thờ có thiêng có kiêng có lành”. Đầu tiên, thờ cúng giải quyết vấn đề về mặt tâm lý. Không quan trọng là mâm cao cỗ đầy mà cần sự thành tâm. Gia chủ chỉ cần hết lòng thành hướng về cội nguồn. Khi khấn đơn giản là chúng ta cầu nguyện, sống tốt và nhập tâm để tự tư dưỡng và hướng tới việc thiện.
Văn hóa tâm linh trong vấn đề thờ cúng ở chung cư tạo ra văn hóa tín ngưỡng ở quần thể chung cư. Liên quan tới dọn nhà mới, nhiều gia đình tiến hành bốc bát hương, đặt bàn thờ và làm lễ nhập trạch. Khi chúng ta tiến hành nhập trạch, thờ cúng như cách chúng ta giao tiếp với người đã khuất, nên bày tỏ lòng mong muốn hơn là sự “bày vẽ”, lãng phí.
Việt Nam có rất nhiều ngày lễ theo âm lịch. Và chung cư giống như mô hình cái làng, một mô hình tập thể. Nếu biết kết hợp sinh hoạt cộng đồng và văn hóa tín ngưỡng là điều rất tốt. Điển hình như ngày Tết, chúng ta có lễ Tết trồng cây, lễ gói bánh chưng. Nếu hình thành văn hóa tốt, chúng ta sẽ có cộng đồng cư dân đoàn kết.
Điều cuối cùng cần nhấn mạnh, đảm bảo văn hóa tín ngưỡng cho cư dân là điều vô cùng quan trọng nhưng chính bản thân mỗi cư dân cần tôn trọng các quy định mà chung cư đặt ra nhất là vấn đề cháy nổ. Văn hóa tín ngưỡng nên đưa vào hương ước trong các chung cư.