Aa

“Phá băng“ cho du lịch bằng hộ chiếu vaccine: Cần lộ trình như thế nào?

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Bảy, 24/04/2021 - 06:00

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 vẫn còn tiếp diễn, việc đón khách du lịch quốc tế là điều cần hết sức thận trọng. Do đó, nhiều quốc gia đã hướng đến triển khai "hộ chiếu vaccine” như một giải pháp tình thế.

Du lịhc Việt Nam
Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề bởi đại dịch Covid-19 (Ảnh sưu tầm)

Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19. Nhìn lại năm 2020, tác động của đại dịch Covid-19 tới ngành du lịch Việt Nam là vô cùng nặng nề. 

Theo báo cáo cuối năm 2020 của Tổng cục Thống kê, do việc đóng cửa biên giới để ngăn chặn Covid-19, khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2020 chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% - mức giảm tương đương 19 tỷ USD. Khoảng 40 - 60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10 - 15%.
Có thể thấy, Covid-19 đi qua đã gần như “đóng băng” toàn bộ ngành du lịch Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Vì vậy, những giải pháp để mở cửa, hồi phục cho ngành du lịch là hết sức cấp bách trong thời điểm này. 

“Hộ chiếu vaccine” – giải pháp mới trong thời đại Covid -19

Mới đây, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia đã họp thường trực Ban Chỉ đạo, thảo luận các biện pháp phòng chống dịch và tận dụng thời gian phát triển kinh tế. Tại cuộc họp đã đề xuất phương án thực hiện "hộ chiếu vaccine".

Theo đó, "hộ chiếu vaccine" là  một dạng thẻ chứng nhận tiêm chủng hoặc chứng nhận đã miễn dịch với Covid-19. Đây là một giải pháp đã được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai nhằm kích cầu ngành du lịch sau đại dịch.

Ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho biết, 3 nhóm đối tượng dự kiến được thực hiện "hộ chiếu vaccine" tại Việt Nam gồm người Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài, người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư và khách du lịch quốc tế đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. 

Trong đó, với khách du lịch quốc tế, hướng ban đầu sẽ áp dụng "hộ chiếu vaccine" với những du khách đến từ các nước kiểm soát tốt dịch bệnh, đã triển khai tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng và nơi đến là các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng kiểm soát được đi lại, tiếp xúc.

Tiêm vaccine
“Hộ chiếu vaccine” – giải pháp mới trong thời đại Covid -19 (Ảnh sưu tầm)

Nhận xét về giải pháp này, ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Viet Foot Travel - một trong những công ty đang đẩy mạnh việc đưa chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam đã bày tỏ sự vui mừng: "Hộ chiếu vaccine có thể tạo nên cú hích cho ngành du lịch khi được áp dụng rộng rãi trong tương lai".

"Tôi có so sánh đơn giản thế này: 30 khách nội địa bằng 10 khách Việt Nam đi nước ngoài và bằng 3 khách nước ngoài vào Việt Nam. Con số này xét về cả chi tiêu lẫn lợi nhuận cuối cùng mà doanh nghiệp nhận được. Trong khi du lịch outbound (khách Việt Nam ra nước ngoài) là chảy ngoại tệ, Việt Nam muốn thu ngoại tệ thì sẽ cần thị trường inbound (khách nước ngoài vào Việt Nam). Thị trường nội địa giúp duy trì ổn định ngành du lịch nhưng khó đem đến sự bùng nổ hay tài chính cho các đơn vị lữ hành, bên cung cấp dịch vụ. Trong bối cảnh này, nếu Việt Nam không tìm cách "phá băng" thì ngành du lịch sẽ tự đánh mất cơ hội", ông Phạm Duy Nghĩa bày tỏ.

Như vậy, theo ông Nghĩa, việc triển khai "hộ chiếu vaccine” là giải pháp cần thiết và nên nắm bắt triển khai để không lỡ mất những cơ hội cho sự phát triển trở lại của ngành du lịch nước nhà.

Phương án tốt nhưng phải thận trọng

Việc triển khai “hộ chiếu vaccine” được xem là phương án tháo gỡ hài hoà cho bài toán kinh tế và sức khoẻ, sẽ hỗ trợ từng bước việc mở lại đường bay thương mại quốc tế, mở cửa ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải là một vấn đề đơn giản và cần có sự trao đổi và thảo luận chặt chẽ.

Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch nhận định: “Nếu Việt Nam muốn mở cửa đón khách quốc tế bằng “hộ chiếu vaccine” cần phải xem xét cẩn thận. Ngành y tế Việt Nam phải cùng ngành y tế các thị trường mục tiêu ngồi lại với nhau để thống nhất các cơ chế chung. Trong đó, Việt Nam cần có kế hoạch cụ thể về việc công nhận “hộ chiếu vaccine” với các nước theo hình thức song phương hoặc với một khu vực.

Chẳng hạn, Việt Nam cùng với các quốc gia như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc… thống nhất với nhau về quy trình xét nghiệm, quan điểm chung về vaccine, visa du lịch vaccine… Khi thực hiện đồng bộ như vậy mới cho phép tiếp nhận khách lẫn nhau, còn như hiện nay khó có thể mở cửa đón khách quốc tế được”.

Bên cạnh đó, ông Trung Lương cũng nhấn mạnh: “Trong nội bộ Việt Nam, yếu tố an toàn phải bảo đảm. Nghĩa là ngoài những người trực tiếp đón khách phải được tiêm vaccine và có quy trình kiểm soát đi lại, tiếp xúc trong nước. Nơi đến là những khu du lịch, nghỉ dưỡng có thể kiểm soát được người vào an toàn”.

Đồng quan điểm,  PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cũng cho rằng, chúng ta nên làm thấu đáo giữa hai việc không để dịch Covid-19 lây lan ra cộng đồng và phát triển kinh tế.

“Trước mắt nước ta có thể áp dụng mô hình du lịch ít tiếp xúc. Tất cả những người có “hộ chiếu vaccine”, kể cả người Việt Nam ra người nước ngoài đều có thể đi đến mô hình du lịch mà ở khu vực đó có tỷ lệ tiêm vaccine cao, đồng thời cho những người có “hộ chiếu vaccine" đến đó. Điều này, ngành du lịch và y tế phải có sự thống nhất” – ông Phu nhấn mạnh.

Còn theo PGS. TS Vũ Đình Thiểm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bày tỏ, việc triển khai “hộ chiếu vaccine” cũng cần được xem xét vì hai năm qua, thế giới cũng như Việt Nam chịu thiệt hại kinh tế nặng nề bởi Covid-19. Do đó, chúng ta có thể xem xét đến việc người tiêm vaccine đủ ngày, sau tiêm liều 2 - 14 ngày trở ra mới được cấp hộ chiếu vaccine và cho nhập cảnh.

Tuy nhiên, theo PGS. TS Thiểm, không phải vaccine có hiệu lực 100%. Trong số người tiêm vaccine vẫn có khả năng mắc bệnh. “Cần phải có biện pháp phòng, chống dịch cho nhóm người này, không chặt chẽ khắt khe bằng nhóm chưa có hộ chiếu vaccine”, PGS. TS Thiểm bày tỏ. 

Như vậy, rõ ràng giải pháp thực hiện “hộ chiếu vaccine” là một giải pháp rất hợp lý cho bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, việc áp dụng nó vào Việt Nam như thế nào để hợp lý với bài toán dịch bệnh là cần có sự cân nhắc thật kỹ càng.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top