Hòa Bình: Nhiều lợi thế “bứt tốc” trong phát triển công nghiệp bền vững

Hòa Bình: Nhiều lợi thế “bứt tốc” trong phát triển công nghiệp bền vững

Thứ Hai, 31/05/2021 - 10:47

Theo dự báo, bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá trong thời gian tới. Chính phủ và địa phương đang nỗ lực thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Thống kê cho thấy, các khu công nghiệp (KCN) tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, gần đầu mối giao thông như Hà Nội, TP.HCM đã dần cạn kiệt quỹ đất. Nhà đầu tư và các doanh nghiệp nước ngoài đang hướng đến thị trường bất động sản công nghiệp vùng ven. Mặc dù không phải là trung tâm nhưng đây được xem là địa điểm lý tưởng khi hệ thống hạ tầng giao thông và tính kết nối giữa các tỉnh ngày càng được nâng cao.

Trong khi đó, quỹ đất KCN ngày càng được mở rộng để chờ đón các “ông lớn” chuyển dịch về Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh thành phố xác định phát triển công nghiệp chú trọng đến ứng dụng công nghệ cao và thân thiện môi trường. Điển hình, trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Hòa Bình định hướng phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả, làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển...

Thời gian vừa qua, chính quyền tỉnh Hòa Bình đã đưa ra chủ trương hoàn toàn đúng đắn, với những quyết sách quan trọng trong việc thúc đẩy công nghiệp phát triển bền vững. Cùng với đó, các sở, ban, ngành và địa phương đã rất nỗ lực để đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả nhằm đẩy mạnh việc thu hút đầu tư, tăng cường công tác quản lý nhà nước tại các KCN trên địa bàn.

Thực tế đã ghi nhận, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có nhiều KCN được quy hoạch và đầu tư xây dựng đồng bộ, hoạt động có hiệu quả cao. Trong đó, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... đã, đang lựa chọn đầu tư xây dựng nhà máy và kho xưởng tại các KCN. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được tạo mọi điều kiện thuận lợi để đầu tư sản xuất, trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam.

Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) đã có cuộc trao đổi với ông Chu Văn Thắng – Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình và lắng nghe chia sẻ của ông về định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh Hòa Bình trong giai đoạn 2020 - 2025.

Đất kCN Hòa Bình rộng 4.600ha

PV: Định hướng phát triển các KCN của tỉnh Hòa Bình trong thời gian tới và những lợi thế, khó khăn trong việc triển khai các KCN trên địa bàn là gì, thưa ông?

Ông Chu Văn Thắng: Trước hết, về định hướng phát triển các KCN tỉnh Hòa Bình trong thời gian tới:

Bám sát quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025: "Phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả, làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.... Chú trọng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật các KCN như: Yên Quang, Nam Lương Sơn; mở rộng KCN Lạc Thịnh lên khoảng 1.000ha; nâng tỷ lệ lấp đầy diện tích các KCN trên 80%. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích đất các khu, cụm công nghiệp chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh".

Đại hội đảng bộ tỉnh Hòa Bình

Thứ 2, về những lợi thế, khó khăn trong việc triển khai các KCN trên địa bàn tỉnh.

Về lợi thế:

Một là, Hòa Bình có vị trí tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, giao thông thuận lợi, tạo điều kiện có thể thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo và tiếp cận được các nguồn vốn đầu tư, khoa học công nghệ và lao động có chất lượng cao.

Hai là, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh Uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc phát triển công nghiệp nói chung và phát triển các KCN của tỉnh nói riêng.

Ba là, tỉnh quy hoạch các KCN hầu hết nằm tại các vị trí, giao thông thuận lợi trên các tuyến, trục đường lớn: Quốc lộ 6, dường Hồ Chí Minh, đường Láng Hòa Lạc kéo dài và nằm trong vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh... do đó thuận lợi cho việc phát triển, thu hút đầu tư.

Bốn là, có nguồn lao động dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư.

Khu công nghiệp bờ trái sông Đà tỉnh Hòa Bình
Tỉnh Uỷ, HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, cùng sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc phát triển công nghiệp nói chung và phát triển các KCN của tỉnh nói riêng.

Về khó khăn:

Một là, Hòa Bình là tỉnh miền núi với ¾ đất đai là đồi núi, địa hình phức tạp, chia cắt, do vậy, khả năng quy hoạch các KCN có diện tích lớn sẽ rất khó (hiện tại hầu hết các KCN của tỉnh chỉ khoảng 200ha, riêng KCN Bờ trái sông Đà 67,37ha, KCN Lương Sơn 83,08ha). Mặt khác các KCN của tỉnh nằm rải rác, tính liên kết, hấp dẫn đối với nhà đầu tư chưa cao.

Hai là, Hòa Bình vẫn là tỉnh nghèo, có số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh mới chỉ đáp ứng khoảng 20 - 30% chi ngân sách Nhà nước hàng năm, còn lại là hỗ trợ của Trung ương, nên việc bố trí kinh phí, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thuật và hạ tầng xã hội các KCN chưa nhiều.

Ba là, một số chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN hạn chế về năng lực, tài chính, gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn dẫn đến tiến độ đầu tư hạ tầng chậm, kéo dài, thậm chí có dự án không có khả năng triển khai đầu tư đã bị thu hồi.

Bốn là, một số quy định của Trung ương ngày càng chặt chẽ, trong khi văn bản hướng dẫn chậm được ban hành, gây ảnh hưởng tới thu hút đầu tư, mất cơ hội phát triển nhanh các KCN của tỉnh, cụ thể như:

Trong lĩnh vực đầu tư: Quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng KCN thay vì UBND tỉnh như trước đây; quy định về điều kiện xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN phải đảm bảo "tổng diện tích đất công nghiệp của các KCN đã được thành lập trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thuê đất, thuê lại đất đạt tối thiểu 60%", gây khó khăn trong việc thu hút và thực hiện thủ tục quyết định chủ trương tư đối với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng KCN.

Trong lĩnh vực môi trường: Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ quy định: Từ 01/01/2020,việc tiếp nhận dự án đầu tư mới vào KCN phải phù hợp với khả năng tiếp nhận, xử lý nước thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung; các dự án đầu tư thứ cấp mới trong các KCN phải đấu nối vào hệ thống xử lý tập trung của KCN. Trong khi đó hiện nay các KCN của tỉnh, mới chỉ có KCN Lương Sơn, Bờ trái sông Đà có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các KCN còn lại chưa được đầu tư xây dựng, nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư.

bất động sản công nghiệp xanh
Chủ trương phát triển công nghiệp chú trọng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường là hoàn toàn đúng đắn và tạo tính bền vững.

PV: Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025, quỹ đất khu, cụm công nghiệp có 2.000ha và phấn đấu tăng lên gần gấp đôi so với quỹ đất hiện tại, tức tăng đạt 1% tổng diện tích tự nhiên (khoảng 4.500 - 4.600ha). Vậy, Ban Quản lý các KCN có sự chuẩn bị và kế hoạch cụ thể như thế nào, để triển khai trên thực tế theo chủ trương trên, thưa ông?

Ông Chu Văn Thắng: Hiện tại, diện tích đất quy hoạch 08 KCN và 20 cụm công nghiệp (CCN) của tỉnh là 2.307ha (KCN là 1.507ha và CCN khoảng 800ha).

Nghị quyết số 04-NQ/ĐH ngày 03/10/2020 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: “...Phấn đấu đến năm 2025 diện tích đất các khu, cụm công nghiệp chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh" tương đương với khoảng 4.600ha, bằng 50% so với chỉ tiêu của Nghị quyết.

Hiệu quả đầu tư bất động sản công nghiệp Hòa Bình

Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Ban Quản lý các KCN, Sở Công Thương đã phối hợp các huyện, thành phố rà soát quy hoạch, đề xuất UBND tỉnh lập phương án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các khu, CCN đến năm 2030 để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (dự kiến đến tháng 06/2021 sẽ hoàn thành) theo hướng như sau:

Trước hết, đối với các KCN: Giữ nguyên diện tích 07 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2020, bao gồm: KCN Lương Sơn, Bờ trái sông Đà, Mông Hóa, Yên Quang, Nam Lương Sơn, Nhuận Trạch, Thanh Hà tổng diện tích là 1.287ha; mở rộng KCN Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy (từ 220ha lên 1.170ha, tăng 950ha); bổ sung KCN Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, diện tích khoảng là 550ha và KCN Thống nhất, huyện Lạc Thủy, diện tích khoảng 1.000ha, dự kiến tăng tổng diện tích quy hoạch các KCN của tỉnh Hòa Bình từ 1.507ha lên khoảng gần 3.800ha, bằng 0,82% tổng diện tích tự nhiên tỉnh Hòa Bình.

Thứ 2, đối với CCN: Bổ sung thêm 13 CCN tại các huyện, thành phố: Đà Bắc: 02 cụm; Cao Phong: 02 cụm; Tân Lạc: 01 cụm; Lạc sơn: 01 cụm; Lương Sơn: 02 cụm; Lạc Thủy: 02 cụm; Yên Thủy: 01 cụm; Kim Bôi: 01 cụm; TP. Hòa Bình: 01 cụm, dự kiến tăng tổng diện tích quy hoạch các CCN của tỉnh Hòa Bình từ 800ha lên khoảng 1.750ha, bằng 0,38% tổng diện tích tự nhiên tỉnh Hòa Bình (số liệu báo cáo của Sở Công Thương).

Như vậy, diện tích quy hoạch các KCN, CCN của tỉnh Hòa Bình sẽ tăng từ 2.307ha lên khoảng gần 5.550ha.

Đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư KCN

PV: Công tác thu hút đầu tư đặc biệt là những nhà đầu tư có năng lực về tài chính, quản lý, kinh nghiệm về đầu tư xây dựng, để triển khai các KCN theo quy hoạch được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Chu Văn Thắng: Việc thu hút nhà đầu tư có năng lực quản lý, tài chính, có kinh nghiệm xây dựng và phát triển hạ tầng các KCN là vấn đề mà Hòa Bình đang gặp nhiều khó khăn, vẫn xảy ra tình trạng chủ đầu tư hạ tầng có năng lực hạn chế, gặp khó khăn trong huy động vốn, tiến độ đầu tư hạ tầng chậm, kéo dài, thậm chí có dự án không có khả năng triển khai đầu tư nên phải thu hồi.

Chính vì vậy, để lựa chọn được nhà đầu tư hạ tầng có năng lực quản lý, kinh nghiệm, tài chính triển khai các KCN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao cho Ban Quản lý các KCN chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng các KCN của tỉnh. Vì vậy, thời gian tới việc lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng các KCN (nội dung thuộc thẩm quyền của tỉnh) sẽ có chiều hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch.

PV: Vậy, phía tỉnh Hòa Bình có những ưu đãi gì để thực hiện hiệu quả việc thu hút đầu tư, thưa ông?

Đại hội đảng bộ tỉnh Hòa Bình phát triển KCN Hòa Bình

 

Ông Chu Văn Thắng: Về chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư: Hòa Bình chưa có quy định riêng để thực hiện công tác thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng các KCN, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch. Hiện tại, việc thực hiện các chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào các KCN của tỉnh theo quy định chung của pháp luật về đầu tư (ưu đãi tiền thuê đất, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với những doanh nghiệp thành lập mới).

Ngoài ra, tỉnh có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp trong các KCN theo Quyết định số 1454/QĐ-UBND ngày 03/06/2016 của UBND tỉnh (mức ưu đãi từ 300.000  đồng đến 1.000.000 đồng/lao động) và hỗ trợ các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào các KCN của tỉnh.

PV: Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, môi trường, đầu tư tại các KCN trên địa bàn được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Chu Văn Thắng: Ban Quản lý thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước trực tiếp đối với các KCN của tỉnh theo sự phân cấp, ủy quyền của UBND tỉnh tại Quyết định số 01/2016/QĐ-UBD ngày 12/1/2016 về ban hành quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Ban Quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình, theo đó, Ban Quản lý được phân cấp thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các KCN trên tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước: Quy hoạch, đầu tư, xây dựng, môi trường, lao động, thương mại, đất đai và các nhiệm vụ, quyền hạn khác.

Công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, xây dựng, môi trường, đầu tư tại các KCN trên địa bàn được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật từ khâu xúc tiến, thu hút đầu tư, hướng dẫn lập hồ sơ và thực hiện cấp quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, cấp giấy phép xây dựng, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài... hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giám sát, đôn đốc... phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định của pháp luật của các dự án đầu tư trong các KCN của tỉnh.

Hiệu quả đầu tư khu công nghiệp bờ trái sông Đà tỉnh Hòa Bình
bất động sản công nghiệp Hòa Bình

Công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, xây dựng, môi trường, đầu tư tại các KCN trên địa bàn được Ban Quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình thực hiện theo đúng quy định của pháp luật

Tuy nhiên, để thực hiện được một số nhiệm vụ đã được phân cấp thì phải có sự ủy quyền của một số Bộ, ngành hoặc các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố của tỉnh. Hiện tại, có một số nhiệm vụ Ban Quản lý chưa thực hiện như: Thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư; nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lao động hiện không được Sở Lao động Thương binh và Xã hội ủy quyền, việc cấp các loại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa sản xuất trong KCN (Ban Quản lý đã đề nghị nhưng đến nay chưa được Bộ Công Thương ủy quyền)...

Lợi thế đầu tư bất động sản công nghiệp Hòa Bình

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, trong định hướng phát triển công nghiệp có thể xem xét hình thành chuỗi các KCN và có tính liên nối. Quan điểm của Ban Quản lý các KCN về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Chu Văn Thắng: Định hướng phát triển công nghiệp có thể xem xét hình thành chuỗi các KCN và có tính liên nối là quan điểm hết sức đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển các KCN hiện nay.

Để làm được điều đó, quan điểm của Ban Quản lý là ngay từ khâu lập quy hoạch các KCN cần phải đánh giá đúng các nguồn lực, lợi thế của vùng, có luận cứ khoa học định hướng phát triển, có sự phù hợp, thống nhất giữa quy hoạch tổng thể với quy hoạch ngành, vùng, lãnh thổ; giữa quy hoạch KCN với quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch sử dụng đất…, cần có mối liên hệ với các trung tâm kinh tế và đô thị vì có thể tận dụng được những lợi thế so sánh phục vụ cho việc phát triển, thúc đẩy sự thành công của KCN.

Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, Hòa Bình là tỉnh miền núi với ¾ đất đai là đồi núi, địa hình phức tạp, các KCN của tỉnh nhỏ và nằm rải rác trên địa bàn tỉnh. Do đó việc định hướng phát triển công nghiệp theo hướng hình thành chuỗi các KCN và có tính liên nối là rất khó khăn.

Đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư KCN tỉnh Hòa Bình

PV: Hiện nay, nhiều KCN cũ đang tồn tại những bất cập về kết cấu hạ tầng xã hội, không đáp ứng được nhu cầu về nơi ở chất lượng, các dịch vụ tiện ích. Nhiều ý kiến cho rằng, quy hoạch khu công nghiệp – đô thị là mô hình mới mà các cấp chính quyền và các nhà đầu tư nên hướng đến. Quan điểm của Ban Quản lý các KCN về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Chu Văn Thắng: Mục tiêu hình thành khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ theo quy định Điều 36 Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã xác định rõ là, nhằm hình thành khu vực đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của KCN, gắn kết giữa phát triển khu công nghiệp với quá trình đô thị hóa tại các địa phương; giải quyết vấn đề nhà ở, công trình văn hóa, thể thao và các tiện ích xã hội khác đảm bảo cuộc sống của công nhân trong KCN, phát triển KCN theo hướng bền vững... hướng tới phát triển thành các thành phố công nghiệp, đô thị thông minh đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Hiệu quả khu công nghiệp đô thị dịch vụ

Tuy nhiên, khi nghiên cứu quy định để triển khai mô hình này, tỉnh Hòa Bình gặp phải khó khăn như:

Một là, quy hoạch các KCN của tỉnh rất nhỏ nên việc hình thành và phát triển mô hình thành phố công nghiệp, đô thị thông minh đạt tiêu chuẩn quốc tế là rất khó khăn.

Hai là, Hòa Bình là tỉnh miền núi, có số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh mới chỉ đáp ứng khoảng 20 - 30% chi ngân sách Nhà nước hàng năm, còn lại là hỗ trợ của Trung ương, nên việc bố trí, hỗ trợ để đầu tư phát triển hạ tầng thuật và hạ tầng xã hội các KCN chưa nhiều.

Ba là, một số chủ đầu tư hạ tầng các KCN của tỉnh còn hạn chế về năng lực tài chính, chưa quan tâm chú trọng đầu tư hạ tầng xã hội KCN.

Bốn là, việc thực hiện xã hội hóa các công trình hạ tầng xã hội hiệu quả chưa cao, nên chủ yếu vẫn đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước...

Vì vậy, tỉnh Hòa Bình đã có kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về tiêu chuẩn áp dụng, tiêu chuẩn thiết kế, ưu đãi cho các nhà đầu tư dự án vào các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, KCN sinh thái, KCN hỗ trợ; hướng dẫn cụ thể đối với các KCN đã được quy hoạch nhưng không đủ điều kiện để phát triển theo mô hình nêu trên để các tỉnh nói chung, Hòa Bình nói riêng tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Ngọc Tiến 
31/05/2021 10:35
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top